Tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Sóc Trăng

Trong 3 ngày, 4 – 6/12/2023 tại tỉnh Sóc Trăng, Ban quản lý Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức khoá tập huấn “Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho cán bộ và hội viên Hội Nông dân Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, Phó Trưởng Ban đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc dự án phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Thực hiện chức năng của Hội là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nông dân, trong đó có nữ nông dân, nữ lao động thời vụ; nhằm giúp các nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo được tiếp cận an sinh xã hội, chính sách bảo trợ xã hội, việc làm tử tế, sinh kế bền vững, cải thiện điều kiện lao động, Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng Dự án “Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam”. Dự án được triển khai thực hiện từ 2022 đến 2026 tại 5 tỉnh, gồm: Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Sóc Trăng. Mục tiêu của dự án đến năm 2026 có 16.800 nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long được nâng cao năng lực để tiếp cận việc làm, sinh kế bền vững và an sinh xã hội đầy đủ, góp phần nâng cao bình đẳng giới. Các hoạt động thông qua hỗ trợ 80 THT, HTX, tổ nhóm, cho tổ hội nghề nghiệp tại 5 tỉnh, trong đó có 16 THT, HTX, chi tổ hội nghề nghiệp về tôm, lúa tại tỉnh Sóc Trăng.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Đệ chia sẻ với các học viên về lợi ích của việc canh tác lúa thân thiện với môi trường

Qua 3 ngày học tập với tinh thần hết sức nghiêm túc và tích cực trao đổi, thảo luận, 32 học viên là cán bộ hội nông dân tỉnh, huyện, cơ sở và một số thành viên chủ chốt đại diện các THT, HTX, Chi tổ hội nghề nghiệp về tôm, lúa đến từ 2 huyện Trần Đề và Mỹ Xuyên đã được 2 chuyên gia hàng đầu về cây lúa là PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đệ – nguyên Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Đại học Cần Thơ và TS Vũ Anh Pháp – Phó viện trưởng viên nghiên cứu phát triển ĐBSCL truyền đạt 4 chuyên đề:  (1) Tổng quan về Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện mội trường; (2) Sử dụng rơm rạ trong canh tác lúa thân thiện môi trường; (3) Sử dụng hợp lý phân bón trong canh tác lúa thân thiện môi trường; (4)Tưới nước trong canh tác lúa thân thiện môi trường.

Các học viên lần lượt được tham gia trình bày kết quả thảo luận nhóm

Là người cả đời gắn bó với việc nghiên cứu, lai tạo, chế tạo các giống lúa, nhiều năm giảng dạy về cây lúa ở Đại học Cần Thơ, PGS. TS Nguyễn Ngọc Đệ chia sẻ với các học viên: “ Canh tác lúa thân thiện với môi trường tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất, trả lại cho đất những gì chúng ta lấy đi của đất, đồng thời giảm thiểu chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào. Việc dùng nhiều phân bón vô cơ, việc đốt gốc rơm rạ.v,v. vô tình làm chai đất, chết đất, thoái hóa đất một cách nghiêm trọng. Nhiệm vụ chúng ta hiện nay là phải vận động bà con nông dân hiểu và có ý thức, có định hướng về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân, nhất là những người nông dân trực tiếp sản xuất”.

Ts. Vũ Anh Pháp – Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thảo luận với nhóm học viên

Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội, Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc dự án cho biết: “Phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường mà dự án đang tuyên truyền là sự kết hợp hài hòa các biện pháp canh tác, sử dụng bón phân, điều tiết nước hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho cây khỏe, tăng cường khả năng chống đổ, chống chịu các đối tượng dịch hại, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm số lần tưới nước trong vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ đất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Việc áp dụng rộng rãi phương pháp canh lúa thân thiện môi trường là rất cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện nay đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Sau khóa tập huấn, các học viên tham gia sẽ trực tiếp tập huấn, truyền đạt kiến thức về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tới hội viên nông dân được lựa chọn tham gia dự án.”

Các học viên phấn khởi nhận chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường

Kết thúc khóa học, các học viên đều được chấm điểm đánh giá trình độ, nhận thức, kết quả tiếp thu kiến thức, kỹ năng, cũng như năng lực tuyên truyền của từng người. Các học viên được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn. Đây là căn cứ để Ban quản lý dự án xem xét, lựa chọn những cá nhân ưu tú cho những hoạt động tiếp theo của dự án.

Anh Tuấn

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.