Hưng Yên: Hiệu quả từ việc ứng dụng mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường

(BQLDA LÚA) – Sản xuất lúa áp dụng phương pháp “Canh tác thân thiện môi trường” là phương pháp canh tác hiệu quả, vừa tạo điều kiện sinh thái cho đồng ruộng, vừa gây bất lợi cho dịch hại phát triển; Đồng thời tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa. Mục đích là hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường nông nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất cho người nông dân.  

Phương pháp mới, hiệu quả cao

Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường”, xây dựng 4 mô hình tại 4 xã Thuần Hưng, Đại Hưng (huyện Khoái Châu) và Thọ Vinh, Phú Thịnh (huyện Kim Động). Dự án được triển khai từ tháng 01/2021 với diện tích 6.170 m2. Trong quá trình triển khai mô hình người dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón và thường xuyên được cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn; được tham dự hội thảo tập huấn về phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường và hội thảo tập huấn về các nguyên tắc và kỹ thuật bón thúc phân cho lúa, cách lựa chọn các loại phân bón phù hợp với giai đoạn bón thúc.

Qua áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường vụ Đông Xuân năm 2021 tại 4 mô hình trên người dân đều cho thấy hiệu quả rõ rệt mà dự án đem lại; đó là đã giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, số ngày công chăm sóc, sâu bệnh hại lúa giảm, sức khỏe người lao động cũng được nâng lên; năng suất lúa đã tăng từ 180kg/sào của những vụ trước lên 200kg/sào, hiệu quả kinh tế tăng 10,3% so với ruộng đối chứng.

Làm mới tư duy, thay đổi thói quen, tập quán cũ

Tại các buổi hội thảo tập huấn hội viên nông dân đã tiếp thu được các khâu kỹ thuật trong sản xuất lúa theo phương pháp thân thiện môi trường và tuân thủ thực hiện áp dụng ngay tại đồng ruộng. Dần thay đổi tư duy, thói quen canh tác cũ, trang bị cho họ kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến về quản lý nước, quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại để nâng cao năng suất cây trồng, bảo đảm chất lượng nông sản, cải thiện thu nhập cho người dân. Các hộ dân sau khi tham gia các khóa tập huấn đã ký cam kết áp dụng các kỹ thuật canh tcs lúa thân thiện môi trường, cam kết giảm lượng phân bón hóa học để tiến tới xây dựng vùng sản xuất lúa gạo sạch, lúa gạo an toàn.

Mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường

Thông qua các hoạt động của dự án, đặc biệt là với hình thức trực quan, trực diện, cầm tay chỉ việc mà nhiều hội viên, nông dân đã thay đổi tư duy, nhận thức trong việc sản xuất lúa; không chỉ tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mà đi đôi với việc sản xuất là vấn đề bảo vệ môi trường. Người dân đã chủ động hơn trong việc sử dụng phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ thay vì chỉ sử dụng phân hóa học. Nhờ đó, đã tiết kiệm được đáng kể chi phí tiền mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động mà hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn những vụ sản xuất trước.

Ông Trương Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Vinh cho biết, việc ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn xuất phát từ thói quen canh tác truyền thống lâu đời của người nông dân. Để thay đổi được, chỉ khi mô hình đạt được hiệu quả, người dân được chứng kiến kết quả cuối cùng. Thực tế, diện tích ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường cho năng suất, sản lượng đều tăng trong khi chi phí đầu tư của người dân giảm một cách rõ rệt. Hội Nông dân xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sản xuất lúa theo phương pháp thân thiện môi trường trong những vụ sản xuất tiếp theo.               

Cù Hiên Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên

 

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.