Chiều 25/5, tại thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa phối hợp với UBND xã Hùng Sơn tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình giống lúa chất lượng cao J02 áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường vụ Chiêm năm 2023.
Dự hội nghị có các đồng chí Lã Văn Đoàn – Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh; Nguyễn Quốc Trí – PCT Hội nông dân huyện Hiệp Hòa; lãnh đạo Công ty Cổ phần giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam; lãnh đạo ĐU, UBND xã Hùng Sơn và hơn 216 hộ dân trên địa bàn xã tham gia mô hình.
Đồng chí Lã Văn Đoàn – PCT Thường trực Hội Nông dân tỉnh phát biểu
Được biết, năm 2020, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam triển khai dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tham gia (chia theo các giai đoạn), trong đó có huyện Hiệp Hòa.
Trong vụ Chiêm xuân 2023, Hội nông dân huyện Hiệp Hòa đã lựa chọn triển khai giống lúa J02 theo phương pháp canh tác thân thiện với môi trường tại thôn Tân Sơn, thôn Hòa Tiến và thôn Trung Thành ( xã Hùng Sơn), có 216 hộ tham gia với tổng diện tích 29,4ha. Tham gia mô hình các hộ được tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Giống lúa J02 là giống lúa thuần chất lượng cao có nguồn gốc từ Nhật Bản, được Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn. Đây là một trong 10 bộ giống có chất lượng tốt nhất hiện nay. Thời gian sinh trưởng từ 133-138 ngày. Giống lúa này có nhiều ưu điểm nổi trội như cứng cây, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, chịu rét, chịu thâm canh, bộ lá xanh đậm, khỏe, góc lá đồng hẹp, ngay cả khi đến ngày thu hoạch bộ lá vẫn giữ được màu xanh đặc trưng. Đặc biệt, trong khi các giống lúa lai, lúa thuần khác như BC15, khang dân, thiên ưu…khi cấy bị bạc lá nặng thì giống J02 lại có khả năng chống chịu sâu bệnh và kháng bạc lá tốt.
Dự kiến khoảng 15 ngày nữa lúa chín vàng đều, nông dân sẽ thu hoạch. Ước năng suất thóc tươi từ 3,2 – 3,5 tạ/sào; hạt thóc bầu, ít rụng, tỷ lệ hạt chắc cao, khả năng thích ứng rộng; hạt gạo khi xát ra to, cơm mềm, dẻo, vị đậm đặc trưng, giàu dinh dưỡng. Doanh thu giá thóc tươi ước đạt 2 -3 triệu đồng/sào.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và bàn giải pháp để triển khai hiệu quả mô hình trong thời gian tới. Đồng thời đánh giá cao hiệu quả việc áp dụng kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường theo hướng giảm mật độ gieo cấy, tăng lượng phân bón hữu cơ, giảm lượng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, điều tiết nước phù hợp… Qua đó góp phần giảm chi phí đầu vào, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường, mang lại hiệu quả cao về kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân. Việc triển khai mô hình còn làm thay đổi nhận thức, giúp người dân chuyển dần từ tập tục canh tác truyền thống sang canh tác theo áp dụng kỹ thuật canh tác mới thân thiện với môi trường, đảm bảo nhu cầu phát triển bền vững.
Cũng tại đây, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật xử lý đồng ruộng sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học nhằm duy trì độ ẩm, giúp rơm rạ phân hủy hoàn toàn, trở thành phân bón có độ dinh dưỡng cao cho lúa vụ sau.
Được biết, từ tháng 4/2023 đến 9/2024, 2 xã Lương Phong và Thái Sơn của huyện Hiệp Hòa sẽ tiếp tục thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” giai đoạn 3.