Bắc Giang nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh

(BGĐT) – Với lợi thế về chất lượng, sản phẩm được bán giá cao, thân thiện với môi trường, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã, đang trở thành xu thế tất yếu, được nông dân trong tỉnh Bắc Giang lựa chọn. Đồng hành cùng người dân, ngành Nông nghiệp tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện các mô hình, góp phần lan tỏa trong cộng đồng.

Xây dựng mô hình điểm Thay vì thuê máy làm đất rồi gieo cấy ngay, vụ mùa này gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Cấm, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) dành nhiều thời gian hơn cho khâu xử lý đất trước khi gieo cấy. Theo đó, ông Thanh sử dụng chế phẩm EMUNIV để cải tạo đất rồi bón lót bằng phân hữu cơ sinh học trước khi gieo cấy. Cùng đó sẽ lên luống, vừa để lọc, loại ốc bươu vàng ra khỏi đồng ruộng, vừa tạo điều kiện dẫn nước tưới về sau.

Cán bộ Hội Nông dân xã Lương Phong (Hiệp Hòa) hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ cho vụ mùa.

Được biết, ngoài gia đình ông Thanh, vụ mùa này, các hộ dân ở thôn Cấm cũng tham gia thực hiện mô hình canh tác lúa an toàn với tổng diện tích 20 ha tại cánh đồng mẫu của thôn. Mỗi sào, các hộ được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 1 kg thóc giống QR15 cùng 0,2 kg chế phẩm EMUNIV, 35 kg phân bón hữu cơ sinh học.  Tham gia mô hình, các hộ phải thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật đã đề ra như: Cấy mạ non 2-2,5 lá; cấy thưa; làm cỏ sục bùn; quản lý nước (tưới ướt, khô xen kẽ) và thực hiện bón lót trong quá trình làm đất, bảo đảm cây lúa có thức ăn ngay sau khi cấy.  Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phong cho biết: “Qua theo dõi, tại diện tích đã cấy không có ốc bươu vàng gây hại, cây lúa cũng không bị vàng do thức ăn đã đủ thời gian ngấm vào đất. Chúng tôi đang kỳ vọng sẽ nhân rộng được mô hình trong những vụ tới, vừa tăng năng suất, vừa bảo vệ môi trường”. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã, đang trở thành xu hướng tất yếu, được nông dân trong tỉnh lựa chọn. Dù các mô hình không nhiều song bước đầu khẳng định được giá trị, hiệu quả, được thị trường chấp nhận. Ví như mô hình ứng dụng cơ giới hóa khép kín gắn với công nghệ số trong sản xuất lúa vừa được Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên phối hợp với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Bắc Giang thực hiện tại vụ chiêm xuân vừa qua.  Cùng với sử dụng thiết bị máy bay không người lái để gieo sạ, người dân được cung ứng phân bón hữu cơ trong suốt quá trình chăm sóc. Kết quả cùng với giải phóng nhiều sức lao động, tổng chi phí sản xuất lúa khép kín thấp hơn phương pháp truyền thống, năng suất lúa cao hơn 10 kg/sào và lợi nhuận thu về cũng lớn hơn. Hay như mô hình trồng cam bằng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tự chế của gia đình bà Trần Thị Huyền (SN 1968) ở thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn (Sơn Động) cũng mang đến những hiệu quả tích cực. Để chăm sóc vườn cam, thay vì phun thuốc diệt cỏ, bà Huyền để cỏ mọc tự nhiên, đồng thời mua cá, đỗ, ngô rồi ủ với chế phẩm sinh học để bón cho cây. Khi vườn cam có dấu hiệu bị sâu bệnh, bà cũng chỉ sử dụng thuốc sinh học để phun.  “Năm 2020, 5 nghìn gốc cam bắt đầu cho thu hoạch với khoảng 10 tấn quả và tăng lên 40 tấn ở năm tiếp theo. Vụ này dự kiến sẽ thu khoảng 100 tấn. Những vụ trước, toàn bộ cam của gia đình đều được bán thông qua các sàn thương mại điện tử, cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi vui nhất là môi trường luôn ở trạng thái an toàn, sức khỏe của công nhân được bảo vệ”, bà Trần Thị Huyền nói. Thay đổi tư duy vì nền nông nghiệp bền vững Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, với tổng diện tích đất canh tác (cả cây hằng năm và cây lâu năm) là hơn 122,4 ha, mỗi năm tổng lượng phân bón người dân sử dụng khoảng 470 nghìn tấn cùng gần 144 tấn thuốc BVTV.  Mặc dù những năm qua, cơ quan chuyên môn đã chủ động phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án, mô hình hỗ trợ người dân canh tác theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường song tỷ lệ phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc BVTV sinh học được sử dụng còn hạn chế. 

Với tổng diện tích đất canh tác hơn 122,4 ha, mỗi năm tổng lượng phân bón người dân sử dụng khoảng 470 nghìn tấn cùng gần 144 tấn thuốc BVTV. Tỷ lệ phân bón vô cơ sử dụng vẫn chiếm khoảng 46,8% tổng lượng phân bón; phân bón hữu cơ, vi sinh hiện nay ở mức thấp (chiếm khoảng 8,7%), lượng phân bón hữu cơ không thương mại (chủ yếu là phân chuồng) chiếm khoảng 44,7%. Đối với thuốc BVTV, tỷ lệ thuốc sinh học cũng chỉ chiếm 44,9%.

Tỷ lệ phân bón vô cơ sử dụng vẫn chiếm khoảng 46,8% tổng lượng phân bón; phân bón hữu cơ, vi sinh hiện nay ở mức thấp (chiếm khoảng 8,7%), lượng phân bón hữu cơ không thương mại (chủ yếu là phân chuồng) chiếm khoảng 44,7%. Đối với thuốc BVTV, tỷ lệ thuốc sinh học cũng chỉ chiếm 44,9%.

Ghi nhận tại Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cho thấy, trung bình mỗi năm, đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 30 nghìn tấn phân bón các loại, trong đó chỉ có khoảng 1 nghìn tấn phân bón hữu cơ, tập trung nhiều ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam và Lạng Giang. 

Ông Chu Văn Hiểu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ và sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc BVTV sinh học trên cây cam, vải thiều và đã cho kết quả tích cực. Tuy nhiên sau khi hết dự án, các hộ lại quay lại thói quen sản xuất cũ”.

Nắm bắt xu thế hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ triển khai 6 mô hình tại các địa phương, trong đó có 4 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, còn lại là chăn nuôi. 

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh cũng triển khai hàng loạt mô hình cấy giống lúa chất lượng áp dụng kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường. Qua đánh giá, các mô hình góp phần thay đổi tư duy và cách thức sản xuất của người dân, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng đánh giá cao và có được chỗ đứng trên thị trường.

Ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Áp dụng nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng là hướng đi hiệu quả để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp, bản thân người dân cũng cần phải thay đổi tư duy bởi lựa chọn này sẽ tạo được uy tín về chất lượng hàng hóa, khả năng cạnh tranh cao và tăng thu nhập cho người dân”.

Nguồn: http://m.baobacgiang.com.vn/

Tin liên quan:

.