GIẢI PHÁP CHO CANH TÁC LÚA NƯỚC BỀN VỮNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRỒNG LÚA THEO HƯỚNG KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP

ĐẶT VẤN ĐỀ

               Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu phát thải Cacbon và chất thải gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm cân bằng sinh thái và sức khỏe con người.

               Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã trở thành một trong các nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Lúa gạo là nguồn lương thực chủ yếu và còn là nguồn tạo công ăn việc làm và thu nhập lớn nhất cho người dân nông thôn. Tuy nhiên hoạt động sản xuất lúa gạo cũng có nhiều thách thức. Những giống lúa mới đưa vào canh tác hiện nay khuyến khích tính đồng nhất gen di truyền làm cây lúa dễ bị sâu hại và dịch bệnh hơn. Việc sản xuất lúa chủ yếu vẫn ở dạng quy mô nhỏ – khoảng 9 triệu hộ nông dân sở hữu dưới 0,5ha đất trồng lúa. Những cánh đồng đầy nước quanh năm được bón nhiều phân hóa học góp phần làm tăng khí thải nhà kính, gây ra hiện tượng trái đất nóng lên. Hoạt động sản xuất lúa gạo cũng gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng do việc lạm dụng phân hóa học (đặc biệt là phân đạm), thuốc trừ sâu. Sản xuất lúa nước trong tình trạng khan hiếm nước gia tăng cũng trở thành một thách thức. Các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân lá ngô; phân gia súc, gia cầm… trước đây thường được bà con nông dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc, làm phân bón cho cây trồng hoặc làm chất đốt. Song trong những năm gần đây, do đời sống kinh tế khá hơn nên những chất thải nông nghiệp ít được sử dụng lại, mà nông dân vứt bỏ, đổ thải bừa bãi trên đường làng, ngõ xóm,  hoặc đốt ngay trên đồng ruộng. Như vậy, việc không tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đã gây lãng phí một nguồn hữu cơ lớn, mất mỹ quan, mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường. Việc đốt rơm rạ sẽ làm giảm lượng phân hữu cơ, dẫn tới phải tăng mức sử dụng phân hóa học. Năm 1980, lượng phân hóa học (N+P2O5+K2O) bón cho 1ha là 26,1kg, thì các năm 1990, 2000 và 2007 lượng bón tăng lên tương ứng (104,9; 365,6 và 307,9 kg/ha), cao hơn nhiều trung bình của thế giới và châu Á. Hơn nữa, trồng lúa mất rất nhiều công lao động trong đó người nông dân – đặc biệt là phụ nữ phải gánh vác nhiều công việc đồng áng cùng với các công việc nội trợ, nuôi dạy con cái.

              Trong xu hướng đô thị hóa, lực lượng lao động ở nông thôn đang chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; nông dân ở nhiều nơi chưa thực sự quan tâm mặn mà với cây lúa, và một số vùng đã có tình trạng nông dân bỏ ruộng. Nếu không có những giải pháp đổi mới thiết thực và hữu ích thì nghề trồng lúa dễ lâm vào tình trạng thiếu lao động trong những năm tới đây.

              Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu đưa ra những tiến bộ kỹ thuật để thâm canh lúa như: lai tạo chọn giống, làm đất, luân canh, tưới nước, phân bón, và các dự án nhằm cải tiến sản xuất lúa theo hướng an toàn bền vững, chống ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao chuỗi giá trị thu nhập cho người trồng lúa.

             Cũng đã có nhiều giải pháp được phổ biến như:“1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, “bón phân theo nguyên tắc 4 đúng”, hay “bón phân dúi sâu”, các giải pháp này khi thử nghiệm rất thành công, nhưng khi triển khai lại thiếu sản phẩm cụ thể, điều kiện, phương pháp sử dụng, nên khó khả thi cho sản xuất đại trà.

              Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào mang tính tổng thể, hợp lý và hiệu quả nhằm khắc phục những tồn tại khó khăn nêu trên và vấn đề này vừa là thách thức vừa là cơ hội cho những ai quan tâm đến nghề trồng lúa.  

