Ngày 15/5/2023, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết Dự án “Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường” tại tỉnh Quảng Bình. Tham dự, chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, các đồng chí trong Ban Quản lý Dự án, Đại diện các ban, Văn phòng, Trung tâm Hội Nông dân tỉnh; Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã; đại diện Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Xuân Ninh; đại điện Hội Nông dân xã Xuân Ninh, xã Lộc Thủy; các hộ thực hiện mô hình đối ứng tại 02 xã thực hiện dự án.
Ảnh: Phát biểu chỉ đạo hội nghị của Đ/c Nguyễn Nam Long
Theo đó, thực hiện Hợp đồng trách nhiệm số 19-HĐ/BQLDAL ngày 01/7/2021 giữa Ban Quản lý Dự án Lúa – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình về việc triển khai các hoạt động của Dự án tuyên truyền, vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường (Dự án lúa) tại tỉnh Quảng Bình do Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (BRACE) tài trợ và các văn bản chỉ đạo của Ban Quản lý Dự án Lúa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh, BQL Dự án lúa tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện Dự án đạt được kết quả tích cực.
Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường” được triển khai thực hiện thí điểm trong 2 năm 3 vụ, từ vụ Đông – Xuân 2021 – 2022 đến vụ Đông-Xuân 2022 – 2023 (từ tháng 07/2021 đến tháng 5/2023) tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh có 20 hộ tham gia với diện tích 03ha và xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ có 20 hộ tham gia với diện tích 05ha. Các mô hình thí điểm tập trung 3 nội dung kỹ thuật: giảm lượng phân bón hoá học; tưới ướt khô xen kẽ và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Ảnh: Đại biểu tham quan mô hình
Ban Quản lý Dự án lúa đã tổ chức tập huấn cho 40 nông dân nồng cốt tham gia Dự án về tổng quan canh tác lúa thân thiện với môi trường, bao gồm: kỹ thuật quản lý dinh dưỡng cho cây trồng; hướng dẫn kỹ thuật ngâm ủ hạt giống; hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo mạ; hướng dẫn bón lót phân, chia luống; tổ chức Hội thảo đầu bờ cho nông dân nòng cốt về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường; tổ chức tập huấn xử lý rơm rạ hợp lý và hướng dẫn kỹ thuật ủ rơm tại đồng ruộng; phương pháp tưới ướt khô xen kẻ… và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho cán bộ và các hội viên nông dân tham gia Dự án lúa.
Ảnh cán bộ chuyên gia Dự án báo cáo kết quả thực hiện
Đến nay, qua ba vụ lúa Đông – Xuân 2021 – 2022, Hè – Thu 2022 và vụ Đông- Xuân 2022-2023, qua theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu, có thể khẳng định: Mô hình thực hiện Dự án, giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng bón phân đạm từ 20% đến 25%, giảm lượng nước tưới, làm quen với việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơn rạ sau thu hoạch làm tăng độ màu mỡ của đất, giúp phát triển tốt bộ rễ, tránh đổ ngã ở giai đoạn sau, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế chồi vô hiệu; hạn chế lá ủ ở giai đoạn sau, cây lúa được thông thoáng, ít bị sâu bệnh gây hại, làm tăng hạt chắc/bông trên 15% góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ảnh: Báo cáo kết quả thực hiện Dự án của HND xã Xuân Ninh
Các ruộng thực hiện thí điểm mô hình cho kết quả, cụ thể: Mô hình tại xã Lộc Thủy có năng suất lúa bình quân (2 vụ) 73 tạ/ha và 86 tạ/ha cao hơn ruộng lúa sản xuất đối chứng gần 2 tạ/ha, tăng lợi nhuận thuần từ 860.000 đồng đến 1.600.000 đồng, tăng hiệu quả kinh tế từ 2-3,2%. Mô hình tại xã Xuân Ninh có năng suất lúa bình quân (3 vụ) 60 tạ/ha, 64ta/ha và 66 tạ/ha cao hơn ruộng lúa sản xuất đối chứng trên 2 tạ/ha, tăng lợi nhuận thuần từ 1.400.000 đồng đến 2.020.000 đồng, tăng hiệu quả kinh tế từ 3,7- 5,7%.
Việc triển khai mô hình áp dụng phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường đạt được kết quả tích cực đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương pháp canh tác của hội viên, nông dân về sản xuất lúa an toàn, thích nghi với biến đổi khí hậu. Qua đó góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính nhằm bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, theo hướng bền vững.
Với việc thực hiện có hiệu quả Dự án, thời gian tới Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan nhân rộng mô hình tuyên truyền, vận động nông dân hướng tới sản xuất lúa thân thiện với môi trường nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi nhuận sau canh tác, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Xuân Khoa
Nguồn: https://hnd.quangbinh.gov.vn/