Lần đầu tiên một khóa học “Ứng dụng khoa học hành vi trong vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường” dành cho cán bộ hội nông dân, khuyến nông được khai giảng trên quê hương Bắc Giang, với 30 học viên đến từ Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, lãnh đạo UBND xã, chủ tịch Hội nông dân các xã tham gia dự án tại huyện Hiệp Hòa và Yên Dũng. Có người hơn 25 năm công tác trong ngành, có cán bộ trẻ vừa mới bước vào nghề, họ cùng nhau “mổ xẻ” những kỹ thuật về canh tác lúa thân thiện với môi trường và ứng dụng khoa học hành vi để công tác “truyền lửa” trở lên dễ dàng hơn. Sự sôi nổi về nội dung thảo luận, cách giải quyết vấn đề của học viên khiến giảng viên lớp học – PGS.TS Hoàng Văn Phụ, giảng viên cao cấp Đại học Thái Nguyên hết sức bất ngờ.
Các học viên thảo luận nhóm nội dung- Sử dụng phân đạm đúng cách
3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường
Quản lý rơm rạ đúng cách là kỹ thuật đầu tiên được nhóm các học viên thuộc hội nông dân chia sẻ: rơm rạ là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho đất đặc biệt là chất hữu cơ làm cho đất có kết cấu tốt, tơi xốp, dễ làm đất, mùn nhiều, tăng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng; tăng hoạt động của vi sinh vật đất, làm cho đất màu mỡ đảm bảo năng suất lúa ổn định. Nhóm đưa ra 3 phương pháp quản lý rơm hữu dụng như dùng rơm tủ gốc cây, trong quá trình sản xuất trồng cây vụ đông theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ như trồng hành, tỏi, ủ gốc cho cây ăn quả…; ứng dụng thông minh mà không cần xới đảo đống rơm và rơm rạ là nguồn nguyên liệu giá thể để trồng nấm. Đồng thời, khuyến cáo các hộ nếu không quản lý rơm rạ đúng cách sẽ lãng phí một nguồn tài nguyên quý; gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sản xuất và cộng đồng, giảm thu nhập của người sản xuất lúa.
Để cho các học viên dễ nhớ, GS.TS Nguyễn Xuân Hồng- Cố vấn cao cấp của Dự án đưa ra thông điệp “Nhất làm phân ủ; Nhì tủ gốc cây; Ba vảy vi sinh”…
Sử dụng hợp lý phân bón và bảng so màu lá lúa, nhóm II muốn truyền tải tới người trồng lúa hãy sử dụng phân bón hữu cơ thay cho một phần phân hóa học. Đồng thời, luân canh cây trồng như trồng đậu tương đông bằng phương pháp không làm đất, trồng khoai tây đông bằng phương pháp làm đất tối thiểu hay trồng rau vụ đông các loại. Bên cạnh đó, xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng việc bổ sung chế phẩm sinh học như phân vi sinh Đa chủng đa chức năng Azotobacterin, chế phẩm Sumitri.
Tưới nước khô xen kẽ trong canh tác lúa thân thiện với môi trường áp dụng theo 4 nguyên tắc: Tưới nước phù hợp với nhu cầu nước ở mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau của cây lúa; tưới nước phải phù hợp với chân đất, loại đất cấy lúa; tưới nước phù hợp với mùa vụ trồng lúa và tưới nước phải tiết kiệm nước và chi phí quản lý nước.
“Cấy phải ướt. Đẻ phải “lộ”. Trỗ phải nước. Gặt phải khô” là thông điệp mà GS.TS Nguyễn Xuân Hồng đúc kết trong phần kỹ thuật tưới nước khô xen kẽ.
Có thể thấy, phương pháp canh tác lúa thân thiện môi trường mà dự án đang truyên truyền là sự kết hợp hài hòa các biện pháp canh tác, sử dụng phân bón, điều tiết nước hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho cây khỏe, tăng cường khả năng chống đổ, chống chịu các đối tượng sâu bệnh hại, giảm cho phí sản xuất, đặc biệt là giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm số lần tưới nước trong vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Việc áp dụng rộng rãi phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường là sự cần thiết trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện nay đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu.