              Xuất phát từ thực tế đó, sau nhiều năm nghiên cứu, triển khai thực nghiệm thành công, chúng tôi xin đề xuất nhóm giải pháp kỹ thuật cho canh tác lúa nước bền vững, nâng cao hiệu quả trồng lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

              Đề xuất giải pháp này được xây dựng dựa trên những yếu tố về thực trạng, tập quán, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, môi trường và đặc biệt là nhóm giải pháp đi cùng sản phẩm cụ thể, đã được đăng ký, đủ tiêu chuẩn, cócách sử dụng đơn giản, chi phí hợp lý, hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện canh tác lúa nước của nông dân Việt Nam, đã được triển khai thành công ở một số địa phương trong nước. Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tính toán, thiết kế, và triển khai mô hình thí điểm này và sẽ  điều chỉnh, bổ xung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của các vùng trồng lúa ở Việt Nam.

    NỘI DUNG GIẢI PHÁP

    1. GIẢI PHÁP THÂM CANH MẠ

        Tổng kết kinh nghiệm từ nhiều thế hệ trong canh tác lúa nước, nông dân ta đã đúc kết “tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa”, kinh nghiệm nàyđến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng có một câu nói khác: “Mạ bẩy, Lúa ba”, tức là đầu tư cho giai đoạn mạ sẽ quyết định 70% hiệu quả, còn đầu tư cho giai đoạn lúa chỉ quyết định 30% hiệu quả. Trong hệ thống các giải pháp thâm canh lúa, thì giải pháp thâm canh mạ giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Làm tốt khâu thâm canh mạ, theo quan điểm: “chăm sóc sức khỏe ban đầu” tức là tạo ra một cơ thể trẻ, khỏe cho cây lúa; đó là cơ sở và tiền đề để áp dụng các biện pháp thâm canh ở các giai đoạn tiếp theo.

    Sử dụng chế phẩm xử lý hạt giống:

      Chế phẩm xử lý hạt giống có các nhiệm vụ sau đây:

      – Diệt sạch mầm bệnh trên bề ngoài hạt giống;

      – Phá ngủ sinh lý (đối với hạt giống chuyển vụ);

      – Kích hạt giống nảy mầm nhanh, mạnh và đồng đều;

      – Cung cấp thêm dinh dưỡng ngoài những chất dự trữ trong hạt giống, để cây mạ có thể phát triển khỏe mạnh ngay từ ban đầu.

      Cách sử dụng chế phẩm:

                Hòa gói chế phẩm 5 gr với 2 lít nước sạch để ngâm cho 1 kg thóc giống, hoặc 50 gr chế phẩm với 20 lít nước để ngâm cho 10 kg thóc giống, theo tỷ lệ 1 thể tích hạt giống cần ngâm với 2 thể tích nước sạch đã pha chế phẩm. Ngâm hạt giống trong 18 giờ đối với lúa thuần trong vụ chiêm xuân, hoặc 12 giờ đối với lúa lai hay lúa thuần vụ mùa; sau đó thay nước và tiếp tục ngâm nước sạch, đãi chua rồi ủ bình thường như quy trình xử lý hạt giống.

                Chế phẩm này không cần phải xử lý hạt giống ở nước ấm 54 độ C (ba sôi, hai lạnh), cũng không phải đãi giống bằng nước muối hay xử lý mầm bệnh bằng thuốc trừ bệnh, nó cũng thay cho dùng GA3 hay chế phẩm phá ngủ và kích thích nảy mầm khác. Cách sử dụng lại đơn giản, dễ thực hiện.

      Sử dụng chế phẩm kích thích ra rễ, đẻ nhánh.

        Nhiệm vụ của chế phẩm kích thích đẻ nhánh:

        – Kích thích phát triển bộ rễ mạ;

        – Hạn chế chiều cao cây mạ, tăng phát triển chiều ngang;

        -Tăng khả năng chống chịu cho cây mạ trước những điều kiện bất thuận của ngoại cảnh;

        – Giúp mạ cứng cây, đanh dảnh, dễ hồi xanh sau cấy (nếu là mạ dược);

        – Giúp cây mạ đẻ sớm, đẻ khỏe, đẻ tập trung;

        Cách sử dụng chế phẩm:

        + Đối với lúa gieo thẳng hay lúa sạ tay, sạ máy: hòa gói chế phẩm 5 gr với 5 lít nước sạch, dùng ô doa lỗ nhỏ tưới đều lên mộng mạ đã nứt nanh và ra rễ, để ráo nước rồi đưa mạ ra sạ hay gieo thẳng.

        + Đối với mạ dược, mạ sân, mạ khay, gieo mạ trên nền đất cứng: Hòa gói chế phẩm 5 gr với 5 lít nước sạch, dùng bình phun nhỏ loại 5 lít, phun đều lên mạ khi đủ 1 lá thật và phun tiễn chân mạ trước khi cấy.

