Sản xuất lúa nước vốn đang gây phát thải khí nhà kính lớn. Đặc thù sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long lại càng làm gia tăng vấn đề này.
Sản xuất lúa chiếm tới 50% phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp. Ảnh: Sơn Trang.
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, về phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, nhìn chung trên toàn thế giới thì khoảng 70% là khí CO2, khoảng 20% là khí metan và 10% là khí N2O. Một số khí khác chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Ở Việt Nam, nông nghiệp chiếm 30-32% phát thải khí nhà kính, trong đó lúa nước chiếm nhiều nhất tới 50%, các cây trồng khác chiếm 26-27%, chăn nuôi 10-15%, còn lại là những vấn đề quản lý khác trong nông nghiệp.
Với đặc thù sản xuất lúa nước, đất ruộng thường xuyên ngập nước, nên chất hữu cơ trong đất sẽ trao đổi và thải ra carbon ở dạng metan. Do đó, phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa nước đi ngược lại với phát thải chung trên thế giới khi CO2 chỉ chiếm 6%, còn metan chiếm tới 45%, lượng N2O lên tới 46% do bón phân mất cân đối và không đúng cách.
Tính về lượng trong phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa nước, metan gấp 21 lần CO2, và N2O gấp tới gần 300 lần. Lượng metan và N2O lớn gấp nhiều lần so với CO2 khiến cho phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa là rất lớn.
Sản xuất lúa nước vốn đã gây ra phát thải khí nhà kính lớn, đặc thù sản xuất lúa nước ở Đồng bằng sông Cửu Long lại làm gia tăng thêm sự phát thải so với các nước khác trong khu vực.
GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết, việc làm gia tăng phát thải khí nhà kính chủ yếu ở quản lý nước và quản lý carbon.
Về quản lý nước, trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước làm hệ thống kênh mương thủy lợi là tốt nhất. Quốc tế người ta đánh giá sự phát triển thần kì của nông nghiệp Việt Nam ở đầu thế kỷ 21 có một nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta làm thủy lợi rất giỏi.
Do làm rất tốt về thủy lợi, nên có tới trên 85% diện tích sản xuất lúa được tưới bằng hệ thống thủy lợi. Trong khi đó, ở các nước trong khu vực, diện tích lúa được tưới bởi các công trình thủy lợi chỉ từ 40% đến 70 hay 75%.
Do có hệ thống kênh mương thủy lợi rất tốt, ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện có thể cho đất ngập nước để sản xuất lúa trong tất cả các mùa, sản xuất lúa gần như quanh năm. Nhưng cũng chính vì vậy mà việc quản lý nước để giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa đang rất khó.
Quản lý cân bằng dinh dưỡng trong đất cũng đang là vấn đề lớn trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trên toàn đồng bằng, bây giờ tìm máy cày rất khó, gần như nông dân không còn sử dụng máy cày để cày đất. Do không cày đất nên hữu cơ ở trạng thái polyphenol, mà polyphenol kìm giữ dinh dưỡng trong đất rất mạnh. Vì vậy, ở những vùng mà nông dân sản xuất lúa liên tục như Cai Lậy (Tiền Giang) làm 7 vụ lúa trong 2 năm, nông dân phải bón phân rất nhiều.
Đồng bằng sông Cửu Long có thể sản xuất lúa gần như quanh năm. Ảnh: Sơn Trang.
Lượng phân bón sử dụng ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện trên 1 tấn/ha, cao nhất cả nước. Trong khi đó, các nước khác chỉ sử dụng 400-600 kg phân bón/ha/năm.
Theo đánh giá của FAO, thất thoát phân bón ở Đồng bằng sông Cửu Long lên tới gần 70%. Tức là khi bón phân urea xuống ruộng, cây chỉ hấp thụ được 30-40%. Sử dụng quá nhiều phân bón cũng là một vấn đề làm gia tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong quản lý carbon, thì quản lý rơm rạ, đặc biệt là rơm rạ vụ hè thu và vụ thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long đang rất khó.
Trong vụ đông xuân, việc làm sạch đồng ruộng sau khi thu hoạch được thực hiện một cách dễ dàng do khi ấy đất ruộng đang khô ráo nên người ta có thể đưa máy móc xuống để lấy rơm rạ ra khỏi đồng ruộng.
Nhưng sau khi thu hoạch lúa hè thu đồng ruộng bắt đầu có nước lũ, khi thu hoạch vụ thu đông là thời điểm mưa nhiều, rất khó đưa máy móc xuống đồng ruộng để lấy rơm rạ ra ngoài và nông dân cũng không thể đốt rơm được. Do đó, nông dân buộc phải vùi rơm vào trong đất gây ra phát thải khí nhà kính.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/