Cán bộ, hội viên nông dân Đà Nẵng tham quan các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thân thiện môi trường

Ngày 31/10, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức tham quan mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi và ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, thuộc Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế”.

Ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thành phố đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế tại 5 xã thực hiện dự án.

Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức cho các hội viên nông dân tham quan các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thuộc dự án trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ảnh: T.N.

Qua tập huấn, nhiều hộ nông dân hưởng ứng tích cực và đã triển khai áp dụng vào thực tế với những tín hiệu khả quan. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao, góp phần giảm lượng rác thải, tạo việc làm cho lao động nông thôn, hướng đến xây dựng thành phố môi trường, nông nghiệp đô thị, nông thôn văn minh”.

Tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Hội Nông dân xã đã triển khai mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại hộ nông dân Nguyễn Văn Trường thuộc Chi hội thôn Xuân Phú.

Ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng (áo xanh) tặng Trichoderma và mật rỉ đường cho hộ nông dân Nguyễn Văn Trường. Ảnh: T.N.

Anh Nguyễn Văn Trường (33 tuổi) cho biết: “Tôi làm nghề trồng hoa cây cảnh, nên khi biết Hội Nông dân thành phố tổ chức các lớp tập huấn xử lý rác thải và ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tôi đã tích cực tham gia để ứng dụng vào thực tế.

Từ nguồn lá chuối bị bỏ đi, cùng với rơm rạ sau thu hoạch, tôi xin về và ủ với chế phẩm sinh học thành phân hữu cơ. Đối với rơm rạ thời gian ủ là từ 25-30 ngày, với lá chuối là 40 ngày. Việc ủ thành công phụ phẩm nông nghiệp giúp tôi tiết kiệm được chi phí trồng và chăm sóc cây, đồng thời giảm việc sử dụng phân bón hóa học”.

Tận dụng lá chuối và rơm rạ, anh Trường ủ với chế phẩm sinh học để làm thành phân hữu cơ hoặc trộn với cát làm đất trồng cây. Ảnh: T.N.

Sau khi phân hữu cơ đã thành phẩm, anh Trường tiếp tục ủ với Trichoderma trong 1 tuần nhằm kiểm soát nấm bệnh và trộn với cát để làm đất trồng cây, giúp cải tạo chất lượng đất, cây phát triển tươi tốt, khỏe mạnh. Do đó giảm chi phí trồng trọt, đặc biệt giúp hạn chế tình trạng đốt rơm rạ hiện nay.

Ngoài ra, anh Trường còn tận dụng các loại rau, củ, quả, rác thải nhà bếp để tạo thành enzym sinh học, sử dụng làm nước rửa chén, lau nhà và tưới cây cảnh. Anh cũng thực hiện thành công kỹ thuật nuôi sâu canxi từ nguồn thức ăn thừa trong gia đình.

Các hội viên, nông dân cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm để thực hiện thành công kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Ảnh: T.N.

Ông Huỳnh Phi Hùng (63 tuổi, trú thôn An Ngãi Tây 3, xã Hòa Sơn) phấn khởi nói: “Phương pháp ủ các phụ phẩm từ cây trồng như rơm rạ, phụ phẩm từ trồng hoa, trồng cây thành phân bón mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích cho môi trường, giúp nông dân khôi phục lại độ màu mỡ của đất. Kỹ thuật ủ đơn giản, dễ làm, dễ áp dụng và nhân rộng, chi phí thấp mà lại rất thân thiện với môi trường. Sắp tới, tôi sẽ ứng dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ vào vườn cây cảnh của gia đình để giảm chi phí sản xuất”.

Sử dụng phân bón hữu cơ giúp cải tạo độ màu mỡ của đất, giảm chi phí sản xuất và hạn chế tình trạng đốt rơm rạ hiện nay. Ảnh: T.N.

Anh Ngô Văn Thịnh chia sẻ quá trình thực hiện kỹ thuật lên men rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi bò. Ảnh: T.N.

Cũng trong buổi tham quan, các hội viên, nông dân được khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi của hộ nông dân Ngô Văn Thịnh.

Anh Ngô Văn Thịnh (42 tuổi, nông dân xã Hòa Liên) chia sẻ: “Sau khi học kỹ thuật lên men rơm rạ thành thức ăn chăn nuôi, tôi đã ứng dụng vào thực tế để có nguồn thức ăn nuôi đàn bò lai với số lượng 10 con. Từ rơm rạ trên cánh đồng địa phương, tôi thu gom về và cắt thành đoạn 10cm, ủ với dung dịch rỉ mật đường, chế phẩm sinh học EM, nước.

Sau 3 tháng lên men, rơm rạ có mùi thơm, chua nhẹ, giúp tăng khả năng tiêu hóa của bò, giảm chi phí đầu vào và chủ động nguồn thức ăn dinh dưỡng vào mùa đông. Ảnh: T.N.

Sau 3 tháng, rơm rạ có mùi thơm, chua nhẹ, giúp tăng khả năng tiêu hóa, bò béo tốt, giảm chi phí đầu vào chăn nuôi, chủ động nguồn thức ăn dinh dưỡng vào mùa đông. Đặc biệt không cần đốt phụ phẩm giúp môi trường không khí trong lành hơn”.

Biện pháp lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi là phương pháp dễ làm, ít tốn kém mà đem lại nguồn thức ăn dinh dưỡng cho gia súc, vì chỉ 1kg thức ăn lên men có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với khoảng 5kg cỏ khô.

Tại buổi tham quan, các cán bộ, hội viên nông dân đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để xử lý rác thải hữu cơ, chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh: T.N.

Tại buổi tham quan, các hội viên, nông dân đã tích cực trao đổi, thảo luận tính ứng dụng thực tế của kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi và ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Qua đó, mỗi nông dân sẽ là một tuyên truyền viên tuyên truyền về ý nghĩa của dự án, giúp người dân thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn, nâng cao thu nhập.

Nguồn: https://danviet.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.