Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bạc Liêu

Tình trạng hạn mặn diễn biến ngày càng phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại tỉnh Bạc Liêu đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, trong đó nông dân trồng lúa trực tiếp bị ảnh hưởng do chi phí sản xuất tăng cao, với mục tiêu giúp nông dân tiếp cận với nhiều tiến bộ kỹ thuật, nâng cao kỹ thuật canh tác cũng như có sản phẩm phân bón phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu trong canh tác lúa, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng phân bón chuyên dùng cho lúa nhẳm giúp nông dân ứng phó với những khó khăn do biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, đồng thời tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa.

Mô hình được thực hiện trên vùng đất 2 vụ lúa/năm tại ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022 với quy mô 02 ha/04 hộ tham gia. Các hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ 01 máy đo độ mặn và 35 bộ test đo pH, … tập huấn đầu vụ theo hình thức trực tuyến về các biện pháp kỹ thuật canh tác, giảm giống gieo sạ và bón phân theo nhu cầu cây lúa, với lượng giống gieo sạ 80 kg/ha đối với sạ lan và 50 kg đối với sạ cụm; thực hiện công thức bón phân cân đối NPK, sử dụng phân bón lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng trên lúa theo công thức phân bón của công ty cung cấp phân, đồng thời áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trong quá trình thực hiện, ruộng mô hình sử dụng phân bón chuyên dùng cung cấp đủ lượng Kali cần thiết, trong khi lượng bón của ruộng đối chứng thấp do nông dân quen sử dụng phân NPK phối trộn sẵn, dẫn đến việc ruộng đối chứng có hàm lượng phân lân nguyên chất cao nhưng lại thiếu lượng Kali cần thiết, đồng thời trong phân bón chuyên dùng còn bổ sung thêm các nguyên tố trung lượng CaO và SiO2 giúp cây lúa cứng chắc, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh.

Anh Lê Trọng Nhân phấn khởi bên ruộng lúa mô hình đạt năng suất cao  

Ruộng trong mô hình được gieo sạ với lượng giống 80 kg/ha (sạ lan) và 50 kg (sạ cụm) vẫn đảm bảo đủ số chồi so với mật độ của ruộng ngoài mô hình từ 80 – 100 kg. Đặc biệt, việc sạ cụm với mật độ 50 kg/ha tỏ ra thích hợp khi có thể kết nối bộ phận sạ lúa theo khóm với máy cày lớn, máy xới nhỏ, máy cấy, … là các loại máy móc đang được sử dụng phổ biến trong vùng. Nông dân có thể sử dụng các “cổ máy ghép” này vừa làm đất vừa có thể xuống giống tùy theo nhu cầu.

Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện mô hình, các ruộng lúa đã thu hoạch và đạt được một số kết quả khả quan:

* Về hiệu quả kinh tế.

– Năng suất: Ruộng mô hình năng suất bình quân 8,0 tấn/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng 410 kg/ha. Ruộng mô hình sử dụng phân chuyên dùng cho năng suất cao hơn đối chứng do trong phân bón có hàm lượng NPK cân đối, hàm lượng Canxi và Silic khá cao, kết hợp với việc sạ thưa nên cây lúa cứng cây và có tỉ lệ hạt chắc cao hơn so với sử dụng phân theo đối chứng của nông dân. Qua theo dõi, quan sát và đánh giá cảm quan trên ruộng giai đoạn lúa sắp thu hoạch, ruộng mô hình sử dụng phân chuyên dùng thân lúa cứng, lá lúa vẫn còn màu xanh không xuống màu như ruộng sử dụng phân bón theo tập quán của nông dân.

– Chi phí về giống: Ruộng mô hình có lượng giống gieo sạ ít hơn ngoài mô hình là  20 – 50 kg/ha, giúp tiết kiệm từ 340.000 đồng – 850.000 đồng/ha.

– Tổng thu: Ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng 2.560.000 đồng/ha.

– Lợi nhuận: Ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng 4.123.000 đồng/ha.

* Về hiệu quả xã hội.

– Mô hình giúp nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học từ các nhà khoa học, giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác trong sản xuất lúa. Tạo điều kiện cho nông dân tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng sản phẩm phân bón chuyên dùng mới cho cây lúa, cung cấp lượng phân đúng vào các giai đoạn cần thiết của cây lúa, tránh lãng phí phân đạm và phân lân không cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu.

– Giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ 50 kg đối với sạ cụm và 80 kg đối với sạ lan. Việc giảm lượng giống gieo sạ và sử dụng phân bón chuyên dùng chất lượng cao giúp nông dân giảm chi phí đầu vào mà vẫn đảm bảo năng suất.

Ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong  điều kiện sản xuất khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc sản xuất lúa chất lượng áp dụng quy trình bón phân chuyên dùng, sử dụng phân bón hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả đã góp phần giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các loại cây trồng, vật nuôi khác trên cùng diện tích, bảo vệ được sức khỏe cho người sản xuất. Mô hình này giúp người nông dân dần dần trở thành “chuyên gia” trên chính đồng ruộng của mình để tự ứng phó với các điều kiện sản xuất bất lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập, đồng thời truyền đạt các kiến thức học được và kinh nghiệm tích lũy sau khi thực hiện mô hình cho nông dân khác cùng áp dụng./.

Nguồn: https://snn.baclieu.gov.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.