Theo ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lúa gạo là một trong những loại cây trồng chiếm tỷ trọng phát thải khí nhà kính tương đối cao trong ngành Nông nghiệp nhưng cũng có tiềm năng giảm phát thải cao nếu áp dụng các giải pháp sản xuất, thực hành tốt.
Việt Nam đẩy mạnh giảm phát thải ròng trong sản xuất lúa gạo.
Nền Nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh
Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, lúa gạo là mặt hàng nông nghiệp quan trọng của Việt Nam nhưng lại chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Các nghiên cứu cho thấy, có 5 nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính bao gồm: Thâm canh nông nghiệp không bền vững và chặt phá rừng; tỷ lệ sử dụng bón phân cao; mức độ sử dụng nước cao cho tưới tiêu; quản lý không đúng cách phụ phẩm lúa như rơm rạ và trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp.
Nhận định rõ tình hình này, tại Hội thảo đa bên về hỗ trợ nhóm công tác ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nỗ lực giảm phát thải được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, lúa gạo là một trong những loại cây trồng chiếm tỷ trọng phát thải khí nhà kính tương đối cao trong ngành Nông nghiệp nhưng cũng có tiềm năng giảm phát thải cao nếu áp dụng các giải pháp sản xuất, thực hành tốt.
Do đó, Bộ NN&PTNT đã lập kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo với tầm nhìn sản xuất chất lượng cao, giàu dinh dưỡng và bền vững, thiết lập mối liên kết mạnh mẽ giữa các công ty xuất khẩu, nhằm phát triển chuỗi cung ứng và chuyển đổi ngành từ đơn giá trị sang đa giá trị tích hợp.
Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi này. Trong đó, mục tiêu của Đề án là xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 đạt hơn 500.000ha và đến năm 2030 đạt 1 triệu héc-ta. Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030.
Theo Bộ NN&PTNN, nếu sớm được Chính phủ phê duyệt, Đề án này sẽ triển khai từ năm 2024 tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hướng tới hình thành vùng chuyên canh lúa áp dụng các tiêu chuẩn bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã từng nhấn mạnh, Đề án này không chỉ tạo giá trị thu nhập cho người nông dân thông qua bán chứng chỉ carbon phát thải thấp, mà quan trọng là ngành Nông nghiệp, các địa phương thay đổi tư duy về nền nông nghiệp thích ứng với xu thế của nền kinh tế xanh, xu thế tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm.
Sẵn sàng kêu gọi hợp tác quốc tế cho nỗ lực giảm phát thải
Trong những nỗ lực giảm phát thải ròng khi sản xuất lúa gạo, Thứ trưởng Hoàng Trung cho hay, Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai Trung tâm Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm để cung cấp giải pháp công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp khu vực ASEAN. Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định VIệt Nam sẵn sàng kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt từ khu vực tư nhân để hiện thực hóa các chương trình này.
Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững, diễn ra vào hồi tháng 5/2023, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực quốc gia và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa gạo vào thời điểm này càng trở nên cần thiết.
Đề xuất các giải pháp cho vấn đề này, ông Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho hay, muốn phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thì cần ưu tiên phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như: tạo các giống mới đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, có giá trị dinh dưỡng cao, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, ứng dụng phổ biến các quy trình sản xuất tốt tích hợp với công nghệ cao, công nghệ số; lựa chọn, xác lập các mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa; phát triển ứng dụng hệ thống quản lý minh bạch bằng blockchain cho chuỗi giá trị lúa gạo; phát triển và ứng dụng công nghệ sử dụng, tái chế phụ phẩm lúa gạo (rơm rạ, trấu) và chế biến sâu từ nguyên liệu cám, gạo.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á để được hỗ trợ về tài chính, chính sách và kỹ thuật cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong vùng lúa chuyên canh liên kết.
Theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, chuyển sang nền sản xuất lúa gạo carbon thấp, giúp nông sản Việt Nam duy trì sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, khi người bán lẻ và tiêu dùng ở các nước nhập khẩu thực phẩm chính đều yêu cầu tiêu chuẩn bền vững cao đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.
Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/