        Sử dụng chế phẩm vi sinh vật cho mạ

          Tác dụng của chế phẩm vi sinh vật dùng cho mạ:

                    Chế phẩm vi sinh vật này gồm các vi sinh vật có lợi giúp cây trồng quang hợp mạnh, cải thiện sức sống, tăng cường tính chống chịu của cây lúa, ngoài ra còn có vi sinh vật giúp cố định đạm, phân giải lân và phân giải hữu cơ trong đất giúp cây trồng hấp thu tốt, cải tạo đất, hạn chế sử dụng phân hóa học. Việc đưa chế phẩm vi sinh vào trong giai đoạn mạ là hợp lý nhất vì chi phí thấp, hiệu quả cao và cách làm đơn giản.

                    Cách sử dụng chế phẩm:

                   + Đối với lúa gieo thẳng hay lúa sạ tay, sạ máy: hòa gói chế phẩm vi sinh 5 gr với 1 lít nước sạch có pha thêm 10 thìa (50 gr) đường, để sau 24 giờ rồi dùng bình phun đều lên 6 kg mộng mạ (tương ứng 5 kg giống) đã nứt nanh và ra rễ, rồi đưa mạ ra sạ hay gieo thẳng. Lưu ý phun dịch vi sinh sau khi đã tưới chế phẩm kích thích ra rễ, đẻ nhánh và ráo nước.

                    + Đối với mạ dược, mạ sân, mạ khay, gieo mạ trên nền đất cứng: Hòa 5 gói chế phẩm 5 gr với 5 lít nước sạch có pha thêm 200 gr đường, để sau 24 giờ, rồi pha thêm 5-10 lít nước sạch nữa (tùy loại mạ dược hay mạ khay); đổ dung dịch vi sinh đã pha này vào chậu để hồ rễ mạ trước khi cấy. Lượng dịch vi sinh này có thể xử lý cho số mạ tương ứng 10 kg thóc giống.

                    Cần hết sức chú ý khi sử dụng chế phẩm vi sinh: Nước sạch dùng để pha chế phẩm vi sinh; tốt nhất là dùng nước đun sôi để ấm, khoảng 40 độ C. Tuyệt đối không dùng nước bẩn, không dùng nước máy chứa Clo; dụng cụ dùng để pha, tưới hoặc bơm chế phẩm cũng phải rửa thật sạch, tráng nước sôi.

          1. GIẢI PHÁP PHÂN BÓN VÀ BÓN PHÂN 1 LẦN CHO LÚA

          Lý do cần có giải pháp cho phân bón và bón phân cho lúa

                     Để cây lúa phát triển cân đối khỏe mạnh, cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố ngoại cảnh cần thiết (ánh sáng, nhiệt độ, không khí, nước và dinh dưỡng). Vì vậy, cần có chế độ canh tác hợp lý để chủ động cung cấp đủ dinh dưỡng khoáng cho cây suốt chu kỳ sinh trưởng.

              Theo kỹ thuật bón hiện nay gồm 01 lần bón lót (phân lân và phân hữu cơ) và 03 lần bón thúc (đạm và kali); khi bón phân cho lúa, người nông dân chỉ chú ý bón N,P,K, mà không quan tâm nhiều đến bón phân hữu cơ, đặc biệt là bón phân trung lượng và vi lượng. Mặt khác, do tính chất và đặc điểm mỗi vùng đất khác nhau, yêu cầu dinh dưỡng của mỗi loại giống lúa cũng khác nhau, nên không thể có một công thức phân bón chung cho cây lúa.

          Các lần bón thúc, lượng phân N,P,K chỉ nằm phía trên bề mặt tầng canh tác vì sau cấy xong từ 5-7 ngày, tầng canh tác sẽ đông kết nén chặt. Thời kỳ này, bộ rễ lúa mới cấy  ở độ sâu 4- 5 cm nên khó tiếp cận nguồn dinh dưỡng (nghẹt rễ vàng lá thường xuất hiện).

          Nồng độ phân khoáng trong nước mặt rất cao gây ngộ độc cho phần thân cây lúa non và khi gặp rét đột ngột cây sẽ bị chết nhanh. Lượng phân trên bề mặt cũng là điều kiện cho cỏ dại phát triển mạnh. Ngoài ra, lượng dinh đưỡng thất thoát do phân bị hòa tan trong nước, rửa trôi và bay hơi rất lớn.

