Thách thức về giảm phát thải trong sản xuất lúa

Trong triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa đang được các địa phương quan tâm và nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, đây là hướng đi mới với nhiều thách thức đang đặt ra trên các khía cạnh như: đổi mới tư duy sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ và huy động vốn đầu tư…

Nông dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ thu hoạch lúa. (Ảnh THANH VŨ)

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020; trong đó, khoảng 48% lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí metan phát ra từ lúa gạo.

Xanh hóa sản xuất lúa

Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam bao gồm: thâm canh nông nghiệp không bền vững; tỷ lệ bón phân và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao; quản lý không đúng cách các tàn dư lúa như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp…

Do đó, muốn giảm khí thải trong trồng lúa thì cần giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn này. Thực tế, tại Việt Nam, các chương trình sản xuất tiên tiến đã từng bước được áp dụng trong thời gian qua nhằm xanh hóa việc trồng lúa.

Cụ thể như hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), là phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới. Những kỹ thuật tác động bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ.

Bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc cho biết: Từ năm 2016 đến 2020 có 17 tỉnh triển khai thực hiện 1.192 mô hình SRI với sự tham gia của hơn 4 triệu lượt hộ nông dân, diện tích áp dụng mỗi năm khoảng 300.000ha.

Hiệu quả ứng dụng SRI ở Việt Nam cho thấy, lượng giống giảm 70-90%; giảm sử dụng thuốc hóa học 70-100%; tiết kiệm nước tưới; giảm sâu bệnh hại; tăng khả năng chống đổ của cây lúa; tăng năng suất lúa; giá thành sản xuất giảm trung bình 342 đồng đến 520 đồng/kg lúa…

Cụ thể, tại tỉnh Bắc Kạn, tùy từng giống, chân ruộng và mức độ áp dụng (toàn phần hay từng phần) mà năng suất lúa trung bình tăng từ 10-20%, tương đương tăng từ 3,2 triệu đến 5,8 triệu đồng/ha/vụ.

Theo tính toán, nếu 100% diện tích lúa thuần của tỉnh áp dụng SRI thì chỉ tính riêng lượng tiền tiết kiệm từ việc tiết kiệm thóc giống và năng suất tăng thì mỗi năm đã đạt con số 18,2 tỷ đồng. Ngoài ra, việc tiết kiệm nước và tăng sử dụng phân hữu cơ còn tác động trực tiếp đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến sản xuất lúa phát thải thấp một cách toàn diện.

Không chỉ các địa phương, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu lúa gạo cũng đang đẩy mạnh tiến trình trồng lúa và chế biến gạo có chứng nhận phát thải thấp.

Với mục tiêu “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (Drone) để giảm lượng nước sử dụng khi phun, xịt, tưới tiêu; sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển bộ sản phẩm bảo vệ mùa vụ cân bằng ba yếu tố hữu cơ-sinh học-hóa học, hướng đến giảm 1 triệu lít hóa chất đổ xuống đồng ruộng Việt Nam mỗi năm; sản xuất theo tiêu chuẩn SRP (tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững); triển khai kế hoạch hợp tác tín chỉ các-bon trong tương lai.

Kết hợp các giải pháp

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) năm 2021 tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Việt Nam đã đưa ra cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Mới đây, tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch-trách nhiệm-bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực quốc gia và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa vào thời điểm này càng trở nên cần thiết.

Theo ông Trần Minh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, muốn phát triển vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thì cần ưu tiên phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như: tạo các giống mới đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, có giá trị dinh dưỡng cao, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng phổ biến các quy trình sản xuất tốt tích hợp với công nghệ cao, công nghệ số; lựa chọn, xác lập các mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa; phát triển ứng dụng hệ thống quản lý minh bạch bằng block chain cho chuỗi giá trị lúa gạo; phát triển và ứng dụng công nghệ sử dụng, tái chế phụ phẩm lúa gạo (rơm rạ, trấu) và chế biến sâu từ nguyên liệu cám, gạo.

Ngoài vấn đề công nghệ thì cần hợp tác với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để được hỗ trợ về tài chính, chính sách và kỹ thuật cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường tín chỉ các-bon trong vùng lúa chuyên canh liên kết.

Sự hợp tác đầu tư này là cần thiết vì chi phí cho chuyển đổi trồng lúa phát thải thấp là khá cao. Điển hình cho sự hợp tác này là Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (VnSAT) được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), triển khai từ năm 2015 đến 2022. Dự án đã hỗ trợ hơn 240.000 nông dân trồng lúa áp dụng phương pháp tưới “ướt khô xen kẽ” và “1 phải 5 giảm” với diện tích khoảng 163.418 ha.

Theo đó, đã giảm được mức đầu vào trong trồng lúa như: giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nước; giảm thất thoát sau thu hoạch từ 20-30%; tăng năng suất lúa 3-4%; tăng giá bán 5-10% và thúc đẩy lợi nhuận ròng tăng 28%, chủ yếu nhờ vào việc giảm chi phí sản xuất. Dự án đã giúp giảm phát thải gần 1,5 triệu tấn khí nhà kính.

Dự kiến, khi Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long được phát triển trên diện rộng thì diện tích trồng lúa phát thải thấp cũng được nhân lên, với mục tiêu ngoài bán gạo chất lượng cao, Việt Nam có thể bán tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon toàn cầu.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ cần đầu tư 515 USD/ha để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải đối với kịch bản tầm trung và lên tới khoảng 3.890 USD/ha đối với kịch bản tầm cao vào năm 2030.

Mặc dù chi phí cao đáng kể, nhưng lợi ích ròng về lâu dài là tích cực. Điều này có được từ nhiều lợi ích khác nhau, bao gồm giá trị giảm phát thải khí nhà kính, lượng nước tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm không khí, nước…

Ngoài ra, nhiều khoản tiết kiệm khác cũng đạt được từ việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Hơn nữa, thúc đẩy trồng lúa các-bon thấp bền vững còn có tiềm năng cải thiện an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng hạt gạo thông qua giảm dư lượng hóa chất và giảm ô nhiễm nước. Xét về mặt giá trị, có thể những khoản tiết kiệm này sẽ vượt xa chi phí đầu tư ước tính.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.