Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, nhiều nông dân đã mạnh dạn triển khai các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn góp phần xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Chị Vũ Thị Phượng, xã Minh Tân (Kiến Xương) áp dụng kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng để làm thức ăn cho đàn bò, dê.
Tận dụng lượng lớn rơm rạ sau thu hoạch, anh Lê Chí Tài, xã Bình Định (Kiến Xương) kết hợp với trấu, cỏ và sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót sinh học dày để nuôi gà. Việc làm của anh không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ tại địa phương mà còn giúp đàn gà luôn sinh trưởng, phát triển tốt.
Anh Tài chia sẻ: Hiện tại tôi đang duy trì nuôi khoảng 600 con gà theo hình thức gối đàn. Sau khi triển khai mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, tôi đã giải quyết được vấn đề vệ sinh chuồng nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi. Chuồng nuôi luôn bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi hôi giúp đàn gà khỏe mạnh, ít bị bệnh. Tôi cũng giảm được thời gian vệ sinh chuồng trại sau mỗi vụ, giảm công lao động và chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, anh Tài còn nghiên cứu đưa mô hình nuôi sâu canxi vào sản xuất. Theo anh, việc nuôi sâu canxi mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân. Sâu canxi có thể giúp anh xử lý lượng lớn rác thải hữu cơ từ sinh hoạt gia đình, đồng thời cũng sử dụng sâu canxi làm nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gà.
Anh Tài cho biết thêm: Từ việc ứng dụng 2 mô hình này vào chăn nuôi góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện kinh tế gia đình với mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Sau những khó khăn trong chăn nuôi do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, anh Hoàng Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ công nghiệp sinh thái An Đông, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà) luôn trăn trở tìm ra giải pháp chăn nuôi bền vững theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Vì vậy, anh đã dày công tìm hiểu và phối hợp nghiên cứu đưa mô hình nuôi ruồi lính đen vào sản xuất.
Anh Tùng cho biết: Ấu trùng ruồi lính đen rất giàu protein, canxi và các chất khoáng cần thiết cho đàn vật nuôi nên có thể sử dụng làm nguồn thức ăn bổ dưỡng trong chăn nuôi. Ngoài ra, chúng có khả năng phân hủy rác thải hữu cơ rất mạnh tạo ra nguồn phân bón hữu cơ dinh dưỡng cho cây trồng. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến từ ấu trùng ruồi lính đen để phục vụ lĩnh vực nông nghiệp gồm ấu trùng ruồi lính đen tươi, bột khô ấu trùng, dịch đạm thủy phân… Các sản phẩm đã được sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt tại các mô hình của nông dân bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức 30 lớp tập huấn về phân loại, kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ cho 900 lượt hội viên nông dân tham gia. Cùng với đó, Hội đã bàn giao 9 máy băm phụ phẩm nông nghiệp, 15 thùng đựng rác cho hội viên, nông dân với tổng trị giá trên 73 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh nhân rộng được trên 1.940 mô hình áp dụng phương pháp lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, trên 1.630 mô hình thực hiện ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, 130 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, 1.340 mô hình nuôi sâu canxi, gần 500 mô hình nuôi giun trùn quế. Thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để duy trì và nhân rộng các mô hình xử lý rác thải hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Nguồn: Baothaibinh.com.vn