(TN&MT) – Ngành chăn nuôi hiện phát thải hơn 95 triệu tấn chất thải mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường tại nhiều địa phương. Để vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa hạn chế tác động tới môi trường, nhiều giải pháp đã cho thấy hiệu quả thực tiễn như áp dụng công nghệ xử lý thu hồi năng lượng, các mô hình phân bón hữu cơ, trang trại tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính…
Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo và Triển lãm bên lề “Diễn đàn thực hành môi trường tốt nhất sẵn có cho các trang trại chăn nuôi hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn” diễn ra ngày 1/11. Hội thảo nhằm tăng cường đối thoại chính sách và công nghệ trong quản lý môi trường ngành chăn nuôi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch năng lượng.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội thảo
Chăn nuôi hiện đóng góp tới 25,26% GDP của toàn ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất, kể cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Đến nay, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng và đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Do vậy, đã từ lâu, ngành chăn nuôi được xác định là một ngành chủ lực, cần phải chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ngành chăn nuôi cũng đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo vệ môi trường và phát thải khí nhà kính. Ước tính trung bình mỗi năm, các loại vật nuôi chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) phát thải 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m³ nước thải. Nếu không được kiểm soát tốt, đây sẽ là nguồn phát thải hơn 15 triệu tấn CO2 tương đương hàng năm.
Ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Australia phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ về định hướng phát triển xanh trong ngành chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Sau cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tất cả các Bộ, ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT đã triển khai chương trình, kế hoạch rất đồng bộ.
Đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ bao gồm Luật Chăn nuôi và các nghị định, các thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án trọng tâm của Chiến lược. Đề án đòi hỏi các địa phương tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển chăn nuôi phát triển hiệu quả, bao gồm vận hành tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Các chuyên gia thảo luận về thuận lợi và khó khăn trong áp dụng các giải pháp chăn nuôi theo hướng tuần hoàn
Về mục tiêu trên, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT nhấn mạnh, chuyển đổi xanh đang là xu hướng không thể đảo ngược hiện nay trên toàn thế giới. Trong xu thế hiện nay, các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, trách nhiệm minh bạch và bền vững được coi là những giải pháp then chốt, góp phẩn thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này càng quan trọng đối với ngành chăn nuôi, vốn là một trong những nguồn gây ra phát thải khí nhà kính lớn.
Chia sẻ về các thực hành tốt do phía Australia triển khai tại Việt Nam, ông Mark Tattersall, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Australia cho biết, trong khuôn khổ Nền tảng Đối tác doanh nghiệp (BPP), Chính phủ Úc cùng với các đối tác đã khuyến khích các giải pháp ở quy mô trang trại về chuyển đổi khí biogas thành điện, tiết kiệm chi phí điện năng, cải thiện chất lượng môi trường cũng như hướng tới nên nông nghiệp tuần hoàn. Đây là một trong những nỗ lực của hai nước triển khai cam kết cắt giảm phát thải khí metan toàn cầu với mục tiêu giảm ít nhất 30% đến năm 2030 so với mức năm 2020.
Triển lãm trưng bày, giới thiệu các sáng kiến về chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, giảm phát thải, thu hồi năng lượng
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại diện từ Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Sở TN&MT cũng đã trình bày và thảo luận cùng các đại biểu về thực trạng chính sách, pháp luật về: Quản lý môi trường chăn nuôi quy mô trang trại cũng như định hướng và quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính; Các vướng mắc, bất cập trong triển khai các quy định tại phương và các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại cũng đã được trao đổi; Các giải pháp công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, khí biogas; Kinh nghiệm về các mô hình phân bón hữu cơ và mô hình trang trại tuần hoàn.
Đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã đối thoại, nhằm triển khai quyết liệt mục tiêu quản lý hiệu quả môi trường ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng ở quy mô trang trại theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.
Song song với hội thảo, 14 doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã tham gia triển lãm trưng bày, giới thiệu các sáng kiến về dịch vụ máy phát điện biogas, thiết bị và các sản phẩm xử lý nước thải, chất thải, phân bón hữu cơ và cung cấp giải pháp năng lượng tái tạo.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/