Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đánh giá mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường

(Baonghean.vn) – Vụ xuân năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo triển khai xây dựng 4 mô hình trình diễn canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên.

Ngày 20/5, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị đầu bờ mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên.

Thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” (viết tắt SRI)  do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn  tỉnh Nghệ An, trong thời gian 2 năm (2021-2023); Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở NN&PTNT tiến hành khảo sát và lựa chọn địa bàn triển khai thực hiện dự án tại 4 xã Thanh Khai, Thanh Tiên (Thanh Chương), Long Xá, Xuân Lam (Hưng Nguyên).

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh kiểm tra mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: C.T.V

Trong quá trình triển khai dự án, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của dự án nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về hiệu quả của biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các đợt tập huấn về canh tác lúa thân thiện với môi trường cho 20 hộ nông dân nòng cốt tham gia dự án và 10 hộ nông dân khác trong vùng triển khai dự án; đồng thời hướng dẫn cho các hộ tham gia hội nghị cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Kiểm tra mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Thanh Khai (Thanh Chương). Ảnh: C.T.V

Vụ xuân năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng mô 4 hình trình diễn canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn xã Thanh Khai, Thanh Tiên (Thanh Chương), Long Xá, Xuân Lam (Hưng Nguyên), mỗi xã 1 mô hình, với quy mô: 1.000 m2/mô hình.

Mô hình áp dụng các biện pháp canh tác như: Cấy mạ non, mạ khỏe, cấy thưa, cấy 1 dảnh; hạn chế sử dụng phân vô cơ (cụ thể là giảm phân đạm), bổ sung phân hữu cơ để tạo độ phì nhiêu cho đất; điều tiết nước trên đồng ruộng, rút nước tạo độ thông thoáng cho đất.

Kiểm tra mô hình trồng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Thanh Khai (Thanh Chương). Ảnh: C.T.V

Người dân xã Thanh Khai (Thanh Chương) kiểm tra diện tích lúa trước khi thu hoạch. Ảnh: C.T.V

Sau thời gian triển khai đến nay, qua theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, bước đầu khẳng định: Cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe, chống chịu được sâu bệnh tốt, bông to hơn, số dảnh hữu hiệu đạt từ 9 dảnh/khóm, số hạt chắc trên bông đạt 200 hạt, chiếm 90%, năng suất đạt 3,5 tạ/sào, cao hơn so với ruộng đối chứng là 50 kg/sào.

Chi phí sản xuất giảm: Giống giảm 60% (chỉ sử dụng 1 kg giống/sào), phân bón giảm 3 kg đạm/sào, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thức vật; hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng đối chứng 28%.

Với những hiệu quả mô hình thí điểm từ phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI kỳ vọng được người nông dân nhân rộng đại trà trên diện tích ruộng phù hợp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh lương thực của địa phương.

Nguồn:https://baonghean.vn/

Tin liên quan:

.