9X Lâm Đồng bỏ phố về quê nuôi trùn quế, thu hơn 400 triệu/năm, nhiều người đến xem

Anh Trần Hữu Nguyễn đã bỏ nghề đồ họa tại TP. Hồ Chí Minh để về nhà tại xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) nuôi trùn quế, làm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, mỗi năm cho thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Bỏ phố về quê nuôi trùn quế

Đầu năm 2024, phóng viên Dân Việt được bà Hồ Thị Bích Linh – Trưởng Ban Kinh tế xã hội thuộc Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đưa đến thăm mô hình nuôi trùn quế thuộc dự Dự án “tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đây là mô hình điểm, được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đánh giá rất cao bởi hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường.

Anh Trần Hữu Nguyễn bên trong trại nuôi trùn quế mang lại thu nhập hàng trăm triệu của gia đình mình.

Mô hình nuôi trùn quế này là của anh Trần Hữu Nguyễn (31 tuổi). Anh Nguyễn là một nông dân trẻ tại địa phương, mặc dù mới khởi nghiệp được khoảng 3 năm nhưng với cách làm và hướng đi của anh thì đang nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Dẫn phóng viên đi trong khu nuôi trùn quế được phủ lưới đen tránh nắng, 9X Trần Hữu Nguyễn chia sẻ: “Trước đây, tôi học trường Cao đẳng quốc tế Arena Multimedia chuyên về ngành thiết kế, đồ họa. Sau khi ra trường, tôi có cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương khá cao, vừa sinh hoạt đủ mà vẫn có tiền dư.

Tuy nhiên, sau đó vì sức khỏe của ba nên tôi đã phải bỏ việc ở TP. Hồ Chí Minh để về nhà tại xã Ninh Gia, quán xuyến công việc, mảnh vườn của gia đình. Năm 2021 tôi bắt đầu xắn tay thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn của mình trên mảnh đất 1,2ha của gia đình”.

Những bể nuôi trùn quế của anh Nguyễn được lợp lưới đen tránh nắng.

Anh Nguyễn cho biết thêm, năm 2021, gia đình anh có nuôi heo rừng lai để cải thiện thu nhập. Thế nhưng, chất thải của heo rừng trong quá tình nuôi đã làm cho môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, anh Nguyễn đã lên mạng để tìm hiểu cách xử lý phân heo, bảo vệ môi trường.

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn biết trùn quế được nhiều người sử dụng để làm giảm ô nhiễm môi trường do các loại phân chuồng như phân bò, phân heo. Sau đó, phân trùn quế lại được sử dụng để bón cho các loại cây trồng rất tốt, trùn quế còn được làm thức ăn cho các loại vật nuôi khác nên sẽ tạo được vòng khép kíp, giảm chi phí đầu vào. Vì vậy, anh đã mạnh dạn cùng gia đình đầu tư vào nuôi trùn quế tại nhà.

Phân trùn quế được anh Nguyễn bón cho rau giúp rau phát triển rất tốt, an toàn.

Làm nông nghiệp tuần hoàn

Tự tay bốc nắm trùn quế trên tay giới thiệu với phóng viên, anh Trần Hữu Nguyễn khẳng định, trong nông nghiệp tuần hoàn thì trùn quế là rất tốt, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Hiện nay, anh đang nuôi trùn quế trên diện tích khoảng 400m2. Trong diện tích này, anh Nguyễn xây dựng hệ thống bể xi măng dài khoảng 20 mét, rộng 2 mét và cao khoảng 50cm.

Trùn quế còn được anh Nguyễn dùng làm thức ăn cho các loại vật nuôi trong nhà.

“Hệ thống bể nuôi trùn quế được tôi che bằng lưới đen bên trên, ngoài ra còn lắp hệ thống tưới nước cho các bể để làm sao độ ẩm luôn duy trì ở mức khoảng 70%. Trước khi cho phân chuồng vào bể, tôi lót lưới bên dưới để khi tưới thì nước sẽ dễ dàng thoát ra, vẫn đảm bảo độ ẩm nhưng không bị ngập úng. Trung bình, mỗi bể này tôi chứa được khoảng 4 tấn phân chuồng.

Trung bình, từ 3-4 tháng thì trùn quế sẽ tiêu hóa hết khối lượng phân bỏ vào và thải ra phân trùn quế rất tốt cho cây trồng. Toàn bộ trang trại, trung bình 1 tháng tôi bán ra thị trường từ 10 – 12 tấn phân trùn quế với giá 3,5 triệu đồng/tấn. Phân trùn quế còn được tôi dùng để bón cho cà phê, sầu riêng, chuối trên diện tích 1,2ha đất của gia đình”, anh Nguyễn cho biết.

Phân chuồng được anh Nguyễn đưa vào các bể nuôi trùn quế.

Chàng trai 9X tiết lộ thêm, anh trồng 400 gốc chuối laba trong vườn nhà. Loại chuối này vừa được anh dùng để bán quả, thân cây chuối lại được làm thức ăn cho heo rừng lai trong nhà. Chính vì vậy, vòng khép kín tuần hoàn trong mô hình nông nghiệp của anh đã tận dụng được mọi đầu vào, giảm chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao.

Heo rừng lai được nuôi trong trang trại của anh Nguyễn.

Bà Bà Hồ Thị Bích Linh – Trưởng Ban Kinh tế xã hội thuộc Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, mô hình nuôi trùn quế, làm nông nghiệp tuần hoàn của anh Nguyễn đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài ra, mô hình của anh Nguyễn còn giúp bảo vệ môi trường. Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đưa khoảng 100 cán bộ, hội viên, nông dân tại 3 huyện Đạ Tẻh, Đức Trọng và TP. Đà Lạt đến tham quan, học hỏi cách làm mô hình của anh Nguyễn. Sắp tới, mô hình này sẽ tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tuyên truyền, nhân rộng ra toàn tỉnh Lâm Đồng.

Nguồn: https://danviet.vn/

Tin liên quan:

.