NGÀY CÔNG NGHỆ TRÁI CÂY SÁNG TẠO – TỔNG KẾT DỰ ÁN

Sáng ngày 22/3/2024, tại Hội trường Công ty Cổ phần Du lịch Bông sen, Ban Quản lý dự án Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Long An đã tổ chức Ngày công nghệ trái cây sáng tại Long An. Đến dự và chỉ đạo hội nghị  có Bà Nguyễn Thị Việt Hà_Phó Ban Đối ngoại và hợp tác quốc tế, giám đốc dự án, Ông Trần Lê Hiệu điều phối dự án Tổ chức Y tế Việt Nam – Hà Lan, Ông Peter Prins chuyên gia dự án cùng với lãnh đạo Hội Nông dân, sở ngành tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã và 60 nông dân.

Hội nghị đã trình bày nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trong đó có ứng dụng những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và những định hướng chiến lược phát triển vùng cây ăn trái của tỉnh Long An giai đoạn 2025 – 2030.

Dự án được chính thức khởi động dự án từ tháng 3/2022 bằng cuộc Hội thảo khởi động dự án với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và công ty đa quốc gia trong nước, các viện trường đại học. Hội thảo khởi động đã hoạch định được những định hướng và hoạch định được kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án.

Dự án đã tổ chức 02 cuộc tập huấn nâng cao năng lực về kiến thức thương mại mậu dịch quốc tế, kinh tế hợp tác cán bộ Hội Nông dân các tỉnh tham gia dự án. Tổ chức 08 cuộc hội thảo tập huấn cho 25 nông dân nòng cốt của dự án tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành và hơn 200 nông dân khác được tiếp cận những tiến bộ mới với sự đồng  hành của các cố vấn chuyên môn đến từ Hà Lan, các chuyên gia kỹ thuật của các tổ chức Eurofins, Yara, Bayer, Khang Thịnh; nông dân và cán bộ Hội Nông dân được hướng dẫn về đánh giá chất lượng, cải tạo đất, các bước thực hành canh tác bao gồm sử dụng phân bón, kỹ thuật tưới tiêu, hóa chất bảo quản thực phẩm, xử lý sau thu hoạch và quy trình phân phối sản phẩm đạt tiêu chuẩn tới thị trường Châu Âu, góp phần từng bước nâng cao giá trị, phát huy thế mạnh của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại các buổi tập huấn, triển khai các mô hình trình diễn, các chuyên gia, nhà tư vấn kỹ thuật của dự án đã hướng dẫn bà con nông dân nhiều kiến thức cần thiết trong quá trình canh tác. Từ cách lấy mẫu đất để mang đi phân tích, đánh giá được tiềm năng của đất, đến nhu cầu của cây, quá trình lựa chọn phân bón, cách chăm sóc phù hợp với từng loại cây, thu hoạch, sơ chế bảo quản…Chuyên gia của Eurofins  cung cấp kiến thức về chất lượng đất, kiểm tra chất đất. Công ty Yara cung cấp kiến thức về dinh dưỡng cho cây trồng và cách hiểu về thành phần để lựa phân bón phù hợp cho cây trồng. Công ty Bayer là đối tác chăm sóc mảng bảo vệ cây trồng của dự án cùng với Công ty Khang Thịnh hỗ trợ hệ thống tưới tiêu tiên tiến và hướng dẫn tưới tiêu phù hợp, hiệu quả.

Từ thực tế triển khai dự án, thông qua các lớp tập huấn và triển khai mô hình trình diễn, bà con nông dân hiểu và nắm rõ quy trình sản xuất từ việc hiểu về thành phần của đất, nhu cầu của cây, bà con sẽ biết cách chăm sóc, sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, có sản phẩm tốt được người tiêu dùng đón nhận theo tiêu chí chất lượng an toàn và không gây hại tới môi trường.

