CẦN THƠ Nhờ giảm được nhiều chi phí sản xuất, cải thiện môi trường, lợi nhuận tăng cao nên nông dân rất hồ hởi tham gia mô hình trồng lúa thân thiện với môi trường.
Từ đầu năm 2022, Tổ hợp tác (THT) 2 lúa – 1 màu ở ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) đã bắt đầu ứng dụng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường thuộc Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường”. THT có 37 thành viên chuyên trồng lúa giống trên diện tích khoảng 35ha để cung ứng theo đơn đặt hàng cho Viện Lúa ĐBSCL.
Canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp nông dân tiết kiệm nguồn nước, hạn chế dịch hại, giảm số lần bón phân, từ đó giảm đáng kể chi phí sản xuất. Ảnh: Kim Anh.
Trải qua 4 vụ canh tác, ông Trần Công Danh, Tổ trưởng THT đánh giá, mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường chủ đạo là phương pháp tưới ngập – khô xen kẽ, giúp nông dân tiết kiệm nguồn nước, hạn chế dịch hại, giảm số lần bón phân, từ đó giảm đáng kể chi phí sản xuất. Quan trọng là cây lúa giữ được năng suất, chất lượng.
Vụ đông xuân 2022 – 2023, anh Danh ước tính sản lượng lúa của tổ viên tham gia sản xuất lúa giống theo mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường đạt khoảng 1,2 tấn/công (1.000m2). Với giá lúa cao hơn từ 500 – 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận tổ viên có thể thu được từ 5,8 – 6 triệu đồng/công (tùy loại giống và mật độ canh tác).
Theo anh Danh, ban đầu khi mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường triển khai tại THT, tổ viên còn rất e dè. Những hộ đã tham gia và thành công chính là niềm tin, động lực để các tổ viên khác quyết tâm áp dụng.
“Canh tác lúa thân thiện với môi trường vừa đảm bảo năng suất, khỏi lo đầu ra. Khi làm thực tế, thấy lợi nhuận tốt nên tổ viên mạnh dạn, nối tiếp nhau áp dụng”, anh Danh phấn khởi cho biết.
Ruộng lúa áp dụng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường cho hiệu quả khả quan trong vụ đông xuân 2022 – 2023. Ảnh: Kim Anh.
Theo bà Lê Thị Hoa, Trưởng ban Kinh tế xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân (trực thuộc Hội Nông dân TP Cần Thơ), Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng triển khai. Lợi ích đầu tiên mà Dự án mang lại đó là chuyển biến từ nhận thức thành hành động của nông dân. Bà con quan tâm hơn đến vấn đề sản xuất lúa theo hướng thân thiện với môi trường.
Chủ đạo của Dự án này là các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm lượng nước tưới cho cây lúa thông qua hình thức tưới ngập – khô xen. Từ đó, Dự án hướng đến mục tiêu giảm lượng phân bón hóa học, hạn chế tình trạng đất đai bị bạc màu. Quan trọng hơn là sử dụng và xử lý rơm rạ hiệu quả.
Các tổ viên THT 2 lúa – 1 màu khi tham gia dự án thay vì đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, nguồn rơm rạ sẽ được thu gom, ứng dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Tiêu biểu là cung ứng cho các hộ trồng nấm rơm, rải gốc cây ăn trái hoặc các liếp đất để trồng rau màu. Phần rơm rạ còn lại trên đất sẽ được xử lý bằng men vi sinh để phân hủy, vừa tránh cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ, gốc rạ sau khi được phân hủy sẽ tạo ra lượng hữu cơ trả lại cho đất.
Vụ đông xuân 2022 – 2023 này, ruộng lúa canh tác theo phương pháp thân thiện với môi trường cho năng suất khoảng 1,2 tấn/công. Ảnh: Kim Anh.
Qua theo dõi và đánh giá, hiệu quả áp dụng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Tân Thạnh, bà Hoa cho rằng, vụ đông xuân năm nay, các tổ viên của THT sẽ gia tăng được lợi nhuận so với những nông dân không áp dụng khoảng 8,3 – 8,5%.
Trong năm 2022, Hội Nông dân TP Cần Thơ đã nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường ở xã Thạnh Lợi của huyện Vĩnh Thạnh. Tiếp theo trong năm 2023, Dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng tại một số địa phương của huyện Thới Lai và Cờ Đỏ.