Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa mở các lớp tập huấn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường

Nhằm triển khai thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, từ ngày 06/3 – 14/4/2023, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức 24 lớp tập huấn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường cho 666 hội viên, nông dân  trên địa bàn các huyện Diên Khánh, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Quang cảnh lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh

Tại các lớp tập huấn, giảng viên nguồn TOT của tỉnh, huyện và xã trực tiếp truyền đạt kết hợp thực hành theo hình thức “cầm tay chỉ việc” giúp nông dân hiểu và nắm vững cách thức thực hiện các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, gồm: Kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Đồng thời, hội viên, nông dân tại các địa phương đã tích cực trao đổi, thảo luận làm rõ thực trạng xử lý rác thải, các chất thải nông nghiệp hiện nay và những tác động, ảnh hưởng tới môi trường, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thực hành ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng

Đối với các loại phụ phẩm sẵn có tại địa phương (rơm rạ, thân lá cây bắp, cỏ voi…) nông dân áp dụng kỹ thuật lên men để tạo thành thức ăn có chất lượng cho đàn vật nuôi (có thể dự trữ đến 6 tháng), giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường bằng cách giảm phát thải khí metan từ dạ cỏ gia súc, loại khí gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Kỹ thuật đệm lót sinh học dày là một trong những phương pháp xử lý chất thải tốt nhất đối với chất thải nông nghiệp, giúp giảm công dọn dẹp và làm phân ủ, chuồng trại không còn mùi hôi, tạo ra phân ủ tốt cho cây trồng, đàn gà khỏe mạnh, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân; đệm lót sinh học dày cho phép gà thể hiện tập tính tự nhiên trong bới và tìm kiếm thức ăn để biến phụ phẩm cây trồng thành phân hữu cơ có giá trị. Kỹ thuật ủ phân hữu cơ giúp xử lý rơm rạ trong thời gian ngắn giữa thời kỳ thu hoạch và vụ kế tiếp, giảm công vận chuyển rơm hoặc các phụ phẩm cây trồng khác, giảm việc sử dụng phân bón hóa học, đất trở nên màu mỡ, cây lúa đẻ nhánh tốt hơn, năng suất cao hơn, do đó giảm chi phí sản xuất, đặc biệt giúp hạn chế tình trạng đốt rơm rạ hiện nay.

Thực hành làm mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày

Thực hành lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi

Thông qua lớp tập huấn, các học viên sẽ là những tuyên truyền viên nòng cốt nhằm cung cấp cho người dân về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón cho cây trồng, để giảm tải lượng rác thải hàng ngày, từ đó giúp người dân thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường, giúp nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững và an toàn. Đây đều là các kỹ thuật đơn giản, dễ làm, dễ áp dụng và nhân rộng; chi phí thấp, thân thiện với môi trường. Sau lớp tập huấn, các học viên cam kết sẽ áp dụng từng kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất tại hộ gia đình dưới sự hướng dẫn của Hội Nông dân các cấp.

Uyên Nguyễn

Nguồn: https://hoinongdankhanhhoa.org.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.