Bắc Giang: Ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh- Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường

Ngày 18/5, tại thành phố Bắc Giang, Hội Nông dân tỉnh triển khai Hội nghị Khởi động Dự án và ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh- Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường, giai đoạn 2023-2025. Tham dự hội nghị có đại diện Tổ chức EarthCara Foundation, lãnh đạo Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân và 90 giảng viên nguồn của Dự án thuộc 8 huyện trên địa bàn tỉnh. Ông Lã Văn Đoàn- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh, ông Lê Bá Thành- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đồng chủ trì hội nghị.

Khởi động Dự án

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe tóm tắt kế hoạch tổ chức các hoạt động của dự án giai đoạn 2023-2024. Trong giai đoạn này có 18 xã thuộc 8 huyện sẽ tham gia Dự án, cụ thể các xã Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa), Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên), Hương Mai, Tự Lạn (Việt Yên), An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế), Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang), Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng), Bảo Sơn, Thanh Lâm (Lục Nam) và Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động).

Toàn cảnh Hội nghị

Dự án giai đoạn 3, tập trung vào 10 hoạt động chính như xây dựng mô hình trình diễn về canh tác lúa thân thiện với môi trường. Mỗi xã thực hiện 02 mô hình, với quy mô ít nhất 02 sào/mô hình, duy trì trong 3 vụ. Bên cạnh đó, tổ chức 54 lớp tập huấn về 03 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường tại 18; tổ chức 18 cuộc hội thảo đánh giá tác động của các kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện môi trường; hỗ trợ cho các tổ nhóm nông dân; tổ chức 40 buổi chiếu phim tuyên truyền, vận động nông dân canh tác lúa thân thiện môi trường; tổ chức 20 hội nghị, sự kiện tuyên truyền; 06 chuyến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm …

Đại biểu huyện Hiệp Hòa trao đổi tại Hội nghị

Tham gia Dự án cán bộ, hội viên, nông dân được tuyên truyền về vai trò và tầm quan trọng của việc canh tác lúa thân thiện với môi trường. Từ đó, tạo ra lúa thương phẩm an toàn, nâng cao giá trị hàng hóa, bảo vệ sức khỏe con người; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững nhằm giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ký kết chương trình phối hợp

Trong khuôn khổ hội nghị, Hội Nông dân tỉnh – Sở Nông nghiệp và PTNT ký kết chương trình phối hợp nhằm tăng cường hợp tác trong tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đại diện lãnh đạo HND tỉnh và Sở Nông nghiệp & PTNT ký kết Chương trình phối hợp
giai đoạn 2023 – 2025

Hai đơn vị thống nhất các nội dung trọng tâm để triển khai hiệu quả chương trình phối hợp. Trong đó, tập trung vào 5 nội dung chính như thống nhất chủ trương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực; công tác tuyên truyền vận động; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường để nông dân dần chuyển biến từ nhận thức đến áp dụng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu phát thải nhà kính; nâng cao  năng suất, chất lượng thóc gạo canh tác theo kỹ thuật cải tiến, từ đó tăng thu nhập cho các hộ trồng lúa; xây dựng mô hình; xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa và xúc tiến thương mại sản phẩm lúa, gạo thân thiện với môi trường. Được biết, trong giai đoạn 1 Dự án được thực hiện tại huyện Lạng Giang, Yên Dũng; giai đoạn 2 thực hiện tại huyện Lạng Giang, Yên Dũng và Hiệp Hòa. Sự thành công của Dự án bước đầu đã tạo sức lan tỏa lớn đến người dân trong và ngoài tỉnh.

Tin, ảnh: Hương Giang- TT Khuyến nông Bắc Giang

Tin liên quan:

.