(ĐCSVN) – Việt Nam đã “cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu” với mục tiêu đóng góp giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Để đạt được những mục tiêu trên, những nông dân canh tác lúa tại Đồng Nai vẫn đang nỗ lực không ngừng để thay đổi lối canh tác truyền thống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, hạn chế gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động trồng lúa. Đặc biệt, có những người nông dân coi đó là “việc lớn” không thể không làm.
Trên những cánh đồng lúa Thu Đông đang bước vào giai đoạn trỗ của xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, chị Đồng Thị Uyên đang miệt mài vạch từng gốc cây, xem từng chiếc lá. Thời điểm này của những năm trước, bệnh đạo ôn, rầy nâu đã bắt đầu xuất hiện gây hại. Nhưng năm nay, nhờ chăm sóc, quản lý và phòng bệnh tốt, 8 sào lúa của gia đình chị vẫn xanh tươi.
Ngồi nghỉ trên bờ ruộng, chị Uyên hào hứng chia sẻ: “Có lẽ 2 năm nay, đất lúa được bồi đắp dinh dưỡng, không khí không còn ô nhiễm do khói bụi đốt rơm rạ và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên cây lúa cũng khoẻ hơn, tươi tốt hơn, chống chịu dịch bệnh tốt hơn”. Theo chị Uyên, kết quả này có được là nhờ vào sự mạnh dạn thay đổi tư duy của vợ chồng chị. Với chị, đó là “việc lớn” mà chị làm được sau nhiều năm gắn bó ruộng đồng.
Vợ chồng chị Đồng Thị Uyên phấn khởi vì vụ lúa Thu Đông năm nay tươi tốt, dự kiến sản lượng cao. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Cũng như nhiều nông dân khác trong vùng, trước đây chị Uyên thường đốt bỏ rơm rạ ngay trên đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Tuy việc đốt rơm rạ được coi là một phương pháp làm sạch ruộng nhanh chóng nhưng lại gây nhiều tác động tiêu cực tới không khí và đất đai.
Từ đầu năm 2023, chị Uyên cùng nhiều bà con tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai tham gia nhiều buổi tập huấn kỹ thuật về “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam”. Tại những lớp tập huấn, các chuyên gia phân tích giúp người nông dân nhận thấy những tác tác hại to lớn của việc đốt rơm rạ đối với môi trường, đất đai và sức khoẻ con người. Đốt rơm rạ không chỉ làm mất đi chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng trong rơm mà còn gây ra hiện tượng chai cứng đất, làm suy giảm độ màu mỡ của đất về lâu dài. Điều này buộc nông dân phải sử dụng thêm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để bù đắp, từ đó lại làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ ô nhiễm do lạm dụng hoá chất.
Chuyên gia chia sẻ trong buổi Tập huấn cho người dân về tác hại của đốt rơm rạ đối với con người và môi trường. (Ảnh: HH)
Chị Uyên cùng người trồng lúa tại Cẩm Mỹ còn được hướng dẫn xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng nhiều cách như ủ vi sinh để làm phân bón, tận dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm dùng rơm làm giá thể trồng nấm. Các chuyên gia cũng giới thiệu quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe.
Sau 2 năm, chị Uyên đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp của mình. Đây là điều mà không phải ai cũng sẵn sàng thay đổi bởi những rào cản về thói quen, tập quán cũng như chi phí sản xuất. Trên 8 sào lúa trồng ba vụ mỗi năm, chị đã áp dụng phương pháp xử lý rơm rạ ngay trên đồng bằng chế phẩm vi sinh trở thành phân bón giúp cải thiện độ phì nhiêu mà không cần đốt bỏ,sử dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp và cân đối dinh dưỡng cho cây lúa bằng phân hữu cơ vi sinh. Phương pháp này giúp cây lúa sinh trưởng tốt hơn mà không cần tăng lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Dù ban đầu, không ít người nghi ngại về hiệu quả của phương pháp này, nhưng chị Uyên với sự kiên trì và quyết tâm thực hiện, cánh đồng lúa của gia đình chị đã mang lại kết quả tích cực: chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm được 20-30%, môi trường không còn bị ô nhiễm bởi khói và đất đai được cải thiện đáng kể, lúa không chỉ xanh tốt mà năng suất cũng cải thiện đáng kể. Sử dụng hỗ trợ của chế phẩm sinh học thay cho hóa chất thuốc trừ sâu, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp năm 2023 đã chỉ ra, những cánh đồng lúa đóng góp 8% tổng lượng khí mê-tan do con người tạo ra trong khí quyển. Nguyên nhân khiến việc trồng lúa sản sinh ra lượng khí nhà kính lớn là do nhu cầu về nước tưới quá lớn hay việc tiêu tốn nhiều năng lượng trong quá trình trồng lúa. Đặc biệt, trong quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa nước đã làm sản sinh ra khí mê-tan.
Ông Nguyễn Tiến Hải – Giám đốc Kỹ thuật – Công nghệ mới, Công ty Cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường (VNEEC) cũng cho biết, canh tác lúa nước truyền thống đóng góp một lượng lớn phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí mê-tan. Khí mê-tan, trên ruộng lúa được sinh ra trong quá trình phân giải yếm khí (ngập nước) và phát thải chủ yếu qua lá, do đó các nông dân cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật để hạn chế quá trình phát thải khí mê-tan, như biện pháp tưới ngập khô xen kẽ, sử dụng phân bón hợp lý, không đốt rơm rạ. Rơm rạ cần được thu gom dùng chế phẩm vi sinh để ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ, ngoài ra có thể ủ rơm làm thức ăn cho gia súc hoặc sử dụng làm nguyên liệu trồng nấm. Đây là những giải pháp mà nông dân có thể áp dụng để giảm phát thải khí mê-tan trong quá trình canh tác.
Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, cùng các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành những chính sách khuyến khích áp dụng những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giảm phát thải trong những lĩnh vực khác nhau, trong đó bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp. Câu chuyện của chị Đồng Thị Uyên chuyển sang phương thức canh tác lúa giảm phát thải được đánh giá là một trong những giải pháp tiềm năng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/