Nuôi gà trên đệm lót sinh học dày đã giải quyết triệt để các vấn đề mà người chăn nuôi ở (xã Xuân Hồng, huyện Nam Đàn, Nghệ An) thường xuyên phải đối mặt. Đàn gà sống trên đệm lót sinh học dày, lớn nhanh, khỏe mạnh, đẻ trứng sòn sòn, người dân xã Xuân Hồng phấn chấn.
Đệm lót sinh học dày chứng minh ngay hiệu quả khi nông dân “đối chứng”
Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp và nuôi sâu can xi được triển khai ở Xuân Hồng (xã Xuân Lâm cũ), huyện Nam Đàn, Nghệ An.

Bà Bùi Thị Thủy ở xã Nam Hồng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót sinh học dày để nuôi gà. Ảnh: N.T
Gia đình ông Bùi Đình Thích (SN 1970, trú tại xã Xuân Hồng) là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình.
Ông Thích được tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu can xi, ủ phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhận thấy, những kỹ thuật này rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình mình ông Thích đã áp dụng ngay vào thực tế.
Để kiểm chứng hiệu quả của đệm lót sinh học dày, ông Thích “đối chứng” ngay tại chuồng gà của gia đình mình.
Ông chia đôi diện tích chuồng nuôi, một bên áp dụng đệm lót sinh học dày, một bên nuôi theo hình thức truyền thống. Sau lứa gà đầu tiên, đệm lót sinh học dày đã chứng minh ngay hiệu quả trên thực tế.
“Đàn gà được nuôi trên đệm lót sinh học dày rất khỏe mạnh, lớn nhanh, chất lượng thịt cao hơn. Trong khi đàn gà nuôi theo cách truyền thống thường mắc các bệnh như tụ huyết trùng, bệnh về đường hô hấp, mắt phồng to… tỷ lệ chết cao hơn”, bà Bùi Thị Thủy (SN 1972, vợ ông Thích) chia sẻ.
Là nông hộ nhỏ, nuôi gà trong khu dân cư nên vấn đề nan giải nhất đó là vệ sinh môi trường. Trước đây, mùi hôi thối từ chất thải của đàn gà khiến hàng xóm phàn nàn. Các thành viên trong gia đình cũng ngại ra khu vực chuồng trại vì mùi hôi thối. Với giải pháp đệm lót sinh học dày đã giải quyết hoàn toàn vấn đề nhức nhối này.

