Trung ương Hội NDVN: Khởi động Dự án canh tác lúa cải tiến (SRI) bảo vệ môi trường

(Cổng ĐT HND) – Ngày 9/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (Dự án SRI) với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn.

 
Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị Trung ương Hội NDVN; thành viên Ban Tư vấn Dự án SRI; đại diện lãnh đạo Hội ND hơn 20 tỉnh, thành phố; các cán bộ khuyến nông và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức liên quan.

Tại Hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội NDVN Mai Bắc Mỹ đã trình bày và giới thiệu về tổng quan của Dự án. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đang phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu; trong đó, nông nghiệp chính là lĩnh vực chịu tác động lớn hơn cả do phải hứng chịu những thiên tai. Do đó, sản xuất lúa áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) được xem là đích đến của một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu những tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường nông nghiệp như: Giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; giảm lượng giống; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng đạm dư thừa không cần thiết; đưa chất hữu cơ vào đồng ruộng để nâng cao độ phì cho đất…

Quang cảnh Hội thảo khởi động Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (Dự án SRI)

Bên cạnh đó, canh tác lúa theo SRI còn tạo điều kiện phát triển sinh thái đồng ruộng tốt nhằm giảm thiểu dịch hại; đồng thời, tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa. SRI cũng làm tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu nhờ việc giảm phát thải khí nhà kính (khí metan) trong hoạt động sản xuất lúa của bà con nông dân.

Để nhân rộng các mô hình áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI cũng như nâng số lượng hội viên, nông dân được tiếp cận và áp dụng phương pháp canh tác SRI, Trung ương Hội NDVN đã phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (BRACE) xây dựng Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án SRI).

Hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, đã được tiến hành tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Việc áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến giúp mang lại hiệu quả và năng suất cao, góp phần giảm phát thải nhà kính; đồng thời, trên cơ sở các tác động về mặt kỹ thuật còn giúp nông dân giảm các chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới).

Thời gian triển khai thực hiện dự án SRI được tiến hành trong 40 tháng và chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể: Giai đoạn 1 (16 tháng) sẽ triển khai tại 8 tỉnh thuộc khu vực miền Bắc; giai đoạn 2 (12 tháng) dự kiến thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung; giai đoạn 3 (12 tháng) dự kiến triển khai ở 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Nam.

Mục tiêu chung của dự án là nhằm hỗ trợ người nông dân và tổ chức của họ canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Trong đó, tập trung vào một số mục tiêu cụ thể gồm: (1) Nâng cao kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI cho nông dân trồng lúa; (2) Nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI; (3) Nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp cải tiến SRI ra thị trường tiêu thụ.

Đối tượng của dự án bao gồm: Người nông dân trồng lúa và tổ chức nông dân của họ (Tổ hợp tác, Hợp tác xã); số lượng người nông dân trực tiếp và gián tiếp hưởng lợi từ dự án ước tính đạt 2,5 triệu người.

Trong khuôn khổ thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án sẽ tập trung triển khai 7 hoạt động trọng tâm để hỗ trợ hội viên, nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, cùng với việc tổ chức các hoạt động như: Khảo sát nghiên cứu; hội thảo, tập huấn, hướng dẫn KHKT; tham quan; tư vấn… các cấp Hội sẽ tập trung đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu lúa gạo SRI và gia tăng kết nối thị trường tiêu thụ để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hội viên, nông dân.

         Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về các điều kiện thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai mô hình trồng lúa SRI tại địa phương.

Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình, Bùi Thị Nga cho biết: Từ năm 2016 – 2017, Hội ND tỉnh đã tích cực triển khai làm thí điểm mô hình canh tác lúa SRI tại Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Tây Lương, huyện Tiền Hải với 200 hộ nông dân tham gia, canh tác lúa trên diện tích 50 ha. Tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón và một phần thuốc bảo vệ thực vật. Hợp tác xã đã hướng dẫn bà con tiến hành cấy cùng một giống lúa, cùng thời điểm, tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật của phương pháp canh tác lúa SRI… Qua thực tế kết quả triển khai mô hình thí điểm cho thấy, năng suất lúa cao hơn 15% so với vùng ngoài dự án.

Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Văn Tính chia sẻ: Là một trong những tỉnh đang phải chịu ảnh hưởng rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán khốc liệt. Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thành công một số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại nhiều vùng gặp khó khăn về nguồn nước tưới (nhất là ở địa bàn những vùng đất cát ven biển). Tiêu biểu như việc canh tác và sản xuất cây măng tây- một loại cây trồng giúp làm giàu và hiện đang được bà con nông dân tại nhiều địa phương tập trung phát triển mạnh nhờ mang lại năng suất và giá trị lợi nhuận cao. Vì thế, xu hướng canh tác này là phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Hội ND tỉnh Ninh Thuận rất phấn khởi và sẵn sàng tham gia dự án SRI với mục tiêu đem lại lợi ích cho hội viên, nông dân.

Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Trà Vinh, Lê Bích Chi đưa ra đề xuất nên lồng ghép linh hoạt việc triển khai dự án gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về xây dựng chi, tổ Hội ND nghề nghiệp

Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Trà Vinh, Lê Bích Chi lại nêu ra đề xuất: Dự án cần tập trung mọi nguồn lực để có thể khởi động đồng loạt tại các địa phương nhằm thúc đẩy và lan tỏa rộng hơn mục tiêu sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường ra cộng đồng. Đồng thời, các cấp Hội cần quan tâm chỉ đạo, lồng ghép linh hoạt việc triển khai dự án gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án 24 của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN về xây dựng chi, tổ Hội ND nghề nghiệp. Qua đó, giúp vị thế và hình ảnh của người nông dân được nâng lên, tổ chức Hội ngày càng được củng cố vững mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn yêu cầu Ban quản lý Dự án phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, các Bộ, các tỉnh, thành triển khai Dự án đúng tiến độ và đạt được mục tiêu Dự án đề ra. Trên cơ sở triển khai thực hiện Dự án, đưa ra được các khuyến nghị, đề xuất với Hội ND trong việc xây dựng kế hoạch hành động của Hội đối với việc phát động tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường.

“Hội ND các tỉnh, thành tham gia vào Dự án cần phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Dự án để chia sẻ các thông tin trong quá trình thực hiện. Qua đó, kịp thời điều chỉnh phương pháp thực hiện dự án tốt nhất. Việc triển khai Dự án ở mỗi địa phương phải được lựa chọn kỹ, coi như thực hiện mô hình mới, phải xây dựng thật tốt mô hình và làm tốt việc nhân rộng mô hình cho hiệu quả” – Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm

Trước đó, trong thời gian từ tháng 7- tháng 10/2020, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp với Hội ND tại 7 tỉnh trồng lúa tiến hành cuộc khảo sát để có cơ sở xây dựng dự án; gồm các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang.

Cụ thể, đã có 491 nông dân, 146 cán bộ nông nghiệp, 210 người tiêu dùng được tham gia phỏng vấn bằng phiếu có các câu hỏi và phương án trả lời để lựa chọn. Kết quả tổng hợp cho thấy: Trên 80% nông dân có ý định áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện môi trường; 92,4% nông dân thấy cần thiết áp dụng SRI; trên 85% cán bộ khuyến nông khẳng định hầu hết nông dân quan tâm đến SRI; trên 83% nông dân rất muốn được học về SRI; trên 75% nông dân tự tin có khả năng áp dụng SRI; trên 70% nông dân cho rằng việc đánh giá hiệu quả của SRI là không khó.

Nguồn: www.hoinongdan.org.vn

Tin liên quan:

.