Triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh

Chương Phượng

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai sẽ cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam: tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tham quan các loại máy sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Ngày 12/12/2023 tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đại diện Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Ngân hàng Thế giới (WB), lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ phát động triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đây là hoạt động diễn ra trước lễ khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023.

CANH TÁC XANH, GIẢM PHÁT THẢI

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: Nếu ngành nông nghiệp được xác định “là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế” thì sản xuất lúa gạo được xem là ngành sản xuất trọng điểm không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam nằm trong nhóm các nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới và là một trong số các nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Vị thế của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang ngày càng được củng cố và nâng cao hơn, không chỉ là những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới. Gạo của Việt Nam cũng liên tiếp được vinh danh trên trường quốc tế.

Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với kim ngạch ước đạt 4,7 tỷ USD, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng và tiến dần tới nhóm cao nhất thế giới.

Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 4.092 nghìn ha, trong đó 2.575 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 -25 triệu tấn chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

“Sự thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hợp tác công-tư hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á… sẽ là chía khoá cho thành công của Đề án”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Bên cạnh đó, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và bà Carolyn Turk tham gia gieo sạ lúa bằng máy.

Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.

Từ thí điểm thành công, mô hình này tại Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

WB CAM KẾT ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐỀ ÁN

Là đối tác đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi ngành nông nghiệp suốt nhiều năm qua, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá cao Chính phủ Việt Nam phê duyệt và triển khai Đề án, nhấn mạnh Đề án cùng lúc nhằm ba mục tiêu: Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sống.

“Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai đề án này; hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện để có được nguồn tài chính bền vững cho phát triển kinh tế”, bà Carolyn Turk khẳng định.

“IRRI đã có quá trình hợp tác nhiều thập kỷ với Việt Nam và luôn tự hào đã có đóng góp vào quá trình phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam. Nhiều giống lúa sản xuất tại Việt Nam do IRRI chọn tạo và hơn 50% giống do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo có sử dụng bố mẹ, tổ tiên có ngồn gốc từ IRRI”.

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị  Viện lúa quốc tế (IRRI).

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị  Viện lúa quốc tế (IRRI) – trụ sở tại Philippines, đánh giá Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là dự án đầu tiên trên thế giới có quy mô lớn theo hướng này. Đề án được triển khai sẽ cho phép giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam nói riêng. Đó là tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Theo ông Cao Đức Phát, IRRI đã có quá trình hợp tác nhiều thập kỷ với Việt Nam và luôn tự hào đã có đóng góp vào quá trình phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam. Nhiều giống lúa sản xuất tại Việt Nam do IRRI chọn tạo và hơn 50% giống do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo có sử dụng bố mẹ, tổ tiên có ngồn gốc từ IRRI.

Tại lễ phát động, Ban tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 cũng tổ chức các hoạt động trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm tại ấp 4, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn nông dân, lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp đã tập trung tại ruộng của ông Nguyễn Văn Em ở ấp 12, xã Vị Trung, để tận mắt chứng kiến các loại máy cơ giới thế hệ mới phục vụ sản xuất lúa, từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy lúa, thu gom, xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông Cao Đức Phát cùng điều khiển máy gieo sạ trên cánh đồng.

Mở đầu là màn trình diễn mãn nhãn với 10 máy bay không người lái đồng loạt cất cánh, thực hiện các nhiệm vụ như gieo sạ lúa, sạ phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một trong những thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp 4.0, canh tác lúa thông minh, hình thành nên những cánh đồng lớn không dấu chân người.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng ông Cao Đức Phát, bà Carolyn Turk và Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cùng đổ lúa giống vào các máy gieo sạ lúa. Máy gieo sạ lúa theo cụm, giúp giảm lượng giống gieo sạ chỉ cần khoảng 60 kg/ha. Ngoài ra, những máy này có thể kết hợp bón vùi phân, giúp giảm công lao động. Sạ cụm lúa phát triển theo hàng, tạo ra hệ sinh thái đồng ruộng với mật số thưa hợp lý, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, đạt năng suất cao.

Nguồn: https://vneconomy.vn/

Tin liên quan:

.