Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, việc đốt rơm rạ đã được xác định là một trong 12 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Trước thực tế nói trên, TP. Hà Nội đã có nhiều mô hình để giảm thiểu tốt đa việc đốt rơm rạ như: sử dụng chế phẩm vi sinh học để xử lý tại ruộng hoặc làm phân bón, hay thu cuốn rơm mang về để trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc…
Ô nhiễm không khí từ việc đốt rơm rạ
Vào những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6-2020 – thời điểm nông dân TP Hà Nội thu hoạch vụ Đông Xuân – vụ lúa chính trong năm, dọc một số tuyến đường thuộc quốc lộ 32 hay các khu vực tập trung sản xuất lúa tại Chương Mỹ, Thanh Oai… chúng tôi nhìn thấy nhiều đám khói bốc lên từ cánh đồng lúa mới gặt bên đường. Người nông dân đã đốt rơm rạ tại ruộng, vừa nhanh vừa không tốn công để giải phóng đất canh tác và gieo cấy vụ mùa tiếp sau.
Khói lớn từ hoạt động đốt rơm rạ tại cánh đồng huyện Chương Mỹ – Hà Nội
Theo số liệu từ kết quả từ nghiên cứu Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên, tổng diện tích canh tác lúa vụ Đông – Xuân năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội là 67.493 ha. Sau thu hoạch, kết quả thu được 427.713 tấn lúa và để lại trên đồng ruộng gần 385 nghìn tấn rơm rạ tươi. Trong đó huyện Ứng Hòa có tổng diện tích canh tác lúa là 8.490 ha, thu được hơn 53,5 nghìn tấn lúa và tạo ra hơn 48 nghìn tấn rơm rạ thải bỏ trên đồng ruộng. Ngoài 8 quận, huyện không có diện tích canh tác lúa vụ Đông – Xuân 2020, huyện Từ Liêm có diện tích canh tác lúa rất thấp, chỉ khoảng 12 ha, thu được hơn 72 tấn lúa và sinh ra gần 65 tấn rơm rạ tươi.
Theo cứu của Trung tâm Live & Learn, sau khi thu hoạch, trữ lượng rơm rạ còn lại trên đồng có thể được đưa trở lại đất bằng cách chôn vùi xuống đất nhằm mục đích trả lại các chất dinh dưỡng có trong rơm rạ cho đất. Một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc kết hợp phân bón và rơm rạ chôn vùi trong đất có thể giúp lưu giữ một số chất dinh dưỡng như Ni-tơ (N), Phốt-pho (P), Ka-li (K) và Lưu huỳnh (S) cho cây lúa và tăng dự trữ dinh dưỡng cho đất. Rơm rạ được vùi trong đất ướt sẽ cố định tạm thời N và tăng lượng Metan (CH4) được giữ trong đất. Ngược lại, nếu rơm rạ bị loại bỏ khỏi đồng ruộng sẽ dẫn đến hiện tượng suy giảm và cạn kiệt K và Silic (Si) trong đất, còn việc đốt rơm rạ sẽ dẫn đến việc mất hầu hết hàm lượng các thành phần nói trên.
Lượng dinh dưỡng mất mát tuỳ thuộc vào cách thức đốt rơm rạ. Ở những vùng thu hoạch lúa đã được cơ giới hoá, hầu như tất cả rơm rạ để lại trên đồng và được đốt nhanh chóng tại chỗ, vì thế sự mất mát S, P và K nhỏ hơn. Một số nơi khác rơm rạ được để thành đống ở chỗ tuốt lúa và được đốt sau khi thu hoạch, vì thế tro không được rải đều trên đồng, nên gây ra sự mất mát khoáng chất rất lớn. Các nguyên tố K, Si, Canxi (Ca), Ma-giê (Mg) dễ bị rửa trôi từ đống tro. Hơn nữa, việc làm như vậy sẽ gây nên sự chuyển dịch dinh dưỡng trong đất rất lớn vì nơi quá thừa, nơi quá thiếu. Việc đốt rơm rạ gây ra ô nhiễm không khí và mất mát dinh dưỡng, nhưng lại là biện pháp giảm giá thành và giảm thiểu sâu bệnh hại.
