Hiệu quả từ việc tổ chức các hoạt động của Dự án Canh tác lúa trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” được Ban Quản lý dự án lúa – Hội Nông dân tỉnh Lai Châu triển khai thực hiện từ 01/3/2020 – 31/7/2021 trên địa bàn của 04 xã trong tỉnh (xã Nậm Xe, xã Mường So của huyện Phong Thổ; xã Bình Lư, xã Bản Bo của huyện Tam Đường) với mục đích nhằm nâng cao nhận thức của nông dân và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững; tuyên truyền, vận động được đông đảo nông dân tại địa phương áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường vào sản xuất. Các hoạt động cụ thể của dự án như:

Đống chí Thào Xuân Sùng – Nguyên Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam (đứng số 1 bên trái sang) và các đồng chí trong đoàn công tác của Trung ương Hội thăm quan mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ

Hoạt động 1: Tổ chức 4 Hội nghị tập huấn giới thiệu và nâng cao nhận thức về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường cho 104 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân của 4 xã tham gia dự án với các nội dung: giới thiệu tổng quan về việc áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam; giới thiệu về các nguyên tắc và các biện pháp kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường; hướng dẫn nông dân về kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh; phương pháp xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học; đưa ra các tiêu chí lựa chọn địa điểm, hộ tham gia áp dụng và thực hiện mô hình thí điểm áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Kết thúc các Hội nghị đã có 80 hộ đồng ý tham gia áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích trồng lúa của gia đình, có 4 hộ tham gia thực hiện mô hình điểm với diện tích 0,4 ha (0,1 ha/mô hình).

Hoạt động 2: Tổ chức 4 Hội nghị tập huấn cho nông dân về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường kết hợp thực hành trên ruộng mô hình thí điểm cho 92 đại biểu là Trưởng bản, Chi Hội trưởng nông dân, các hộ đăng ký tham gia áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tại 4 bản của 4 xã dự án (bản Hợp Nhất, xã Bản Bo; bản Nà San, xã Bình Lư; bản Nà Củng, xã Mường So; bản Mấn 1, xã Nậm Xe) với các nội dung: giới thiệu về một số loại phân bón, cách đọc nhãn hiệu trên bao bì; nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa và cách tính lượng phân bón hợp lý cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa; hướng dẫn kỹ thuật bón phân và sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân hợp lý cho cây lúa; giới thiệu về tác hại của việc sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất lúa và các biện pháp nhằm giảm thiểu sử dụng phân hóa học trong sản xuất lúa thân thiện với môi trường đạt hiệu quả cao; tiến hành thực hành kỹ thuật bón phân (bón thúc đợt 1) kết hợp làm cỏ sục bùn trên ruộng mô hình điểm; khảo sát về tình hình sử dụng phân đạm tại địa phương và vận động nông dân ký cam kết thực hiện một số nội dung cho vụ Xuân 2021 (có 80 hộ đã ký cam kết giảm lượng đạm bón cho lúa).

Hoạt động 3: Tổ chức 13 sự kiện tuyên truyền nâng cao nhận thức và quảng bá về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tại địa bàn huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên và thành phố Lai Châu cho 587 đại biểu là cán bộ, hội viên nông dân có mong muốn áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường. Tại sự kiện, các đại biểu đã được giới thiệu tổng quan về việc áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện vói môi trường thông qua tờ rơi, hình ảnh video trình chiếu; nghe báo cáo kết quả hoạt động và các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường được Ban quản lý dự án Lúa triển khai, thực hiện trong thời gian vừa qua; xem các hình ảnh hoạt động của dự án đã tổ chức, thực hiện; giới thiệu về lợi ích, hiệu quả việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và những sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình điểm của dự án; trao đổi, thảo luận về thuận lợi, khó khăn và các giải pháp tháo gỡ trong việc áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường tại địa phương.