Ứng dụng khoa học hành vi
Tại sao chúng ta cần hiểu suy nghĩ của con người để thay đổi hành vi hiệu quả và đúng cách? Đó là câu hỏi đặt ra cho tất cả 30 học viên suy nghĩ, tìm hiểu ở chủ đề này.
Khoa học hành vi khác với thao túng tâm lý. Chúng ta đang sử dụng hiểu biết về phương thức con người tư duy để giúp cung cấp thông tin và tạo động lực cho con người để đạt kết quả tốt hơn, đem lại lợi ích cho cộng đồng, môi trường và người nông dân.
Có 3 giai đoạn quan trọng trong thử thách thay đổi hành vi đó là được lắng nghe; được thấu hiểu và khích lệ hành động. Trong đó, cách mà bạn có thể tăng khả năng mọi người sẽ lắng nghe thông điệp của bạn là do người truyền thông điệp và biết cách thu hút sự chú ý. Đôi khi người ta lắng nghe không phải là vì thông điệp mà là người đang truyền thông điệp ấy. Để dễ dàng để thu hút sự chú ý của một ai đó cần biết cách cá nhân hóa, gọi mọi người bằng tên riêng, gặp trực tiếp khi có thể và khiến đề xuất của bạn mang tính riêng biệt; tạo sự mới lạ, có thể chia sẻ ảnh chụp mọi người đang thực hiện hoạt động, sử dụng biểu tượng cảm xúc và màu sắc bắt mắt khi liên lạc, thêm chiêm nghiệm cá nhân để thông điệp được nổi bật.
Một khi người khác lắng nghe bạn và hiểu thông điệp của bạn, cần nhắc nhở và tạo động lực để bạn có thể tăng khả năng mọi người sẽ hành động.
Anh Nguyễn Sơn Động- Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa phấn khởi cho biết, “thời gian đến với lớp học rất có ý nghĩa, học viên được học thật, làm thật, được thầy giáo chia sẻ nhiều thông tin hữu ích. Đây là lần đầu tiên được học về khoa học hành vi, một chuyên đề mới mẻ xong đã giúp ích rất nhiều trong quá trình công tác sau này. Chủ đề khoa học hành vi không những giúp cho cán bộ hội nông dân, khuyến nông ứng dụng trong vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường mà còn giúp ứng dụng cho mọi hoạt động, lĩnh vực công tác khác…”.
Ông Lã Văn Đoàn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ, với sự tâm huyết của các giảng viên đã giới thiệu truyền đạt đến các học viên nguồn nhiều kiến thức, kỹ năng, phương pháp rất cần thiết và hữu ích. Qua các nội dung của bài giảng đã giúp cho các học viên lớp tập huấn hiểu được mục tiêu của Dự án, các kỹ thuật chính cần thiết phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2023 và những năm tiếp theo. Với sự thành công của khóa tập huấn Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổ chức EarthCara Foundation và các giảng viên để Dự án triển khai đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân trồng lúa của các xã tham gia Dự án, sau tuyên truyền nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Được biết, Bắc Giang vinh dự là tỉnh duy nhất trong 24 tỉnh tham gia Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường thực hiện Dự án giai đoạn III. Ở giai đoạn III sẽ có 18 xã trên địa bàn tỉnh được chọn trên tổng số 209 xã để hưởng lợi từ Dự án. Cùng đó, Hội Nông dân tỉnh sẽ ký kết chương tình phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện môi trường giai đoạn 2023 – 2025. Sự thành công của Dự án trở thành niềm tự hào của tỉnh Bắc Giang cũng như cả nước.
Một số hình ảnh tại lớp tập huấn:
Các học viên tham gia lớp tập huấn
Khởi động trước giờ học
Nguồn: http://khuyennongbacgiang.vn/