Ngày 2/11, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức cho gần 50 cán bộ, hội viên nông dân các xã Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Liên và Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) đi tham quan mô hình nuôi sâu canxi (ấu trùng ruồi lính đen).
Ông Nguyễn Kim Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, Phó Ban Quản lý dự án cho hay, dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation xây dựng và triển khai thực hiện trong 4 năm (2021-2024), tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình nuôi sâu canxi tại hộ nông dân Nguyễn Tài. Ảnh: T.N.
Các hội viên nông dân đã được tập huấn các kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi và ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế.
Với mô hình nuôi sâu canxi, các hội viên nông dân được hướng dẫn quy trình chuẩn bị chuồng nuôi, chuẩn bị giống, bổ sung thức ăn, kiểm tra độ ẩm và nhiệt độ, cách thu hoạch.
Ông Nguyễn Tài phấn khởi chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình nuôi sâu canxi tại gia đình. Ảnh: T.N
Ban Quản lý Dự án xử lý rác thải thành phố Đà Nẵng và cán bộ, hội viên nông dân trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm nuôi sâu canxi. Ảnh: T.N.
Tại điểm tham quan mô hình nuôi sâu canxi của hộ nông dân Nguyễn Tài (51 tuổi, trú thôn Bắc An, xã Hòa Tiến), các hội viên nông dân được trực tiếp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng tính hiệu quả của mô hình.
Thức ăn của sâu canxi chủ yếu từ các loại phân gia súc, gia cầm, rau, củ, quả, thức ăn thừa…. Ảnh: T.N.
Ông Tài chia sẻ: “Khi mới thử nghiệm nuôi sâu canxi thì gia đình tôi không ủng hộ, nhưng sau thời gian thì nhận thấy nuôi sâu canxi có hiệu quả cao vì đây là loài sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm.
Thức ăn của chúng chủ yếu từ các loại phân gia súc, gia cầm trong quá trình chăn nuôi của gia đình như: bò, heo, các loại rau, củ, quả, thức ăn thừa…. Đặc biệt, sâu canxi có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong các chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, tạo thành chất mùn giàu dinh dưỡng rất tốt cho cây trồng”.
Sâu canxi có thành phần dinh dưỡng cao giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận. Ảnh: T.N.
Vòng đời của sâu canxi chỉ kéo dài khoảng 45 ngày và chia ra các giai đoạn trứng, ấu trùng, nhộng, ruồi trưởng thành. Đến ngày thứ 30 là thời điểm thu hoạch sâu làm thức ăn cho gà và cá, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 ngày. Đến ngày thứ 45, ấu trùng nở thành ruồi lính đen, chúng giao phối và tiếp tục đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ mới.
Trong toàn bộ quá trình sinh trưởng, ấu trùng là giai đoạn mang lại hiệu quả cao nhất vì có thành phần dinh dưỡng cao gồm protein, chất béo, canxi… đảm bảo dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi cá, gà, vịt, giúp vật nuôi phát triển khỏe mạnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm chi phí thức ăn và nâng cao lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi.
Bên cạnh đó, ông Tài còn tận dụng nguồn phân của sâu canxi để làm thức ăn nuôi trùn quế và trồng rau, cây kiểng trong gia đình, góp phần bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Bà Ngô Thị Thu Vân (ngoài cùng bên trái) – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng, giảng viên dự án cùng các hội viên nông dân thảo luận kỹ thuật nuôi sâu canxi. Ảnh: T.N.
Nhận xét kết quả thực hiện mô hình nuôi sâu canxi tại hộ ông Nguyễn Tài, bà Ngô Thị Thu Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng, giảng viên dự án cho biết: “Ông Tài nuôi sâu canxi với mật độ khá dày, lượng thức ăn chưa cân đối nên chất lượng sâu chưa đạt tiêu chuẩn.
Liều lượng thức ăn cho sâu canxi tốt nhất là 3 lần/ngày. Tùy theo mật độ sâu canxi trong máng mà người nuôi cho lượng thức ăn vừa phải. Bởi sâu canxi vốn rất phàm ăn, nếu cho ăn quá nhiều cũng không tốt cho quá trình sinh trưởng của nó. Sau khoảng 15 ngày thì sâu canxi bắt đầu hóa đen thì ngưng thức ăn lại, lúc này chúng sẽ tự cày xới thức ăn dư thừa còn lại cho đến khi chúng ta thu hoạch kén”.
Ông Lê Văn Kỷ (65 tuổi, nông dân xã Hòa Khương) hào hứng nói: “Sau khi tham gia các lớp tập huấn của Hội Nông dân thành phố, tôi đã tận dụng một phần chuồng trại trống để giăng lưới nuôi sâu canxi. Để ấp trứng ruồi lính đen, tôi trộn cám, nước, bã đậu và rải lớp hỗn hợp này vào khay ủ. Sau đó, rải trứng ruồi lính đen lên hỗn hợp và sử dụng lưới mùng đậy khay ủ lại. Đặc biệt, khay ủ trứng phải đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp.
Ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tặng quà lưu niệm cho hộ nông dân Nguyễn Tài. Ảnh: T.N.
Loài sinh vật này gần như ăn cả thế giới, từ chất thải của động vật đến các phế phẩm rau xanh, nhất là phân heo. Vì vậy, nuôi sâu canxi không chỉ bổ sung nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho vật nuôi mà còn là giải pháp giúp xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường”.
Qua buổi tham quan mô hình, mỗi cán bộ, hội viên nông dân thành phố Đà Nẵng sẽ phát huy vai trò là một kênh tuyên truyền tích cực để bà con, hội viên nông dân học hỏi, nhân rộng mô hình, góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Đặc biệt là giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn phân chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa qua xử lý, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người.
Nguồn: https://danviet.vn/