Long An: Tổ chức tập huấn tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân

(BQLDA LÚA) –  Từ ngày 26 đến 29/12/2021, Ban điều phối dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường Hội Nông dân tỉnh Long an đã tổ chức thực hiện đợt tập huấn chuyên đề đầu tiên về Tổng quan về canh tác lúa thân thiện môi trường và tưới nước theo kỹ thuật ướt khô xen kẽ lần lượt cho 4 xã: xã Mỹ Phú và xã Mỹ An Huyện Thủ thừa, xã Thủy Động và xã Thuận Nghĩa hòa, Huyện Thạnh hóa.

Mỗi lớp tập huấn có 20 học viên là những người trực tiếp trồng lúa, ham thích ứng dụng kỹ thuật mới cho sản xuất. Hầu hết các học viện đều có tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa do địa phương tổ chức trước đây. Trong phần phát biểu khai mạc lớp học, Ông Nguyễn Minh Nhựt, Trưởng Ban Kinh tế xã hội Hội Nông dân Tỉnh, đại diện Ban điều phối Dự án đã xác định rõ mục tiêu Dự án cũng như các yêu cầu đối với học viên khi tham gia Dự án.

Ông Trần Minh Nhựt, Trưởng Ban Kinh tế Xã hội Hội Nông Tỉnh, đại diện Ban Điều phối Dự án phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Trong chuyên đề đầu tiên: Tổng quan về canh tác lúa thân thiện môi trường. Qua sự trao đổi và gợi ý thảo luận của báo cáo viên, hầu hết các học viên đều đồng tình với một số kỹ thuật mà họ đang làm thời gian qua là chưa phù hợp, vì chỉ tập trung vào mục tiêu  thâm canh để đạt năng suất tối đa nên đã tốn rất nhiều chi phí, nhất là phân và thuốc hóa học… làm ô nhiễm môi trường sống nhưng lợi nhuận không cao. Nhiều học viên tỏ ra thích thú với những kiến thức mới về khí nhà kính, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến cuộc sống con người và sản xuất nông nghiệp đã được chia sẽ trong lớp học; trong đó cách trồng lúa theo tập quán cũ như để ruộng ngập nước liên tục, đốt rơm rạ, bón dư phân đạm, thiếu bón chất hữu cơ đã làm đất ngày càng thoái hóa nghiêm trọng; đồng thời phát thải ra nhiều khí nhà kính như Cac bon (CO2), khí Metan (CH4), khí Oxit Nitơ (N2O) làm tăng nhiệt độ không khí, góp phần gia tăng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Canh tác lúa thân thiện môi trường chính là áp dụng kỹ thuật 1 Phải 5 Giảm, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng rơm rạ hợp lý, không đốt rơm rạ, bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm, quan tâm bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học, bồi dưỡng độ màu mỡ đất trồng…

Giới thiệu tổng quan về canh tác lúa thân thiện với môi trường

Tiếp theo, khi được trao đổi chuyên đề 2 về: Kỹ thuật tưới nước Ướt- khô xen kẽ, sự trao đổi của học viên cũng không kém phần sôi nổi như chuyên đề 1. Đa số học viên đều đồng tình khi được báo cáo viên phân tích tác hại của việc để ruộng ngập nước liên tục, nhất là việc phải tiết kiệm nước ngọt trong tình hình biến đổi khí hậu làm nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng. Điều học viên tỏ ra tâm đắc nhất khi được phân tích chế độ tưới ướt khô xen kẽ có liên quan đến sự phát triển bộ rễ lúa và vấn đề giảm phân bón cũng như dịch bệnh cho cây lúa. Báo cáo viên cũng đã giải thích cụ thể cách điều tiết mực nước ở những chân ruộng phèn nhiều để học viên an tâm khi thực hiện chế độ tưới ướt khô xen kẽ.

Giảng viên giới thiệu Kỹ thuật tưới Ướt – Khô xen kẽ 

Cuối buổi học, báo cáo viên cũng đã nêu lại gương của Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới của Ông Dương văn Hữu tại Huyện Thủ Thừa, Tỉnh Long An; người đã từng mạnh dạn phối hợp ngành Nông nghiệp tỉnh ứng dụng cấy 1 tép đề nhân nhanh giống lúa kháng rầy nâu của thời kỳ 1978 để khuyến khích các học viên mạnh dạn ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới trong canh tác lúa thân thiện môi trường.

Kết thúc của lớp tập huấn là thời gian các học viên cùng báo cáo viên thực hành việc lắp đặt các ống theo dõi mực nước tại ruộng trình diễn Báo cáo viên cũng bày tỏ sự phấn khởi của mình khi cuối lớp học nhận được sự đồng tình của học viên sẽ cố gắng thực hiện những kỹ thuật mới đã tiếp thu trong tập huấn.

Thực hành hướng dẫn đặt ống đo mực nước trên đồng ruộng

Nguyễn Thanh Tùng-  Giảng viên Dự án lúa HND tỉnh Long An

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.