          Cách dùng phân bón và bón phân như trên cây lúa sẽ bị mất cân đối dinh dưỡng, thời kỹ đầu rất thiếu và ngược lại thời kỳ cuối lại rất thừa. Cây lúa rất dễ nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm như đạo ôn cổ bông, rầy nâu… và đổ ngã do thừa đạm thời kỳ cuối. Vì vậy, dù nhiều chi phí tăng như phân bón, công lao động, thuốc trừ sâu bệnh nhưng năng suất chất lượng lúa gạo không tăng và môi trường sinh thái bị ô nhiễm. 

          Vì vậy, nhất thiết phải cải tiến đổi mới lại kỹ thuật trồng lúa mà cụ thể là cải tiến phân bón và thay đổi cách bón phân cho lúa.

          Nội dung của giải pháp

            Giải pháp cải tiến phân bón và cách bón phân cho lúa; bằng cách tạo ra tại chỗ loại phân bón chuyên dùng cho lúa đúng thành phần dinh dưỡng, đúng tỷ lệ N,P,K và trung lượng, vi lượng cân đối với phân hữu cơ, đúng liều lượng cây cần mà đất thiếu; và bón lót phân 100% cho lúa nhằm đảm bảo đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho cây lúa cân đối, đầy đủ và kịp thời suốt thời gian sinh trưởng. Giải pháp kỹ thuật này cũng rất phù hợp với câu tục ngữ “lót một hơn thúc mười”;  Cách làm cụ thể như sau:

                   + Phân bón chuyên dùng cho lúa:

                     Vấn đề đặt ra ở đây là phân bón phải kết hợp được tính tác dụng nhanh và hàm lượng dinh dưỡng cao của phân hóa học với khả năng cải tạo đất, giữ gìn độ phì nhiêu cho đất của phân hữu cơ và phân vi sinh, đồng thời bổ sung đầy đủ các nguyên tố N,P,K, trung lượng và vi lượng cùng các hoạt chất tăng cường khả năng hấp phụ dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây;  ngoài ra phân bón còn phải được điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng cho phù hợp với nhu cầu của từng loại giống lúa trên mỗi vùng đất canh tác khác nhau.

                      Phân sinh hóa hữu cơ (Bio Chemical Organic Fertilizer) chuyên dùng cho lúa là loại phân bón sử dụng quy trình lên men vi sinh vật để hoạt hóa các nguồn nguyên liệu hữu cơ tại chỗ (Có trình bày riêng cho nội dung này) rồi phối trộn với các loại phân hóa học (N, P, K, trung lượng, vi lượng) cùng các hoạt chất nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, tăng cường khả năng hấp phụ dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây trồng. Sử dụng phân sinh hóa hữu cơ chuyên dùng cho lúa, cùng một lúc chúng ta đưa vào đất canh tác ba loại phân: phân hữu cơ, phân hóa học, phân vi sinh; ngoài ra nó còn được bổ sung các yếu tố và hoạt chất mà cây cần và đất thiếu, nó được điều chỉnh hàm lượng dinh dưỡng cho phù hợp từng loại giống lúa trên mỗi vùng đất canh tác khác nhau.

            Hiệu quả mang lại do sử dụng phân sinh hóa hữu cơ là rất lớn, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi loại phân này để tái tạo lại độ phì nhiêu của những vùng đất bạc màu do khai thác không hợp lý, để cải tạo những vùng đất hoang hóa thành đất canh tác và để tăng năng suất và chất lượng nông sản trong điều kiện thâm canh cao. Quan trọng hơn cả: Phân sinh hóa hữu cơ giải quyết được vấn đề tiết kiệm chi phí, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và sự phát triển của một nền nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

            Tuy nhiên việc tạo ra phân sinh hóa hữu cơ theo hướng phân chuyên dùng cho vùng chuyên canh lúa không đơn giản: nó đòi hỏi phải có phương pháp, nguyên liệu và điều kiện thích hợp.

            Đầu tiên, chúng ta phải kiểm tra và “khám sức khỏe” cho đất, sau đó phải “đọc” chính xác kết quả này. Việc này tốt nhất là giao cho đơn vị đủ chuyên môn và điều kiện thực hiện như Viện Thổ nhưỡng nông hóa hoặc các đơn vị chuyên ngành nông hóa thổ nhưỡng thuộc ngành Nông nghiệp và PTNT.

