Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án tuyên truyền vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích vừa ký Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 30/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030”.

Theo đó mục tiêu tổng quát của Đề án là nhân rộng diện tích trồng lúa phát thải thấp gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có 100% cán bộ hội nông dân các cấp trong tỉnh được trang bị kiến thức về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ năng cần thiết để trở thành tuyên truyền viên tích cực vận động nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Các đại biểu thăm quan mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường xã Vĩnh An, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Thành lập được 50 tổ nhóm nông dân ở cơ sở hội có diện tích đất trồng lúa từ 20 ha/tổ, nhóm trở lên, mỗi tổ nhóm có ít nhất 50 người là nòng cốt trong tuyên truyền vận động nông dân địa phương chuyển đổi canh tác truyền thống sang áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Đào tạo giảng viên nguồn cho 200 người là cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở, hội nông dân các cấp, cán bộ kỹ thuật của trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, về kỹ năng tập huấn kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Tổ chức được 100 lớp tập huấn cho 10.000 người trở lên là hội viên và nông dân ở các xã đăng ký xây dựng mô hình về 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường để áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo, góp phần tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.

Mỗi năm xây dựng được mô hình trình diễn trên diện tích 500 ha lúa 2 vụ/ năm; đến năm 2030 xây dựng được mô hình trình diễn trên tổng diện tích 3.000 ha lúa được sản xuất theo 3 kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.

Thành lập được ít nhất 2 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lúa gạo thân thiện với môi trường, nhằm tạo niềm tin người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.

Trên 45.000 hộ nông dân áp dụng 1 trong 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; ít nhất 70% rơm rạ tại các vùng trồng được thu gom hoặc xử lý bằng chế phẩm xử lý rơm rạ tại đồng ruộng.

Sau khi Đề án được phê duyệt, Hội Nông dân tỉnh thực hiện việc triển khai các nội dung của Đề án đến các cấp Hội trong tỉnh để tổ chức thực hiện. Hằng năm thực hiện tốt công tác lập kế hoạch; triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Thực hiện tốt chế độ báo cáo và thông tin hai chiều.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Các đại biểu tham quan mô hình lúa thân thiện với môi trường tại xã Tự Lạn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, Hội Nông dân tỉnh chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án này; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ Đề án đúng quy định.

Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT Phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng quy trình sản xuất lúa thân thiện với môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tập trung đào tạo, tập huấn, hướng dẫn 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho các hộ nông dân, vừa đào tạo vừa thực hành và thăm quan các mô hình trong và ngoài tỉnh.

Lựa chọn, xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên trong cộng đồng là những chủ hộ tham gia mô hình có trình độ, sức khỏe, trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác cộng đồng.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm lúa, gạo thân thiện với môi trường thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm lúa gạo thân thiện với môi trường gắn với các điểm, tour du lịch trong tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo, gây ô nhiễm môi trường, nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo; nâng cao năng lực tổ chức của các Hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo.

Nguồn: danviet.vn

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.