Về xây dựng mô hình trình diễn dự án đã chọn hộ nông dân Nguyễn Văn Thuỷ, ấp Nhà Việc, xã An Lục Long, huyện Châu Thành làm điểm trình diễn xây dựng mô hình trồng thanh long 3.000 m2 với sự hỗ trợ vật tư phân bón của Yara, Thuốc BVTV của Bayer, phân tích đất của Eurofins và hệ thống tưới tiết kiệm nước của Khang Thịnh, tổng giá trị hỗ trợ mô hình gần 150 triệu đồng. Mục tiêu xây dựng mô hình là điểm trình diễn trong việc giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quản lý dịch hại, sử dụng phân bón hợp lý trên cơ sở kết quả phân tích đất từ phía công ty Eurofin. Qua 2 năm triển khai, Hội Nông dân tỉnh đánh giá kết quả thực đạt kết quả tốt vườn ít bệnh mặc dù thời gian phun thuốc BVTV dài ngày hơn, dây thanh long xanh khoẻ hơn, trái tươi đẹp và bảo quản được lâu hơn, riêng đối với hệ thống tưới đã giảm được công lạo động rất lớn.

Dự án đã được Công ty Eurofins hỗ trợ phân tích các chỉ tiêu trong đất cho 25 hộ dân với 25 mẫu, mỗi mẫu lấy 10 điểm trên vườn giúp biết được cây trồng bị thiếu hụt dinh dưỡng hay bị gây ngộ độc do dĩnh dưỡng quá cao từ đó đã giúp nông dân bón phân hợp lý cải thiện điều kiện tối ưu cho cây trồng sinh trưởng và phát triển đạt năng suất cao và phẩm chất tốt. Tất cả các hộ dân điều phấn khởi khi biết tình trạng đất của mình từ đó đã gia giảm lượng phân bón và cải tạo độ PH đất cho vườn mình đem lại kết quả rất tốt.

Dự án cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo nhằm trang bị cho nông dân các kiến thức mới về tìm hiểu thị trường, các kỹ năng về phân tích thị trường và nhu cầu của khách hàng đối với nông sản hàng hóa; các hoạt động tham gia vào vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, đồng thời cũng trao đổi các nội dung về cải thiện chất lượng trái cây nhiệt đới Việt Nam, định hướng phát triển ngành hàng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An. Hướng dẫn kỹ năng thành lập đội, nhóm liên kết tiến tới tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng cường sức mạnh của nông dân hơn trong việc sản xuất, đàm phán đầu vào đầu ra đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó BTV Hội Nông dân tỉnh đã giao cho Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân vận dụng những kiến thức và kết quả của dự án đã mang lại để tuyên truyền đào tạo cho nông dân trong toàn tỉnh. Đến nay, 1.680 học viên do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân đào tạo được tiếp cận với những kết quả của dự án, vận dụng vào thực tế sản xuất của mình theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được các ngành đánh giá rất cao.

Phát biểu tổng kết dự án Ông Trần Quốc Quân đã đánh giá dự án đã thành công và đạt được kết quả như mục tiêu của dự án đề ra, nông dân tham gia dự án được tiếp cận nhiều kiến thức mới từ các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiển từ đó vận dụng rất tốt vào vườn cây của bản thân và tuyên truyền cho nhiều hộ nông dân xung quanh cùng thực hiện. Mô hình trình diễn cho thấy vườn cây thanh long phát triển tốt đạt kết quả về năng suất tương đối vượt trội do sử dụng các sản phẩm đạt chất lượng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV. Bệnh cạnh đó việc áp dụng hệ thống tưới cũng đã giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí nhân công rất nhiều đồng thời kết hợp bón phân qua hệ thống tưới giúp tiết kiệm được phân bón đáng kể và mang lại hiệu quả cao tránh thất thoát phân bón.

BTV Hội Nông dân tỉnh cũng đề xuất với Ban Quản lý dự án cùng với các đối tác hỗ trợ tìm kiếm đối tác tiêu thụ trong nước thu mua ổn định và giá cao hơn thị trường nếu kết quả sản xuất của nông dân đạt kết quả.  Nhân rộng triển khai việc phân tích mẫu đất trên tất cả các loại cây trồng đặc biệt là trên đất sản xuất lúa, chanh, thanh long để giúp nông dân Long An sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thanh Hiếu

Tin liên quan:

.