            Việc thứ hai cần làm là xác định thành phần, tỷ lệ, chủng loại dinh dưỡng và các hoạt chất cần và đủ cho từng loại phân sử dụng cho bón lót, bón thúc hay bón phục hồi sau thu hoạch; liều lượng bón phù hợp với tuổi cây và thực trạng của cây. Việc này cũng cần phải có chuyên gia giỏi để tư vấn.

            Việc thứ ba là lựa chọn nguyên liệu phù hợp để phối trộn tại chỗ, cần lưu ý là tất cả nguyên liệu được sử dụng đều phải ở dạng hoạt hóa (riêng phân hữu cơ phải được ủ hoai) để sau khi phối trộn và bón vào đất là cây trồng có thể dễ dàng hấp phụ được qua trao đổi ion trong đất. Nhất thiết không được sử dụng các nguyên liệu không đạt yêu cầu trên.

            Sau khi triển khai xong ba việc trên thì việc thứ tư là phối trộn lại khá đơn giản: chỉ việc trộn thật đều các thành phần nguyên liệu đã được xác định theo đúng công thức là xong. Ta có thể thuê các xưởng sản xuất phân bón gia công hoặc đơn giản hơn là sử dụng máy trộn bê tông di động để phối trộn. Nên chú ý là phối trộn đủ lượng cần dùng, trộn đến đâu dùng hết đến đấy, không nên để sản phẩm thừa.

                      Sau khi đã có phân bón thì việc phải làm tiếp theo là bón phân. Sản phẩm tốt chỉ phát huy hiệu quả cao khi sử dụng đúng.

                     + Bón phân một lần cho lúa

            Bón tất cả các loại phân đã phối trộn ngay trước khi cầy bừa lần cuối, phân bón được trộn đều trong toàn bộ tầng đất canh tác và bộ rễ lúa sẽ có điều kiện hút các chất dinh dưỡng trong phạm vi 1000 – 1500 m3/ha (nếu làm đất sâu 10-15 cm) .

            Phân bón được các keo đất hấp phụ nên không bị mất do khoáng hóa bốc hơi hay bị rửa trôi, bộ rễ lúa cũng không bị ngộ độc do nồng độ phân khoáng rất thấp do đã tan đều trong tầng canh tác Cách bón này cho phép tiết kiệm được 40 – 50 % lượng phân vô cơ so với kỹ thuật bón thúc 03 lần như hiện nay.

            – Ruộng lúa được bón phân đầy đủ, cân đối và được trộn đều vào tầng canh tác giúp cho rễ hoạt động thuận lợi không bị nghẹt rễ vàng lá, cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt nhất để có thể đạt năng suất, chất lượng cao nhất.

            – Cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh sẽ hạn chế các loại sâu bệnh và hạn chế ít dùng các loại thuốc BVTV. Đây là điều kiện quan trọng đảm bảo nâng cao chất lượng gạo và chống ô nhiễm môi trường (nước ruộng không bị ô nhiễn và giảm phát thải các loại khí nhà kính nguy hiểm như NH3, N2O).

             GIẢI PHÁP XỬ LÝ RƠM, RẠ TRÊN RUỘNG LÚA

                       Phương pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học được tiến hành dựa trên nguyên tắc bổ sung các chủng vi sinh vật phân giải hữu cơ có khả năng phân giải nhanh và triệt để, biến rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng để rải lại trên cánh đồng, cày vùi vào đất hoặc sử dụng làm chất che phủ cho nhiều loại cây trồng. Phương pháp này vừa giảm lượng khí cacbon thải ra môi trường, vừa có thể tận dụng rơm rạ làm phân hữu cơ để mang lại lợi ích kinh tế, giảm chi phí cho người trồng lúa.

                      1. Chọn lựa chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ trên ruộng lúa.

                       Trên cơ sở các chế phẩm sinh học đã được Tổng cục môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận lưu hành cho xử lý chất thải hữu cơ ở Việt Nam, chúng tôi lựa chọn các chế phẩm  phục vụ cho mục đích là xử lý rơm rạ và các loại phế thải hữu cơ khác.

            Tiêu chí chọn chế phẩm vi sinh:

              +Các chủng giống vi sinh vật được phân loại độ an toàn sinh học cấp độ 1 theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization, 2004).

             + Các chủng vi sinh vật có thể hoạt lực enzym cao trong phân cắt cấu trúc xenluloza, hemixenluloza, lignin (Beta-glucanaza, Beta-galactosidaza, Arabinogalactan endo-beta-1,4-galactanaza, Xylanaza, Laccaza,  Ruminococcus flavefeciens, R. albus, R. parvum, Bacteroides succinpgenes, Butyrivibrio fibrisolvens, Clostridium cellobioparum, Cillobacterium cellulosolvens,…).

