Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố dự thảo Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (dự kiến trong tháng 4-2023 hoàn thành dự thảo đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Dự thảo đề án này nhằm thực hiện đa mục tiêu như: Phải thích ứng được với biến đổi khí hậu; giảm lượng khí methan (một trong những loại khí nhà kính) do canh tác lúa gây ra, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam.
Để thực hiện những mục tiêu này, theo các chuyên gia về nông nghiệp, việc trồng lúa ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần giảm giống, từ mức trung bình 150kg/ha hiện nay xuống 80-100kg/ha.
Để áp dụng giải pháp giảm giống cần phải có máy móc, thiết bị và công nghệ: Máy sạ lúa theo hàng, sạ cụm, cấy máy. Nếu thực hiện tốt được khâu này, với tổng diện tích gieo cấy khoảng 4 triệu héc-ta lúa mỗi năm ở ĐBSCL chỉ cần giảm giống 50kg/ha, nếu có máy gieo sạ trung bình giảm xuống 100kg/ha. Như vậy, nông dân ĐBSCL sẽ tiết kiệm được 200.000 tấn giống/năm, tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng/năm (tính giá lúa giống khoảng 15.000 đồng/kg).
Canh tác lúa đảm bảo thân thiện với môi trường. Ảnh: TTXVN
Việc giảm giống không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn giúp tăng năng suất cao hơn, hạt lúa sáng đẹp hơn và cây lúa khỏe mạnh hơn. Với mật độ cây lúa trên đồng ruộng phù hợp sẽ giúp giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó là việc giảm nước, không để cây lúa ngập sâu trong nước thời kỳ đẻ nhánh và thu hoạch sẽ giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính (khí carbon, methan).
Hiện nay, các tổ chức quốc tế trên thế giới đều đánh giá cao phương pháp canh tác “1 phải, 5 giảm” (1 phải: Phải sử dụng giống được chứng nhận; 5 giảm: Giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu, giảm thất thoát sau thu hoạch) của Việt Nam. Đây chính là phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính có khả năng áp dụng trên diện rộng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay: Mục tiêu của đề án này nhằm chuyển đổi một cách căn bản và có hệ thống về sản xuất lúa ở ĐBSCL, đồng thời góp phần giúp thay đổi tư duy sản xuất của nông dân gắn với giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xác định cần có sự tham gia tích cực của người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp.
Nếu triển khai thực hiện thành công đề án trồng 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao (còn gọi là trồng lúa carbon thấp) tại ĐBSCL, Việt Nam có thể bán loại lúa gạo này với giá cao hơn so với lúa gạo thường. Bởi sản phẩm lúa này chính là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính từ việc thay đổi dần phương thức canh tác lúa của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người.