Nông dân Ninh Bình chung tay xử lý rác thải, cùng cộng đồng giảm phát thải khí nhà kính

Ngày 1/11, tại Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Ninh Bình diễn ra Hội thảo khởi động và kết nối dự án: “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, chủ dự án là Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) chủ trì phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững cũng thuộc Trung ương Hội; tài trợ bởi Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái-gọi tắt là Quỹ BRACE (Hồng Kông).

Sự cần thiết chung tay giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Mục tiêu của dự án nhằm góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính nói chung. Dự án còn nhằm truyền thông, vận động nông dân áp dụng các phương pháp chuyển đổi chất thải để nâng cao năng suất, thu nhập của nông dân.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Vũ Thượng

Bên cạnh đó, chuyển đổi chất thải thực phẩm ở thành thị thành nguồn thực phẩm lành mạnh và chất thải trong trang trại thành thức ăn chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường…

Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từng bước giải quyết một cách cơ bản việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi trong trang trại, giảm thải gậy ô nhiễm môi trường, từ đó giảm phát thải khí nhà kính…

Người dân thu gom rơm rạ để xử lý thành phân hữu cơ. Ảnh: NH

Đối tượng thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” gồm người nông dân sản xuất nhỏ, các trang trại chăn nuôi, người thu gom rác thải, các nhà hàng.

Riêng đối với nông dân, giảm thiểu việc đốt rơm rạ, giảm phát khí metan và mang lại lợi ích kinh tế thông qua việc làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, tận dụng thức ăn thừa để nuôi sâu canxi, giun trùn quế, lên men phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ là rất cần thiết.

Đi vào thực tiễn

Thực tế, dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” thực hiện từ năm 2021-2024, đã triển khai tại 15 tỉnh, thành phố.

Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã lựa chọn 9 xã thuộc 3 huyện Yên Khánh, Nho Quan và Gia Viễn tham gia thực hiện dự án. Ảnh: Vũ Thượng

Tại tỉnh Ninh Bình dự án được triển khai ở 3 huyện gồm (Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh) và 9 xã gồm xã Thạch Bình, Quỳnh Lưu, thị trấn Nho Quan, Gia Hòa, Gia Thịnh, Gia Phú, Khánh Công, Khánh Hòa, Yên Ninh.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến-Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Khánh tham luận: “Huyện Yên Khánh gồm 19 cơ sở, 268 chi hội với trên 22.000 hội viên. Trong xây dựng nông thôn mới các cấp, Hội Nông dân huyện Yên Khánh đã khẳng định được vai trò trong hoạt động tham gia bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đồng thời, hội cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai thực hiện nhân rộng.

Ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Ảnh: NH

Đến nay, 19 cơ sở hội đã cắm 86 biển mô hình như: “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”; phối hợp đặt 2.029 thùng đựng vỏ thuốc bảo vệ thực vật; vận động đăng ký xây dựng 135 mô hình vườn mẫu…

Tuy nhiên, việc thực hành phân loại rác tại nguồn, quy trình xử lý rác thiếu đồng bộ…chính điều đó đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường. Hội Nông dân huyện Yên Khánh cũng đề nghị, đề xuất các cấp ủy chính quyền và ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp liên quan đến gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, đến người dân và tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn…

Cũng tại hội thảo, ông Đào Quang Phú-Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Bình (huyện Nho Quan) chia sẻ: “Thạch Bình là xã miền núi của huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), Hội Nông dân xã có 18 chi hội với 1.310 hội viên. Thời gian qua, Hội đã tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến cán bộ, hội viên, nông dân.

Thực hiện các mô hình thử nghiệm kỹ thuật TOT về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường tại 9 xã, thị trấn ở tỉnh Ninh Bình. Ảnh: N H

Tháng 9/2022, Hội Nông dân Thạch Bình được tham gia lớp tập huấn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường trong khuôn khổ dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

Để triển khai các hoạt động của dự án đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, ông Phú cũng có số ý kiến, đề nghị như: Ban quản lý dự án cần xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động dự án theo từng năm, giai đoạn; Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về dự án, quản lý trong chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân cơ sở…

Ông Đinh Hồng Thái-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Quản lý Dự án tỉnh phát biểu tại hội thảo: “Việc được Trung ương Hội lựa chọn tham gia dự án là cơ hội để các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình phát huy vai trò, trách nhiệm trong chung tay bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để triển khai thành công dự án, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã lựa chọn 9 xã thuộc 3 huyện Yên Khánh, Nho Quan và Gia Viễn tham gia thực hiện.

Tôi tin với sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự quyết tâm và cách làm linh hoạt, sáng tạo, sự tham gia có trách nhiệm của các cán bộ, hội viên nông dân, các đơn vị được tham gia lựa chọn sẽ có những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu tại địa phương”.

Nguồn: https://danviet.vn/

Tin liên quan:

.