(Tapchinongthonmoi.vn) – Với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation và các đối tác, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” do Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) làm Chủ dự án và quản lý thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.
Dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực
Ngày 18/5/2023, Hội Nông dân tỉnhBắc Giang tổ chức hội nghị khởi động dự án nhằm giới thiệu tổng quan về dự án, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng; triển khai kế hoạch hoạt động; ký chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh với Sở NN&PTNT giai đoạn 2023 – 2025. Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn 8 huyện của tỉnh Bắc Giang bao gồm Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); xã Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); Hương Mai, Tự Lạn (Việt Yên); An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam).
Tổ chức hội nghị đầu bờ tại các xã triển khai dự án.
Tham gia thực hiện Dự án, cán bộ, hội viên, nông dân được tuyên truyền về tầm quan trọng của canh tác lúa thân thiện với môi trường; tập huấn 3 kỹ thuật về canh tác lúa thân thiện với môi trường (sử dụng hợp lý phân bón, sử dụng rơm rạ đúng cách và tưới nước ướt – khô xen kẽ); hội thảo đánh giá; các sự kiện truyền thông; xây dựng mô hình trình diễn và thăm quan, học tập kinh nghiệm…). Xây dựng thành công mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm lúa, gạo; thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trong khuôn khổ dự án, sự kiện tuyên truyền và đặc biệt hội thi “Tìm hiểu kiến thức về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường” nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nông dân trồng lúa về canh tác lúa thân thiện với môi trường. Nhằm xây dựng tính bền vững của Dự án thông qua hoạt động quảng bá đã có hàng nghìn lượt người tiêu dùng đến thăm, thử và tìm hiểu về các sản phẩm tại hội trợ, trong đó người tiêu dùng rất quan tâm đến sản phẩm gạo thân thiện với môi trường.
Dự án đã góp phần tác động tích cực lên nhiều mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường. Đầu tiên về mặt kinh tế, diện tích lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích lúa ruộng truyền thống cho thấy bộ rễ phát triển mạnh hơn; cây lúa khoẻ hơn; cứng cây; khả năng chống lại sâu bệnh tốt hơn; khả năng đẻ nhánh khoẻ; tỉ lệ hạt chắc trên bông và số bông hữu hiệu trên khóm tăng; giúp năng suất cao hơn từ 20 – 30%. Việc chuyển sang canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp chi phí canh tác giảm giảm; cụ thể lượng giống (từ 1,5 – 2kg/sào xuống còn 0,7 – 1kg/sào), giảm lượng phân hóa học 20 – 30%.
Mô hình lúa thân thiện với môi trường.
Tiếp đến là về mặt xã hội: Dự án triển khai đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nông dân từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng của cây. Dự án đã thu hút trên 70.000 nông dân chuyển từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường (đạt 100% kế hoạch) với tổng diện tích trên 5.000ha (đạt 100% kế hoạch). Dự án còn góp phần quan trọng tác động tích cực với môi trường khi giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị sơ kết nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án từ tháng 4/2023 đến tháng 12/2023; thảo luận, rút kinh nghiệm để thực hiện Dự án tốt hơn trong thời gian tiếp theo; ghi nhận và trao thưởng cho 34 tập thể, cá nhân có nhiều thành trong triển khai thực hiện Dự án, 165 cá nhân khen thưởng vì có thành tích trong tham gia thực hiện Dự án.
Nhiệm vụ trong thời gian tới để thúc đẩy nhân rộng Dự án
Theo ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, trong quá trình thực hiện, Dự án còn gặp những khó khăn khi triển khai trên phạm vi rộng, các địa bàn khác nhau nên việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện do cán bộ được đào tạo cho Dự án còn ít; việc triển khai các kỹ thuật cũng gặp phải một số khó khăn. Dự án chưa có những phải pháp đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, có cơ chế chính sách phù hợp để nông dân tích cực áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường…
Tham gia trưng bày sản phẩm gạo thân thiện với môi trường tại các sự kiện Trung ương.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án thường xuyên được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Ban quản lý Dự án, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), đại diện nhà tài trợ tổ chức EarthCare Foundation tại Việt Nam. Đồng thời, nhờ được tuyên truyền, triển khai thực hiện sâu, rộng và sự tâm huyết, nhiệt tình của các cán bộ đã giúp nhân dân tháo gỡ các khó khăn kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.
Những kết quả tích cực mà Dự án đang mang lại là xây dựng 36 mô hình tại 18 xã triển khai Dự án, quy mô 2 sào/mô hình. Các mô hình áp dụng triệt để 3 kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường. Sau khi triển khai dự án tại 18 xã, ngoài các mô hình điểm, đã nhân rộng được 3.637,9ha áp dụng 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; trong đó 2.427,3ha áp dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ đúng cách; 3.9194ha áp dụng bón phân hợp lý; 2.629,8ha áp dụng tưới ướt khô xen kẽ. Hiệu quả giữa mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường với mô hình đối chứng.
Qua đánh giá cho thấy cây lúa cứng, khỏe, phát triển, đẻ nhánh tốt; chống sâu bệnh, hạn chế đổ; năng suất lúa tăng khoảng 15% so với ruộng đối chứng. Cơ cấu sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực, diện tích lúa chất lượng ngày càng mở rộng, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.
Niềm vui nông dân thu hoạch lúa thân thiện với môi trường.
Hơn hết, nhờ có Dự án, lần đầu tiên các cán bộ khuyến nông và cán bộ Hội được tiếp cận với phương pháp áp dụng khoa học hành vi trong tuyên truyền, vận động nông dân chuyển sang canh tác lúa thân thiện với môi trường. Khi được tiếp cận phương pháp này, các giảng viên nguồn đều cảm thấy thích thú, hào hứng bởi cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao.
Ông Lã Văn Đoàn vui mừng chia sẻ “Dự kiến cuối tháng 9 này, Hội Nông dân tỉnh sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025 – 2030”; đồng thời các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các cơ quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường bằng nhiều hình thức: hội nghị, sự kiện, hội thảo, tờ rơi….”
Nguồn: https://tapchinongthonmoi.vn/