Canh tác lúa thân thiện với môi trường

Thời gian qua, nông dân nhiều địa phương trên cả nước đã và đang quan tâm triển khai canh tác lúa thân thiện với môi trường. Sản xuất theo phương thức này góp phần giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập, bảo vệ sức khỏe người trồng lúa, tái tạo đất hướng đến nền nông nghiệp sinh thái trong thời gian tới.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tuần hoàn tại xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Từ năm 2020, với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường tại nhiều địa phương. Đến nay, dự án đã đạt được hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, nông dân về canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường được triển khai từ năm 2020 tại 24 địa phương trong cả nước. Mục tiêu là hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa; giúp đỡ nông dân quảng bá sản phẩm theo phương thức này; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: “Hiện nay, biến đổi khí hậu, nhất là yêu cầu giảm khí thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề cấp bách. Vì vậy, dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Sau hơn ba năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc nâng cao nhận thức và năng lực cho hàng triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân, chính quyền địa phương và cộng đồng về canh tác lúa thân thiện với môi trường”.

Nhằm xây dựng tính bền vững của dự án, Ban Quản lý dự án xác định các hoạt động kết nối thị trường đóng vai trò quan trọng và được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Đưa sản phẩm gạo trong dự án tham gia hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế; trưng bày sản phẩm tại các sự kiện lớn của địa phương; kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia dự án…

Nông dân Trần Minh Đoán, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa (Long An) chia sẻ: “Địa phương tôi chủ yếu canh tác ba vụ/năm và thường sử dụng lượng giống cao, bón phân đạm và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Mặt khác, khi canh tác người dân sử dụng nước nhiều và đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, gia đình tôi đang sản xuất 4 ha theo mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường. Sản xuất theo phương pháp này giúp giảm lượng giống, phân bón do sử dụng bảng so mầu lá lúa (nhằm xác định mầu sắc lá lúa để dự đoán tình trạng dinh dưỡng đạm ở cây). Khi thu hoạch, rơm rạ được thu gom (không đốt tại ruộng) sử dụng vào mục đích khác cho nên tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ sau. Qua đánh giá, lúa trong mô hình này đạt năng suất cao hơn, tiết kiệm chi phí từ 5 đến 7 triệu đồng/ha/vụ”.

Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Giám đốc Ban Quản lý dự án Mai Bắc Mỹ cho biết: “Theo thống kê, sản xuất lúa trong dự án đã khẳng định được hiệu quả như: Thay đổi nhận thức và thói quen canh tác của nông dân; áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp nông dân giảm 38,4% phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống”.

Sau thời gian triển khai, đến nay, có hơn 633 nghìn hộ với 2,532 triệu nông dân áp dụng ít nhất một kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, diện tích hơn 314 nghìn ha. Bên cạnh đó, tỷ lệ nông dân không đốt rơm rạ giảm đáng kể, có nơi đạt 80%; đồng thời tất cả nông dân tham gia dự án đã giảm từ 20 đến 80% sử dụng phân đạm hóa học, giúp tiết giảm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập.

Nhân rộng mô hình

Đại diện Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết, những năm gần đây, biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn đã tác động đến đời sống, thâm canh, tăng năng suất, sản lượng cây trồng trên địa bàn. Vì vậy, canh tác lúa thân thiện với môi trường với ba kỹ thuật chính như: Tưới ướt khô xen kẽ, bón phân hợp lý, sử dụng rơm rạ đúng cách phần nào khắc phục được tình trạng này.

Theo đánh giá, mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường triển khai tại tỉnh cho năng suất từ 6,48 đến 7,2 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trung bình mỗi héc-ta đạt hơn 18 triệu đồng, trung bình tăng 5,6 triệu đồng so với ruộng đối chứng.

Còn tại tỉnh Lai Châu, tham gia dự án giúp nông dân giảm 30% lượng đạm so với canh tác truyền thống; nông dân sử dụng rơm rạ để ủ gốc cây, làm thức ăn cho chăn nuôi, nguyên liệu trồng nấm và phân hữu cơ. Từ đó, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Năng suất lúa ở các mô hình điểm đạt từ 7 đến 7,5 tấn/ha/vụ, cao hơn so với gieo cấy truyền thống từ 0,3 đến 0,5 tấn. Thông qua dự án, đến nay tỉnh Quảng Trị có hơn 1.000 hộ tự nguyện tham gia áp dụng ít nhất một kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường, diện tích hơn 700 ha. Thực hiện sản xuất lúa theo hướng này giúp phát triển hệ sinh thái, tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh cho lúa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn cho biết: “Từ thành công của dự án, chúng tôi đã vận động hơn 1,6 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để nhân rộng 50 mô hình với diện tích hơn 200 ha cho 1.200 hộ tham gia. Đồng thời phối hợp doanh nghiệp nhằm liên kết bảo đảm đầu ra sản phẩm cho nông dân”.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mai Bắc Mỹ cho rằng: “Trong quá trình thực hiện, dự án gặp một số khó khăn do thời tiết ở một số địa phương không thuận lợi ảnh hưởng đến triển khai và xây dựng mô hình; sản xuất lúa ở một số địa phương manh mún nên khó nhân rộng; một số nơi người dân chưa mạnh dạn tham gia dự án…”.

Đại diện hội nông dân các địa phương cho rằng, áp dụng canh tác lúa thân thiện môi trường rất phù hợp xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đồng thời mở hướng đi mới cho việc cung cấp các dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn để hướng đến nền nông nghiệp xanh. Phương pháp này vừa giúp nông dân tăng thêm thu nhập, bảo đảm sức khỏe người trồng lúa, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân trong việc áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường; tiếp tục thực hiện sản xuất lúa thân thiện với môi trường với quy mô lớn hơn và nhân rộng mô hình gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm; các địa phương có cơ chế hỗ trợ làm tem nhãn mác lúa thân thiện với môi trường để tạo thương hiệu giúp giá bán gạo cao hơn…

Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đến nay dự án đã tổ chức hơn 390 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho hơn 8.700 lượt hội viên nông dân. Các khóa tập huấn tập trung vào việc cung cấp kiến thức về ba kỹ thuật: Tưới ướt xen kẽ, sử dụng rơm rạ đúng cách và bón phân hợp lý…

Nguồn: Hoàng Hùng – https://nhandan.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.