Phấn đấu giảm phát thải khí mê-tan trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam

Sản xuất lúa gạo đóng góp gần một nửa tổng lượng khí thải mê-tan của Việt Nam và là mục tiêu hành động để giảm khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí mêtan từ sản xuất lúa xuống 30%, đòi hỏi phải chuyển đổi hàng triệu phương thức canh tác nông hộ nhỏ sang canh tác ít phát thải.

Các phương pháp quản lý nông nghiệp tiên tiến góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí mê-tan, hạn chế tác động đến môi trường.

Mê-tan là chất ô nhiễm, tồn tại trong khoảng thời gian ngắn (12 năm) so với vài trăm năm của carbon dioxide. Tuy nhiên, khả năng làm ấm lên toàn cầu của khí này cao gấp 28 lần so với khí cacbonic, điều đó có nghĩa, giảm lượng khí thải mê-tan có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu với hiệu quả tương đối cao.

Sản xuất lúa gạo là yếu tố đóng góp lớn vào việc phát thải khí mê-tan do con người gây ra trên toàn cầu, trong đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia sản xuất gạo hàng đầu đã ký cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu. Các bên ký kết đồng ý thực hiện các hành động tự nguyện để cùng nhau giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu xuống 30% vào năm 2030. Tính khả thi của cam kết này phụ thuộc vào mức độ giảm khí mê-tan thực tế ở từng quốc gia.

Theo Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam gửi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, lượng khí mê-tan phát thải trên toàn quốc hiện nay khoảng 99,5 tấn CO2 tương đương (MtCO2e), trong đó, phát thải từ sản xuất lúa chiếm 43% trong số này (khoảng 42,7 MtCO2e). Giảm phát thải khí mê-tan 30% chuyển thành mục tiêu giảm 12,8 MtCO2e hàng năm cho riêng sản xuất lúa.

Trong báo cáo “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” năm 2020, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải vô điều kiện và 27% có điều kiện với nguồn tài trợ quốc tế. Mức giảm 9% trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo tương đương với 3,8MtCO2e. Để đạt được mục tiêu này, chiến lược quốc gia đưa ra các phương pháp quản lý nước có kiểm soát; giảm đốt rơm rạ và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mục đích sử dụng khác một cách thực tế và tiết kiệm; sử dụng các hệ thống quản lý cây trồng khác nhau, bao gồm tiêu chuẩn giống và hệ thống thâm canh lúa; phổ biến các phương pháp giảm thiểu phát thải như tưới tiêu giữa vụ và phơi khô thóc…

Để đạt mục tiêu giảm 30% khí mê-tan, Việt Nam phải giảm thêm 9 MtCO2e khí mê-tan ở riêng ngành sản xuất lúa gạo. Việc giảm khoảng 5,5 MtCO2e là khả thi, nhưng đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn, phải dựa vào nguồn tài chính quốc tế cho các hoạt động canh tác lúa ít phát thải so với hiện tại.

Nguồn đầu tư này tập trung cải thiện các kênh, mương dẫn nước và các trạm bơm hiện có nhằm quản lý nước có hiệu quả. Đồng thời phải đào tạo và nâng cao nhận thức để nông dân quản lý nước tốt hơn. Tổng mức giảm thiểu từ quá trình chuyển đổi này ước tính 9,5MtCO2e (22%), 8% còn lại đòi hỏi sự thay đổi mô hình trong chính sách nông nghiệp, ưu tiên giảm phát thải như một mục tiêu lớn trong sản xuất lúa gạo.

Bên cạnh việc quản lý sử dụng nước tưới, tiêu, cần xem xét cải tiến việc quản lý và sử dụng rơm rạ. Cần khuyến khích người dân sử dụng rơm rạ vào các mục đích phi đồng ruộng trong các phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Phương án này có thể làm giảm phát thải khí mê-tan nhiều hơn nữa, nhưng do thiếu dữ liệu chi tiết nên việc ước tính tiềm năng giảm thiểu của phương pháp này còn chưa đầy đủ. Cùng với việc loại bỏ rơm rạ, các khoản đầu tư nghiên cứu quản lý phân bón, chất phụ gia cho đất và các giống lúa phát thải thấp cũng có thể góp phần đạt được mục tiêu giảm thiểu phát thải.

Ở Việt Nam, thực hành phát thải thấp trong nông nghiệp đã thu được một số thành công. Thông qua chương trình khuyến nông cấp tỉnh, An Giang – một tỉnh sản xuất lúa gạo lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long – đã thúc đẩy thành công các phương pháp quản lý tốt, được gọi là “Chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm”, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động đến môi trường. Các chương trình phát thải thấp đã góp phần giảm hơn 2 MtCO2e mỗi năm, đồng thời giúp các khu vực canh tác có hệ thống tưới tiêu tốt và hồ sơ theo dõi các phương pháp sản xuất tiên tiến.

Việc tham gia cam kết giảm thiểu khí mê-tan giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính khí hậu quốc tế. Các quỹ này có thể chuyển nguồn lực vào các dự án phát triển nông nghiệp xanh ở các vùng nông thôn và đảm bảo nguồn vốn cho các nhóm nông dân thu nhập thấp bị đe dọa nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các tổ chức thuộc Chính phủ, tư nhân và quốc tế, tạo ra hiệu ứng có lợi cho những nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu cũng như xuất khẩu gạo của Việt Nam tới người tiêu dùng có ý thức về môi trường.

Nguồn: https://tapchitaichinh.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.