Hoà Bình triển vọng từ canh tác lúa theo phương pháp thân thiện với môi trường

Thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất lúa theo kinh nghiệm, trình độ canh tác của nông dân còn hạn chế nên năng suất, chất lượng lúa chưa cao. Nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa áp dụng giống mới, tiến bộ, công nghệ mới trong sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ tháng 7/2020 – 8/2021. Địa điểm thực hiện tại 4 xã, với 80 hộ nông dân tham gia, gồm: Xã Sào Báy, Mỵ Hòa (huyện Kim Bôi); xã Phú Thành, Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy).

Nhằm trang bị các kiến thức canh tác lúa theo phương pháp thân thiện với môi trường, Ban quản lý dự án lúa Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về phương pháp canh tác lúa thân thiện với mô trường như các biện pháp kỹ thuật, nguyên tắc, kỹ thuật bón phân cho Hội Nông dân các xã, thị trấn tham gia dự án và một số xã của tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Thông qua hội nghị tập huấn, cán bộ, hội viên nông dân đã thấy được tác hại của việc lạm dụng, sử dụng không đúng cách thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ. Theo phương pháp canh tác thân thiện với môi trường nông dân sẽ giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; điều chỉnh cân đối lượng nước vừa phải không để quá nhiều hoặc quá cạn nước thì cây lúa sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với đó, cán bộ khuyến nông cùng giảng viên thuộc Ban quản lý dự án lúa Hội Nông dân tỉnh xuống tận ruộng hướng dẫn, giám sát hỗ trợ trực tiếp nông dân.

Trong vụ lúa xuân năm 2021 vừa qua, đã có 4 hộ thực hiện mô hình canh tác lúa theo phương pháp thân thiện với môi trường, với diện tích 5.978 m2 tại 4 xã tham gia dự án. Các hộ đã nghiêm túc thực hiện cấy mạ non, cấy nông tay, sử dụng phân bón cân đối, trong đó sử dụng phân bón Sumagow, làm cỏ sục bùn điều chính nước theo chu kỳ phát triển của cây lúa. Các hộ tham gia mô hình đều nhận thấy cấy lúa theo phương pháp tiến bộ kỹ thuật mới cây lúa sinh trưởng và phát triển mạnh, lá lúa không lướt như những diện tích cấy lúa truyền thống. Các loại sâu bệnh gây hại như cuốn lá, vằn khô, rầy các loại giảm đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (xóm Báy, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi) chia sẻ: Tham gia dự án lúa tôi biết cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đúng quy trình kỹ thuật, sâu bệnh gây hại ít, chúng tôi không phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng. Với diện tích 1000m2 tham gia mô hình trong vụ xuân, năng suất đạt 7 tạ, cao hơn năng suất lúa đại trà khoảng 1,2 tạ, trong khi chi phí giảm, lợi nhuận cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Các hộ tham gia mô hình tiến hành gặt lúa trên diện tích thí điểm canh tác lúa theo phương pháp thân thiện với môi trường tại xã Mỵ Hoà và Sào Báy (huyện Kim Bôi)

Đồng chí Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường;  nâng cao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời tuyên truyền nhân rộng diện tích cấy lúa theo phương pháp này góp phần giảm thiếu tác động của biến đổi khí hậu và pháp triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Hoàng Hưng

Nguồn: hoinongdan.hoabinh.gov.vn

Tin liên quan:

.