Rơm rạ khi đốt chưa khô hoàn toàn, tạo thành những đám khói bao trùm một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống chung quanh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hệ sinh thái và mất an toàn giao thông. Việc đốt rơm rạ làm phát sinh nhiều chất độc hại vào môi trường như các khí bụi PM10, PM2.5, BC (các-bon đen, muối than, bồ hóng), các tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, các khí có thể tích tụ trong khí quyển gây ra tình trạng mưa axit, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) và nhiều thành phần khác.
Kết quả tính toán cho thấy tổng lượng bụi phát sinh khi đốt rơm rạ trong vụ mùa Đông – Xuân 2020 trên địa bàn TP.Hà Nội bao gồm 179,08 tấn PM10 và 163,3 tấn bụi mịn PM2.5. Như vậy bên cạnh các nguồn gây ô nhiễm không khí TP Hà Nội như nguồn từ giao thông, xây dựng, làng nghề thì bụi và khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ cũng là nguồn đóng góp đáng kể. Đây là vấn đề gây ô nhiễm môi trường trầm trọng do tính chất cục bộ, chất ô nhiễm tập trung trong thời gian ngắn (tập trung cao điểm chỉ từ 7 đến 10 ngày) càng gây sức ép lớn hơn đến chất lượng môi trường không khí ở địa phương.
Việc đốt mở rơm rạ ngoài đồng ruộng gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, đốt rơm rạ đã được xác định là một trong 12 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như: chảy nước mắt, ho, hắt hơi, thậm chí là buồn nôn, khó thở. Hít các loại khí này trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh hô hấp và tim mạch.
Mô hình xử lý rơm rạ không cần đốt
Thay vì đốt, nhiều nông dân đã và đang xử lý rơm rạ bằng các giải pháp thân thiện với môi trường và gia tăng giá trị kinh tế cho rơm. Các giải pháp đang được áp dụng nhiều ở Hà Nội hiện nay có thể kể đến như: sử dụng chế phẩm vi sinh học để xử lý tại ruộng hoặc làm phân bón, hay thu cuốn rơm mang về để trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc… Đó là các giải pháp thực hiện có hiệu quả.
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội và Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/09/2020 (Chỉ thị 15) về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố, vụ Đông Xuân 2021, đã có ít nhất 6 huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì) với hơn 1.000ha cánh đồng áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt.
Tập huấn xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ tại huyện Sóc Sơn
Các hoạt động bao gồm: đào tạo nhóm nông dân nòng cốt; triển khai truyền thông thông qua các kênh trực tuyến hội nhóm và trực tiếp; hướng dẫn kỹ thuật và thực hành các giải pháp xử lý; hỗ trợ ngân sách cho các địa phương, hợp tác xã, nông dân tiếp cận các giải pháp như chế phẩm sinh học hay thu cuốn rơm… Từ đây, nhiều mô hình nhỏ, sáng kiến hay của các địa phương đã được khuyến khích triển khai.
Mô hình xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ
Nhằm giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sóc Sơn đã xây dựng và thực hiện mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ tại 2 xã điểm. Với thời gian ủ ngắn (45 ngày), từ khoảng 5 tạ rơm rạ cộng với phân gia súc, gia cầm… có thể làm thành 1 tấn phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất cây trồng và hoa màu. Giải pháp này dễ thực hiện, giá thành rẻ, người dân cũng có thể áp dụng để xử lý các phụ phẩm nông nghiêp khác như thân cây chuối, ngô, đu đủ, hoa,… chuyển thành phân hữu cơ. Mô hình đang được áp dụng rộng tới các xã khác trên địa bàn huyện.