Gà được nuôi trên đệm lót sinh học dày nên khỏe mạnh, lớn nhanh, chất lượng thịt tốt. Ảnh: N.T
“Chuồng trại được trải đệm lót sinh học dày, các chất thải từ đàn gà có thể phân hủy, không gây mùi thối. Từ đó, hàng xóm không còn phàn nàn, ai cũng vui vẻ.
Đệm lót sinh học sau khi phân hủy có thể làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Mình làm đệm lót sinh học một lần mà thu về nhiều lợi ích”, bà Thủy cho biết thêm.Người dân có thể tận dụng một số loại phế, phụ phẩm trong quá trình sản xuất như rơm, rạ, vỏ trấu… để làm đệm lót sinh học dày.
Chi phí làm đệm lót sinh học dày thấp, hiệu quả cao nên nhiều người đã đến gia đình bà Thủy để học tập. Đến nay, đa số các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Xuân Hồng đã áp dụng mô hình này vào thực tế.
Bên cạnh đó, gia đình bà Thủy còn nuôi thêm sâu can xi tạo thành nguồn thức ăn bổ dưỡng cho đàn gà. Đàn sâu can xi như một cỗ máy xử lý các loại chất thải của động vật, phế phẩm rau xanh.
“Cỗ máy” này giúp gia đình bà Thủy giải quyết nốt bài toán còn lại trong quá trình chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đệm lót sinh học dày là giải pháp giải quyết triệt để các vấn đề mà người chăn nuôi gà ở xã Xuân Hồng, huyện Nam Đàn, Nghệ An thường xuyên phải đối mặt. Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường khi các nông hộ nhỏ chăn nuôi gần khu dân cư. Ảnh: N.T
Được bổ sung thêm sâu can xi vào “thực đơn” nên đàn gà của gia đình bà Thủy lớn nhanh, khỏe mạnh, chất lượng thịt cao, đẻ trứng sòn sòn.
“Mỗi lứa, gia đình tôi nuôi từ 80 đến 100 con gà. Bên cạnh đó nuôi thêm gà để lấy trứng. Từ ngày nuôi sâu can xi, làm đệm lót sinh học dày, hiệu quả kinh tế từ đàn gà tăng cao. Đối với gà thương phẩm, tôi thường bán cao hơn giá của thị trường nhưng lúc nào cũng có người đặt hàng từ trước. Đối với đàn gà đẻ tỷ lệ trứng cũng cao hơn trước rất nhiều”, bà Thủy chia sẻ.
Hiệu quả kép, lợi ích nhân đôi nhờ sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp
Bên cạnh việc ứng dụng đệm lót sinh học dày, nuôi sâu can xi trong quá trình chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp cũng được nhân dân trên địa bàn xã Xuân Hồng hưởng ứng cao.
Tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, người dân có thể ủ phân ngay tại chân ruộng. Phân hữu cơ vi sinh rất tốt cho quá trình canh tác, giúp đất tơi xốp, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Nga (trú tại xã Xuân Hồng) chia sẻ: “Trước đây, sau khi canh tác, phế phụ phẩm nông nghiệp trở thành rác thải. Nay, chúng tôi có thể dùng những loại rác thải này để ủ thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Từ ngày sử dụng phân hữu cơ vi sinh đất tơi xốp, cây trồng cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó còn giảm được chi phí trong quá trình sản xuất”.

Mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại xã Nam Hồng, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, nâng cao sản lượng cây trồng, giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.T
Quá trình triển khai trên thực tế, sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp đã chứng minh hiệu quả kép, nhân đôi lợi ích cho người dân. Cây trồng tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Rác thải từ nông nghiệp không còn, ruộng đồng xanh sạch đẹp.
Việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp trở thành thói quen của người dân. Rác thải trong nông nghiệp trở thành nguyên liệu nên gia đình nào cũng thu gom để sản xuất phân hữu cơ.
Bà Trịnh Thị Thúy – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hồng, huyện Nam Đàn, Nghệ An cho biết: Thực tế cho thấy mô hình nuôi sâu can xi, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày chi phí thấp, rất phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đặc biệt, tại xã Xuân Hồng nơi có nhiều nông hộ nhỏ, đàn gia cầm được nuôi gần khu dân cư. Đệm lót sinh học dày trở thành một giải pháp hữu hiệu giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó, mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp cũng đang được triển khai rất hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Xuân Hồng sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình trên địa bàn, xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, đẹp, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày đang được nhân rộng ở xã Xuân Hồng (xã Xuân Lâm cũ), huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: N.T
Tại huyện Nam Đàn, các giảng giảng viên của chương trình về trực tiếp tại địa phương hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu can xi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Đây là những hoạt động chính trong dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được triển khai tại tỉnh Nghệ An từ năm 2022 đến 2024 trên địa bàn huyện Đô Lương, Nam Đàn và thị xã Thái Hòa, Nghệ An.
Sau 3 năm thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án thuộc Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức được 42 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 1.320 hội viên nông dân; thành lập được 11 nhóm gìn giữ tương lai xanh với 550 thành viên tham gia; xây dựng và nhân rộng hơn 10.065 mô hình áp dụng kỹ thuật xử lý rác thải, góp phần lan tỏa ngày càng mạnh mẽ hơn phong trào “Cùng nhau xử lý rác thải hiệu quả hôm nay vì phồn vinh của cộng đồng ngày mai” tại địa phương. Xây dựng được 670 mô hình xử lý rác thải tại địa bàn các xã tham gia dự án (gồm: 110 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; 150 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; 110 mô hình ủ phân tại ruộng; 150 mô hình nuôi sâu canxi và 110 mô hình nuôi giun trùn quế).
Nguồn: https://danviet.vn/