Trồng lúa thân thiện với môi trường- chi phí phân bón giảm, năng suất lúa tăng, nông dân phấn khởi ra mặt

Sáng ngày 17/4, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả triển khai dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”.

Hơn 7.000 nông dân tham gia trồng lúa thân thiện với môi trường

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ – Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế T.Ư Hội NDVN, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết: Để góp phần giúp nông dân phát triển ngành lúa gạo theo hướng nông nghiệp sinh thái và thân thiện với môi trường, cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế T.Ư Hội NDVN đã phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng Dự án tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam. 

Dự án có thời gian thực hiện 40 tháng (tháng 3/2020-tháng7/2023); được triển khai tại 24 tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Ông Mai Bắc Mỹ – Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế T.Ư Hội NDVN, Giám đốc Ban Quản lý Dự án và đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: T.H

“Mục đích của Hội thảo lần này đánh giá kết quả thực hiện dự án từ khi bắt đầu triển khai cho tới nay; chia sẻ, thảo luận để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tác động của dự án. Chính vì thế, Ban Tổ chức rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến phát biểu của các cán bộ Hội, hội viên nông dân, các chuyên gia nông nghiệp” – ông Mai Bắc Mỹ nói.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đã khái quát kết quả thực hiện dự án trong thời gian qua.

Cụ thể, từ tháng 3/2020 – 3/2022, Ban Quản lý Dự án SRI đã tổ chức 6 khóa tập huấn đào tạo giảng viên nguồn cho 124 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông; tổ chức 154 lớp tập huấn cho 2.800 lượt hội viên nông dân về các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường. 

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án đã tổ chức 106 sự kiện truyền thông, hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về canh tác lúa thân thiện với môi trường với sự tham gia của hơn 5.000 đại biểu. Đặc biệt, xây dựng được mạng lưới cán bộ kỹ thuật hỗ trợ hơn 2.000 hộ trên diện tích hơn 860ha về canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. Ảnh: T.H

“Một trong 4 điểm mới của dự án đã làm được đó là, các can thiệp của dự án được thiết kế trên cơ sở kết quả nghiên cứu hành vi của bà con nông dân. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả dự án, Ban Quản lý đã tổ chức tập huấn 1 kỹ thuật mỗi vụ thay vì tập huấn tất cả các kỹ thuật trong 1 khóa; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai nhiều hoạt động, đảm bảo hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân” – bà Hà thông tin.

Sau 2 năm triển khai, đến nay dự án đã thu hút hơn 2.300 hộ nông dân với hơn 7.000 nông dân chuyển từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích 1.000ha.

100% nông dân được đào tạo về bón phân đã cắt giảm từ 20 -100% phân đạm hóa học, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập.

Chi phí phân bón giảm, năng suất lúa tăng

Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu thảo luận của cán bộ Hội Nông dân các tỉnh, thành; các chuyên gia nông nghiệp đều đánh giá cao những kết quả tích cực mà dự án đã mang lại.

Ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang triển khai thí điểm diện tích 8,7ha với sự tam gia của 122 hộ nông dân ở 4 xã trên địa bàn huyện Lạng Giang, Yên Dũng. Bắc Giang triển khai cả 6 nội dung kỹ thuật: cấy mạ non; cấy thưa, ít dảnh, nông tay; làm cỏ sục bùn; quản lý nước; tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học; kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.

Ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Ảnh: T.H

“Qua thực tế triển khai, với mô hình trồng lúa cải tiến, nông dân giảm được chi phí đầu vào. Cụ thể: giảm lượng giống, giảm được lượng phân hóa học 20-30%; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, tăng năng suất lúa từ 7-8 tạ/ha; tăng hiệu quả kinh tế 8- 9 triệu đồng/ha. Nông dân Bắc Giang rất phấn khởi. Đây là nền tảng cơ bản nhất để Hội Nông dân Bắc Giang triển khai nhân rộng mô hình”- ông Thi nhấn mạnh.

“Vụ xuân năm 2022, Hội Nông dân Bắc Giang triển khai mô hình với 34,2 ha với 292 hộ tham gia. Dự kiến vụ mùa 2022, Hội triển khai tại 2 xã Xuân Cẩm, Lương Phong (Hiệp Hòa) với tổng diện tích 40ha. Đáng chú ý, từ những hiệu quả tích cực mang lại, huyện Hiệp Hòa chủ trương hỗ trợ thêm kinh phí cho địa phương thực hiện trên địa bàn cả thôn gần 200ha” – ông Thi thông tin thêm.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết: Tại Bình Thuận đã tổ chức triển khai mô hình ở các HTX và chọn những hộ thành viên tiêu biểu của HTX tham gia. Khi thực hiện thành công, HTX có tư cách pháp nhân sẽ dễ dàng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo. Ảnh: T.H

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận tỉnh Bình Thuận đề nghị thời gian tới, song song với hoạt động tuyên truyền, cầm tay chỉ việc hướng dẫn nông dân trồng lúa thân thiện với môi trường cần hỗ làm bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa thân thiện cho nông dân.

Tại hội nghị, ý kiến của lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, Quảng Nam, Lai Châu, các chuyên gia nông nghiệp… đều cho rằng, cần đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm lúa thân thiện với môi trường để nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa, từ đó nhân rộng mô hình và tạo dấu ấn cho dự án.

Nguồn:https://danviet.vn

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.