Các Hội viên Hội Phụ nữ Sóc Sơn hướng dẫn bà con xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ
Cô Trần Thị Yến – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cho biết: “Trước kia tôi hay đốt rơm rạ, nhà tôi gần đường nên khói làm ảnh hưởng nhiều tới giao thông của bà con. Sau khi được đi tập huấn về phương pháp dùng chế phẩm vi sinh để ủ rơm thành phân bón và có chuyên gia hướng dẫn, tôi đã làm thành công và vận động nhiều người cùng làm theo.”
Cô Trần Thị Yến bên cạnh ruộng ngô của gia đình
Cô Trần Thị Yến chia sẻ về lợi ích của phương pháp ủ rơm bằng chế phẩm vi sinh: “Ngày trước, cấy lúa, rễ lúa phát triển rất chậm, đất dẽ. Khi áp dụng chế phẩm vi sinh, tôi cảm thấy lội được bùn, đất không dẽ như trước nữa. Điều này, chứng tỏ chất đất tốt hơn rất nhiều. Trước đây thợ cày lấy tiền công 260 nghìn đồng một sào vừa cày vừa dằm, còn bây giờ họ chỉ lấy nửa tiền, do thời gian làm ngắn hơn. Trước thợ cày thửa ruộng của tôi mất 30 phút, nay chỉ mất 10 phút, rút ngắn thời gian cho nên tiền công cày giảm đi nhiều. Trước kia còn phải dùng phận đạm nay không cần dùng nữa.”
Cô Trần Thị Thao – Thôn Mai Đoài, Mai Đình, Sóc Sơn đảo trộn rơm ủ tại cánh đồng
Đánh giá về chất lượng phân hữu cơ khi áp dụng phương pháp nói trên, Cô Trần Thị Thao – nông dân ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: “Đây là phân hữu cơ giúp giảm được bón phân đạm mà dùng phân đạm cũng không tốt bằng phân hữu cơ này. Rau được bón bằng phân hữu cơ tôi thất ngọt hơn, thơm hơn và ăn cũng thấy an toàn hơn. Rơm còn để ngoài đồng thì bón cho lúa vụ sau cũng tốt, đỡ được một nửa tiền phân bón cho đồng ruộng như các năm trước”.
Mô hình xử lý rơm rạ bằng việc rắc chế phẩm sinh học
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, ngoài lượng rơm rạ được tận dụng làm thức ăn dự trữ cho bò sữa, nông dân trên địa bàn huyện đã sử dụng có hiệu quả mô hình việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.
Việc này tạo điều kiện để các phụ phẩm nông nghiệp được phân hủy bởi các vi sinh vật và giun có trong đất dưới sự hỗ trợ của chế phẩm vi sinh vật, biến thành chất điều hòa đất và phân hữu cơ tại chỗ. Đất sẽ trở nên mềm, màu mỡ, giàu chất dinh dưỡng và sinh khối, tăng năng suất cho các vụ mùa tiếp theo.
Nông dân huyện Đan Phượng rắc chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch
Tham gia vào mô hình ngay từ những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Vĩnh, thôn Trung Hiền, xã Thượng Mỗ nhận xét: “Việc xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học đem lại lợi ích kép cho nông dân, vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí sản xuất nhờ nguồn phân hữu cơ”. So với những nơi đốt rơm rạ tại ruộng, ruộng được xử lý bằng chế phẩm sinh học tiết kiệm được 2 lần phun thuốc trừ bệnh vàng lá và nghẹt rễ sinh lý; giảm được 30% lượng phân lân cho bón lót và 15% lượng N-P-K bón thúc lần đầu. Bên cạnh đó, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học khá đơn giản, chỉ cần trộn đều chế phẩm với cát, đất, hoặc phân bón, dải đều khắp ruộng. Sau từ 13 đến 15 ngày, rơm và gốc rạ tự phân hủy, ngấu trong đất.
