TMO – Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 70% số dân sống ở vùng nông thôn. Chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên hoạt động này đang gây ra những tác động tới môi trường, khi phát thải lượng khí nhà kính cao.
Lượng phát thải nông nghiệp dự kiến sẽ lên đến 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn. Thời gian qua, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030. Mục tiêu này đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi trước sự phát triển như hiện nay.
Hoạt động chăn nuôi đang ngày càng phát triển, tuy nhiên cũng gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Mỗi năm chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2 nhưng việc xử lí chất thải chăn nuôi còn chưa hiệu quả.
Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: Khí mê tan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Với quy mô đàn gia súc 28 triệu con lợn, xấp xỉ 9 triệu con trâu, bò và hơn 520 triệu con gia cầm, hiện mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 73 triệu tấn thải rắn; 25-30 triệu khối chất thải lỏng…. Tuy nhiên chỉ khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng trên được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Theo nghiên cứu, các loài động vật nhai lại như trâu, bò, cừu, chiếm đến 80% tổng lượng khí thải nhà kính trong chăn nuôi. Để giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngành chăn nuôi đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.
Đối với chất thải từ chăn nuôi trâu, bò hiện nay, việc sử dụng các công nghệ mới, đệm lót sinh học được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm khí thải mê-tan, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường.
Đệm lót sinh học được coi là giải pháp hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động chăn nuôi
Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là một hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (như trấu, mùn cưa, rơm, rạ….) trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi, giảm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sản phẩm sạch, tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng đất, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn không có rác thải. Tuy nhiên việc phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn hiện vẫn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao, do chăn nuôi còn nhỏ lẻ. Để đẩy mạnh hình thức chăn nuôi này chắc chắn phải có những giải pháp hiệu quả hơn.
Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại hình chăn nuôi. Ngành chăn nuôi những năm gần đây đã và đang phát triển nhanh chóng cả về chất lượng và quy mô. Chăn nuôi phát triển nhưng các chất thải từ chăn nuôi nếu không được xử lý hiệu quả cũng tạo ra những rủi ro cho môi trường và là tác nhân làm trái đất nóng lên.
Cùng với quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi, cần khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn để quản lý an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Nghiên cứu và đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi – trồng trọt – nuôi trồng thủy sản không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.
Nguồn: Tuấn Anh – https://thiennhienmoitruong.vn/