            +Chủng vi sinh vật được lựa chọn có khả năng thích nghi cao với điều kiện bất lợi của môi trường (VSV có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ khác nhau), và tính cạnh tranh cao đối với các chủng vi sinh vật tạp nhiễm từ môi trường (sinh trưởng và phát triển nhanh).

            Qua thực tế sử dụng,  chúng tôi đã chọn được 2 chế phẩm sinh học phù hợp với xử lý rơm rạ và các loại phế thải hữu cơ khác: Chế phẩm vi sinh BIOADB, chế phẩm vi sinh BIOEM của Viện Môi trường nông nghiệp Việt Nam do Công ty cổ phần thương mại và sản xuất chế phẩm sinh học BIOPHAR cung ứng.

            1. Tác dụng của chế phẩm sinh học BIO ADB và BIO EM  

                    Sử dụng chế phẩm vi sinh BIO ADB và/hoặc BIO EM  xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng hạn chế ô nhiễm môi trường, làm nhanh phân hủy rơm rạ, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế cỏ dại và sâu bệnh hại lúa, giảm chi phí sản xuất

                     Ngoài tác dụng xử lý rơm rạ thành nguồn phân bón hữu cơ trả lại cho đất làm tái tạo lại sự cân bằng đất, xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học BIO ADB và BIO EM còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rơm rạ không phải thu gom, không đốt bừa bãi. Mặt khác, còn khử được mùi hôi tanh của đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra ruộng được xử lý hữu cơ từ rơm, rạ giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, giảm thiểu sâu bệnh gây hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

                     Rơm rạ sau thu hoạch, nhất là vụ xuân rất cần thời gian phân hủy nhanh để kịp sản xuất vụ mùa, dùng chế phẩm BIO ADB và/hoặc BIO EM chỉ 5 đến 7 ngày là rơm rạ mềm nhũn, quện vào trong đất, đây là sản phẩm chùm vi sinh hữu ích nó có tác dụng phân hủy chất hữu cơ, xenluno và đặc biệt là sinh chất kháng sinh để ức chế mầm bệnh, và có các chùm vi sinh để kích thích sinh trưởng , cố định đạm và biến lân khó tiêu thành lân dễ tiêu.

                   3. Hướng dẫn cách sử dụng:

             + Bước 1: chuẩn bị chế phẩm liều lượng bón: 200g chế phẩm vi sinh BIO ADB và/hoặc BIO EM  cho 1 sào (360 m2)

            + Bước 2: Cách bón: Trộn gói 200 gr chế phẩm với 10-20 kg phân hữu cơ để rắc cho được đều, tiến hành rắc đều hỗn hợp chế phẩm vi sinh và phân hữu cơ trên bề mặt ruộng đối với ruộng đã có nước vẫn còn nguyên rơm rạ.

            + Bước 3: Tiến hành bừa dập rạ và giữ nước trên ruộng từ 5 đến 7 ngày, sau đó tiến hành bừa cấy.

            Trong quá trình giữ  nước các VSV quện đều với bùn và với rơm rạ, tạo cho đồng ruộng bề mặt thông thoáng  và tơi xốp hơn

            Sau 7 ngày rơm rạ mềm nhũn mùn ra, lượng bùn non tăng lên, xốp đất nhũn bùn, mát chân rễ cấy. Sau 15 ngày rơm rạ phân hủy hoàn toàn.

            1. KIẾN NGHỊ

            Các giải pháp trình bày trên đây dễ thực hiện ở quy mô hộ nông dân hoặc quy mô công nghiệp . Ít tốn kém chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng. Tiết kiệm chi phí cho phân bón, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao sức khỏe của đất theo hướng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

            Các giải pháp này không mâu thuẫn với các khâu khác như: giống mới, cơ giới hóa, quản lý nước, thời vụ… Vì vậy, có thể áp dụng giải pháp cho các vùng canh tác lúa nước của Việt Nam và trước mắt nên làm thí điểm ở quy mô phù hợp, sau đó ưu tiên triển khai cho các vùng chuyên canh lúa; các cánh đồng lúa lớn; rồi sau đó triển khai ra đại trà.

            Nguồn: Nguyễn Đức Chính và cộng sự – https://hkhkt.bacninh.gov.vn/

            Tin liên quan:

            Bài viết cùng chủ đề:

            .