Nông dân huyện Chương Mỹ xử lý rơm rạ bằng cách rải chế phẩm vi sinh học tại ruộng
Để nhân rộng thêm mô hình, ngay từ đầu vụ thu hoạch lúa Xuân năm 2021, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường cộng đồng đã xây dựng mô hình cánh đồng hạn chế đốt rơm rạ tại 4 xã, tổng diện tích 25ha.
Mô hình chế biến thức ăn cho trâu bò, gia súc
Người dân huyện Bà Vì dùng rơm cuộn chế biến thức ăn cho trâu bò, gia súc
Để tận dụng nguồn rơm lúa sau thu hoạch, Hội khuyến nông Ba Vì đã triển khai mô hình sử dụng máy cuốn rơm và sử dụng rơm cuộn để chế biến làm thức ăn cho trâu bò, gia súc.
Theo đại diện Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, phương pháp chế biến rơm ủ u-rê đơn giản và dễ thực hiện. Hơn nữa, rơm rạ sau khi chế biến có thể cho bò ăn thoải mái, không sợ bị ngộ độc. Bò được ăn loại rơm này lớn nhanh, béo khoẻ, ngay cả trong vụ đông xuân thiếu cỏ tươi.
Mô hình tận dụng rơm rạ trồng nấm
Trang trại trồng nấm của chị Hương tại xã Liên Hà, Đông Anh
Dưới sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền huyện Đông Anh và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, người dân được vận động không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thay vào đó là sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ hoặc tận dụng rơm rạ để trồng nấm, nhiều hộ nông dân đã có thêm công việc mới.
Chị Hương, nông dân tại xã Liên Hà huyện Đông Anh cho biết: “Sau khi tham gia các lớp học nghề về trồng nấm từ rơm rạ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức, do vậy tôi đã quyết định mở trang trại sản xuất nấm rơm, kêu gọi bà con không đốt rơm rạ mà thu gom rơm cho trại nấm, áp dụng các kiến thức đã học về sản xuất nấm, tăng thêm thu nhập. Bước đầu chúng tôi sản xuất quy mô nhỏ dùng 20 – 30 tấn rơm một năm, cho đến nay đã triển khai ở quy mô lớn hơn từ 40 đến 60 tấn rơm một năm. Thu nhập từ nấm rơm là 100 triệu đồng/ năm, nấm sò là 120 triệu đồng/ năm và các lao động cho chúng tôi thì có thu nhập là từ 150 nghìn – 200 nghìn đồng/ người/ ngày. Nhờ có việc làm này mà trên địa bàn xã Liên Hà đã giảm hẳn tình trạng đốt rơm rạ.
Đặc biệt, giá thể sau khi thu hoạch nấm có thể được sử dụng để bón trực tiếp cho cây ăn quả, hoa hồng… và không gây ô nhiễm môi trường.
Mô hình xử lý rơm rạ bằng thu cuốn rơm để sử dụng
Cuốn rơm trên cánh đồng huyện Chương Mỹ
Nhận thấy một số lợi ích khi mang rơm rạ ra khỏi đồng ruộng, nông dân nhiều nơi đã chủ động thu gom rơm thành các cuốn rơm khô, gọn và nhẹ bằng cách thủ công hoặc sử dụng máy cuốn. Tuy nhiên, máy cuốn rơm chỉ hoạt động hiệu quả tại các khu vực đồng ruộng khô, chân ruộng cao. Trước khi áp dụng máy thu cuốn, cần lưu ý cắt sát gốc rạ khi gặt.