Hoạt động 4: Tổ chức thăm quan mô hình điểm hình tại bản Nà San, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, có 34 đại biểu thăm gia là đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương 4 xã dự án, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Tam Đường và đại diện các hộ nông dân trực tiếp tham gia áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường của 4 xã dự án. Tại buổi thăm quan các đại biểu đã trực tiếp kiểm tra, đo đếm, thu thập số liệu và đánh giá kết quả về các chỉ tiêu như: khả năng chống đổ, số bông/khóm, số khóm/m2, số lượng hạt/bông, tỷ lệ hạt mẩy/bông, trọng lượng hạt/m2, năng suất/ha, tính chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu về giữa ruộng lúa mô hình điển hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường so với ruộng lúa canh tác theo phương pháp truyền thống tại địa phương; được nghe báo cáo kết quả tổ chức thực hiện dự án trong thời gian vừa qua; trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng 4 mô hình điểm áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường, những giải pháp để nhân rộng hiệu quả của mô hình ra diện rộng.

Hoạt động 5: Xây dựng 4 mô hình điểm áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại 4 bản của 4 xã dự án (bản Hợp Nhất, xã Bản Bo; bản Nà San, xã Bình Lư; bản Nà Củng, xã Mường So; bản Mấn 1, xã Nậm Xe) với diện tích 0,4 ha (0,1 ha/mô hình) cho 4 hộ tham gia. Tại mô hình điểm, các hộ tham gia đã được hướng dẫn các kỹ thuật như: kỹ thuật ủ và sử dụng phân chuồng hoai mục bón cho lúa; kỹ thuật xử lý hạt giống trước khi đem ngâm, ủ; kỹ thuật làm đất; kỹ thuật sạ thưa (hoặc kỹ thuật cấy mạ non, ít dảnh với mật độ phù hợp); kỹ thuật bón phân cân đối, hợp lý dựa trên bảng so màu lá lúa; tỉa, dặm kết hợp làm cỏ, sục bùn; thăm đồng kết hợp quản lý, điều tiết nước theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa (Nông – Lộ – Phơi). Kết quả, ruộng lúa thực hiện mô hình điểm cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại nên hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun, giảm được lượng Đạm (N) đem bón cho lúa trên 30%, sau khi thu hoạch cho năng suất đạt từ 7,0 – 7,5 tấn/ha cao hơn so với các ruộng lúa canh tác theo phương pháp truyền thống tại địa phương từ 0,3 – 0,5 tấn/ha.

Các đại biểu thăm quan mô hình điển hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại bản Nà San, xã Bình Lư, huyện Tam Đường

Trong quá trình thực hiện Ban quản lý dự án lúa – Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã bám sát Kế hoạch được Ban quản lý dự án lúa – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt; chủ động phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân huyện Phong Thổ, Tam Đường và cấp ủy chính quyền địa phương 04 xã tham gia dự án làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, vận động nông dân tiếp cận và hưởng ứng tham gia áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường vào sản xuất; các nguyên tắc kỹ thuật của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường đã được các hộ nông dân trải nghiệm thực tế thông qua việc thực hành trên ruộng lúa mô hình điểm; người dân đã dần nhận thấy được lợi ích của việc áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường: vừa tiết kiệm được kinh phí mua giống, kinh phí mua phân bón hóa học (phân đạm), kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, vừa giảm được công chăm sóc lại cho năng suất cao hơn, chất lượng gạo tốt hơn, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để tiếp nối sự thành công của Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”, trong thời gian tới Ban Quản lý Dự án lúa – Hội Nông dân tỉnh Lai Châu sẽ tích cực tham mưu cho Thường trực Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các ban chuyên môn, Trung tâm Hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân các huyện và thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong tỉnh áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường vào sản xuất; tổ chức, thực hiện lồng ghép các hoạt động của dự án với các phong trào, chương trình, dự án của Hội; thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp sản xuất lúa thân thiện với môi trường; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho gạo được sản xuất từ việc áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường và đưa sản phẩm gạo này giới thiệu, bán tại cửa hàng liên kết – giới thiệu – tiêu thụ nông sản của Hội./.

Thế Công – Trung tâm HTND, HND tỉnh Lai Châu

Nguồn:hoinongdan.laichau.gov.vn

Tin liên quan:

.