Rủ nhau nuôi loài sâu này, nông dân Bến Tre có thu nhập tốt, làm sạch môi trường

Nhiều nông dân tỉnh Bến Tre đã áp dụng cách làm mới trong xử lý rác thải hữu cơ để nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế … Từ hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân tỉnh Bến Tre đã rủ nhau thành lập các tổ hợp tác nuôi sâu canxi, giúp tăng thêm thu nhập và bảo vệ môi trường.

Lợi ích từ mô hình nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” đã và đang nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Khu nuôi ruồi lính đen bố mẹ, thu hoạch trứng ruồi lính đen được ông Phạm Văn An – Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi ruồi lính đen xã Phú Lễ, huyện Ba Tri giăng lưới quây kín. Ảnh: Đăng Khoa.

Hội Nông dân xã Phú Lễ, huyện Ba Tri là 1 trong những địa phương tiên phong thực hiện thí điểm dự án này tại tỉnh Bến Tre.

Ông Bùi Văn Việt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lễ cho biết: Hội Nông dân xã Phú Lễ đăng ký thực hiện 4 hợp phần, bao gồm: lên men phụ phẩm thức ăn gia súc; ủ phân hữu cơ; nuôi trùn quế và nuôi sâu canxi. Trong đó, có nhiều hộ nuôi cả sâu canxi lẫn trùn quế. Qua đó, đã giúp nông dân tăng thu nhập, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra.

Đặc biệt, từ hiệu quả của mô hình, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác Nuôi ruồi lính đen xã Phú Lễ có 10 nông dân tham gia.

“Đây cũng là thành quả bước đầu của dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động trên địa bàn xã” – ông Việt nói.

Ông Phạm Văn An – Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi ruồi lính đen xã Phú Lễ, huyện Ba Tri là một trong những hộ nông dân tiên phong thực hiện thí điểm mô hình nuôi sâu canxi.

Ông An chia sẻ: “Tôi nhận thấy việc nuôi sâu canxi đã đảm bảo điều kiện thực tế của gia đình và góp phần bảo vệ môi trường ở nông thôn. Những phế phẩm trong sinh hoạt như: các loại rau, củ, quả, thân cây chuối xắt mỏng đến xác chết động vật, phân gia súc… đều là nguồn thức ăn cho sâu canxi”.

Theo ông An, nông dân xã Phú Lễ triển khai thực hiện mô hình nuôi sâu canxi làm thức ăn cung cấp cho vật nuôi: gà, vịt, cá và tạo ra phân hữu cơ cung cấp cho cây trồng như: bưởi, dừa.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi sâu canxi, ông An cho biết: Vòng đời của sâu canxi chỉ kéo dài khoảng 45 ngày và chia ra các giai đoạn trứng, ấu trùng, nhộng, ruồi trưởng thành. Đến ngày thứ 30 là thời điểm thu hoạch sâu làm thức ăn cho gà và cá, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 15 ngày. Đến ngày thứ 45, ấu trùng nở thành ruồi lính đen, chúng giao phối và tiếp tục đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ mới.

Mô hình nuôi sâu canxi của ông Huỳnh Xuân Cường, hội viên nông dân ấp Phước Lý, xã Bình Khánh huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Đăng Khoa.

Tại xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, Hội Nông dân cũng triển khai mô hình nuôi sâu canxi. Ông Nguyễn Thanh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A cho biết: Ở địa phương đang có hơn 10 hộ nuôi sâu canxi và 20 hộ dân nuôi trùn quế rất hiệu quả. Trong đó, có nhiều hộ nuôi cả sâu canxi lẫn trùn quế.

Bản thân Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Thanh Tuấn cũng là 1 trong những hộ nuôi sâu canxi và trùn quế thành công. Ông Tuấn chia sẻ: “Tôi là Chủ tịch Hội Nông dân xã, muốn truyên truyền, vận động bà con tham gia các mô hình mới thì trước hết mình phải gương mẫu thực hiện. Khi có kết quả thực tế, mắt thấy, tai nghe là cách tuyên truyền hiệu quả nhất”.

Hiện gia đình ông Nguyễn Thanh Tuấn đang nuôi 3 con bò và một số gà, vịt. Khu nuôi sâu canxi dài 2,5m, rộng 1,5m và cao 25cm.

Theo ông Tuấn, với diện tích này phù hợp để nuôi từ 25 – 50g trứng ruồi lính đen. Tuy nhiên, mật độ nuôi thưa giúp sâu phát triển tốt hơn. Khu nuôi sâu canxi được ông Tuấn bao bọc bằng lưới mùng cẩn thận.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang kiểm tra nhộng sâu canxi để thu hoạch. Ảnh: Minh Đảm.