Khi thu cuốn rơm, phần lớn rơm bên trên sẽ được thu gom, phần gốc rạ sẽ còn lại bên dưới và nằm trong đất. Điều đó cũng khắc phục được việc để lại quá nhiều rơm trên ruộng làm cho đất bị dư thừa chất hữu cơ dễ gây sâu bệnh cho cây trồng vụ sau. Với gốc rạ còn lại trên đồng, các đơn vị khuyến nông khuyến khích sử dụng thêm chế phẩm vi sinh học để xử lý làm phân bón hữu cơ. Việc này vừa tránh làm chua đất, vừa gia tăng chất hữu cơ cho cây trồng/vụ sau đó. Đối với rơm thu được, đây sẽ là đầu vào cho các hoạt động sản xuất khác như trồng nấm, làm thức ăn gia xúc, làm đệm lót sinh học, làm các sản phẩm thủ công, làm nhiên liệu sinh học.
Bài học rút ra khi xử lý rơm rạ
Mỗi nhóm giải pháp sẽ sử dụng các công nghệ khác nhau phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từ hạn chế can thiệp, sử dụng chế phẩm sinh học hay các máy móc nông nghiệp… Áp dụng các kỹ thuật nói trên sẽ tăng giá trị của rơm rạ. Các giải pháp này có thể áp dụng đa dạng từ quy mô lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã cho đến cả các nông hộ nhỏ lẻ.
Cùng trong một huyện nhưng các xã, cụm xã có thể lựa chọn nhiều giải pháp khác biệt để phù hợp với đặc tính địa phương. Và với một số nơi, đặc tính ảnh hưởng nhất là sản phẩm nổi tiếng của địa phương như Vịt Vân Đình – Ứng Hòa, Bò sữa – Ba Vì, Gốm Bát Tràng – Gia Lâm… Ngoài ra, trong các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn giải pháp, yếu tố con người luôn cần đặc biệt lưu ý. Vì đối tượng tác động cuối cùng là người dân, cả những người đã hoặc chưa nhận thấy giá trị của rơm rạ.
Bên cạnh đó, làm thế nào để nhân rộng được các mô hình tiêu biểu cũng cần phải có giải pháp hiệu quả. Thí dụ với mô hình trồng nấm rơm mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên để nhân rộng lại không dễ. Lý giải nguyên nhân, chị Phạm Thị Vân, hộ sản xuất nấm ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh) cho biết: “Kỹ thuật sản xuất nấm rơm phức tạp, tỷ lệ rủi ro cao hơn so với sản xuất các loại nấm khác. Mặt khác, việc thu gom, vận chuyển rơm mất nhiều công sức và cần kho chứa lớn nên chúng tôi khó thực hiện… Mỗi vụ thu hoạch lúa, gia đình tôi chỉ tích trữ vài tấn rơm làm nấm, đa số vẫn sử dụng giá thể từ mùn cưa, tiện hơn”. Tương tự, ông Hoàng Xuân Bình – một hộ trồng nấm ở xã Việt Hùng (huyện Đông Anh) cho biết: “Gia đình tôi trồng nấm quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư và chưa có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm…”.
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, các địa phương còn đất sản xuất nông nghiệp đã xây dựng xong kế hoạch xử lý tình trạng đốt rơm rạ nhưng triển khai chậm và thực tế cho thấy, hiệu quả chưa cao.
Điển hình như, tại huyện Sóc Sơn, từ tháng 9-2020 đến nay đã triển khai 3 văn bản chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các trường hợp đốt rơm rạ. Trong các văn bản nói trên, UBND huyện chỉ rất rõ: Hành vi đốt rơm rạ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ; đồng thời, giao nhiệm vụ cho Phòng Nội vụ kiểm tra, xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chậm ngăn chặn xử lý trường hợp đốt rơm rạ. Tuy nhiên, sau 3 vụ thu hoạch, huyện Sóc Sơn chưa xử phạt được trường hợp nào.
Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa tình trạng đốt rơm rạ sau mùa vụ, các cấp chính quyền cần tăng cường giải pháp mạnh, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu các địa phương nếu không kịp thời ngăn chặn vi phạm.
Nguồn: https://quanly.moitruongvadothi.vn/