“Nuôi 50g trứng ruồi có thể cho ra 80 – 100kg nhộng sâu canxi. 1kg nhộng có giá bán dao động từ 30.000 – 40.000 đồng. Trừ chi phí mua trứng ruồi, công cán chăm sóc… có thể lãi từ 1,5 – 2 triệu đồng/mẻ nuôi sâu canxi trong nửa tháng”- ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn chia sẻ thêm, sâu canxi (nhộng ruồi lính đen) được người dân mua để làm thức ăn cho chim cảnh, gà nòi. Do đó, họ có xu hướng lựa chọn con nhộng trắng, mập mạp.

Để nuôi được nhộng trắng, bí quyết nằm ở khâu chọn thức ăn. Nếu nhộng được ăn cơm, canh cặn hay bã đậu, xác cơm dừa, chuối cây xắt mỏng, rau củ hư dập thì sẽ cho màu trắng.

Ngược lại, nếu thức ăn của nhộng là phân bò hay phân heo (lợn) thì sẽ có màu hơi tối, một số khách hàng không phân biệt được sẽ cho rằng nhộng già (kém dinh dưỡng) và không mua. “Tùy vào mục đích nuôi mà chọn thức ăn phù hợp cho sâu”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Thay đổi nhận thức cho nông dân

Bên cạnh mô hình nuôi sâu canxi, nhiều nông dân tỉnh Bến Tre còn còn áp dụng thành công mô hình ủ phân hữu cơ kết hợp nuôi trùn quế.

Ông Phan Văn Đàng, ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri cho biết: Gia đình ông nuôi 6 con bò, trước đây, chất thải từ chăn nuôi như phân, rơm, cỏ còn thừa, ông không biết cách xử lý, gây mùi hôi cho chuồng trại và xung quanh nhà. Tuy nhiên, từ khi được Hội Nông dân xã giới thiệu cho mô hình nuôi trùn quế và phương pháp ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh, ông thấy rất hay và thiết thực.

Ông Đàng cho biết: “Tận dụng khoảng 10m2, tôi sử dụng lá để làm vách và mái che, dưới sàn lót bạt. Sau đó, tôi tận dụng phân của bò để làm thức ăn cho trùn quế phát triển. Ngoài ra, lượng rơm và cỏ thừa tôi sẽ đem ủ theo quy trình lên men bằng men vi sinh để có tạo ra phân bón, bón cho vườn rau sau nhà. Hơn 1 năm nay, tôi không tốn tiền mua phân bón mà còn xử lý chất thải tại nhà gọn gàng, nhanh chóng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường”.

Mô hình nuôi trùn quế của nông dân xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Đăng Khoa

Ông Trần Dương Thuấn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho biết: Thực hiện Dự án”Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã tổ chức 36 lớp tập huấn về kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho hơn 1.000 lượt hội viên nông dân.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đã cung cấp vật tư thiết bị, con giống để xây dựng 540 mô hình, trong đó có 135 mô hình lên men phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, 135 mô hình ủ phân hữu cơ, 90 mô hình nuôi trùn quế, 90 mô hình nuôi sâu canxi, 90 mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học dày. Các chủ thể được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, xây dựng chuồng trại và cung cấp con giống (trứng).

Hội Nông dân tỉnh Bến Tre tập huấn các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Minh Đảm

“Một trong những điểm nhấn của dự án đó là tác động tích cực đến tư duy, nhận thức và hành động của người nông dân về công tác bảo vệ môi trường. Từ chỗ còn xa lạ với các khái niệm, kỹ thuật, đến nay đã trở thành nhu cầu xử lý rác thải, chất thải trong quá trình sản xuất và đời sống.

Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập từ tài nguyên rác hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp. Từng bước hình thành các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bền vững. Đồng thời, thông qua các hoạt động của dự án, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” – lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai ở 15 tỉnh, thành nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Tại tỉnh Bến Tre, dự án được triển khai tại 9 xã thuộc 3 huyện gồm: Xã An Ngãi Trung, Phú Lễ, thị trấn Ba Tri (Ba Tri); xã Bình Khánh, Thành Thới A, Ngãi Đăng (Mỏ Cày Nam); xã Hòa Lợi, Bình Thạnh, An Qui (Thạnh Phú). Với phương pháp “cầm tay, chỉ việc”, Dự án tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân áp dụng 5 giải pháp kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường: lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng, nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế. Nhờ đó, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước thay đổi hành vi trong phân loại, xử lý rác thải thân thiện với môi trường.

Nguồn: https://danviet.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.