Sáng ngày 15/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế.
Phát huy vai trò Hội Nông dân trong xử lý rác thải, giảm phát thải khí nhà kính
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ – Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại hội XIII của Đảng xác định “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Ông Mai Bắc Mỹ – Uỷ viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đã ví những nông dân tham gia dự án là “những người gìn giữ tương lai xanh”. Ảnh: Thu Hà
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022. Các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng đã cụ thể hóa, triển khai bằng các chương trình hành động nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý.
“Là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng, là trung tâm nòng cốt của các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành nhiều nội dung, xây dựng cụ thể hoá nhiều chương trình, thể hiện rõ vai trò của mình, cùng cả hệ thống chính trị tham gia, chủ động ứng phó và thích ứng với các kịch bản biến đổi khí hậu”-ông Mai Bắc Mỹ khẳng định.

Toàn cảnh Hội thảo tổng kết Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức sáng ngày 15/4.
Điểm nhấn đáng chú ý, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã giao Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế trước đây, nay là Văn phòng Trung ương Hội triển khai thực hiện Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức EarthCare Foundation nhằm phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, bền vững, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai từ năm 2021 – 2025 tại 15 tỉnh, thành phố. Sau 4 năm triển khai thực hiện Dự án đã đạt được những kết quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức và năng lực cho hàng triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân, chính quyền địa phương và cộng đồng về xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Dự án tập trung vào 5 kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, bao gồm: (1) lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; (2) ủ phân hữu cơ tại ruộng từ phụ phẩm cây trồng và xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học; (3) nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; (4) nuôi sâu canxi; (5) nuôi trùn quế.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại Hội thảo tổng kết dự án. Từ hơn 9.000 mô hình được Dự án hỗ trợ ban đầu, đến nay đã có hơn 60.000 hộ nông dân đang áp dụng ít nhất 1 kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Ảnh: Thu Hà
Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ đã ví những nông dân tham gia dự án là “những người gìn giữ tương lai xanh”.
“Dự án đã làm thay đổi nhận thức cũng như thói quen xử lý rác thải của hội viên, nông dân vùng dự án theo hướng thân thiện với môi trường và có tác động lan toả đối với cả những hội viên nông dân không trực tiếp tham gia vào dự án.
Từ hơn 9.000 mô hình được Dự án hỗ trợ ban đầu, đến nay đã có hơn 60.000 hộ nông dân tại 135 các xã, phường, thị trấn đang áp dụng ít nhất 1 kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường” – ông Mai Bắc Mỹ thông tin.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo, tham luận, ý kiến thảo luận và đóng góp của các chuyên gia, Hội Nông dân các tỉnh, thành, của những nông dân tiêu biểu tham gia Dự án về việc triển khai thực hiện các hoạt động Dự án và xây dựng mô hình mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường nói riêng và những mô hình nông nghiệp xanh, bền vững nói chung.

Ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án tại Hội thảo. Ảnh: Thu Hà
Ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình cho biết: Thực hiện dự án, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thành công 900 mô hình xử lý rác thải hữu cơ áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, sau khi thực hiện Dự án, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã giảm thiểu đáng kể tình trạng đốt rơm rạ trên các cánh đồng. Bà con nông dân đã biết ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học.
Xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân từ Dự án xử lý rác thải của Hội Nông dân
Là 1 trong những địa phương có nhiều hoạt động sôi nổi thực hiện Dự án, bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết: Dự án đã tổ chức 2 khóa đào tạo giảng viên nguồn cho cán bộ, hội viên nông dân nòng cốt thuộc các địa phương tham gia Dự án; 46 lớp tập huấn cho gần 1.190 hội viên nông dân tham gia; xây dựng hơn 1.000 mô hình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết: Dự án đã xuất hiện những tỷ phú nông dân Tuyên Quang từ xử lý rác thải. Ảnh: Thu Hà
Từ những mô hình được xây dựng ban đầu, đến nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 8.000 hộ nông dân xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
“Đặc biệt, Dự án đã xuất hiện những tỷ phú nông dân Tuyên Quang từ xử lý rác thải. Điển hình như anh Dương Văn Thành ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn với mô hình nuôi trâu bò, nuôi trùn quế với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm” – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang thông tin.

Tỷ phú Hải Phòng – anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi thỏ, nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường. Ảnh: Thu Hà
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, tỷ phú Hải Phòng – anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng là giảng viên ToT của Dự án cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên nuôi thỏ với quy mô 1.500 – 2.000 con. Để xử lý chất thải của đàn thỏ, tôi đã nuôi trùn quế ngay dưới nền chuồng nuôi thỏ. Với mô hình này, toàn bộ phân, nước tiểu và thức ăn thừa của thỏ rơi xuống dưới chính là thức ăn cho trùn quế”.
Dù đã thành công với mô hình “trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế”, song hướng đến xây dựng trang trại tuần hoàn nên anh Vương vẫn khao khát xây dựng thêm mô hình để xử lý rác thải hữu cơ. “Khi được tham gia lớp ToT của Dự án tôi biết đến kỹ thuật nuôi sâu canxi và rất tâm đắc, phấn khởi”- anh Vương nói.

Đoàn đại biểu Hội Nông dân TP Hải Phòng bên mô hình xử lý thải của nông dân được mô hình hoá tại hội thảo. Ảnh: Thu Hà
Anh Vương cho biết: Đối với sâu canxi thức ăn chủ yếu là rác thải hữu cơ như: rau, củ, quả, thức ăn dư thừa… Do đó mô hình nuôi sâu canxi góp phần cải thiện về môi trường giảm thiểu rác thải sinh hoạt.
Hiện anh Vương đang có chuồng ruồi lính đen bố mẹ làm giống sâu canxi có diện tích 12m2. Đặc biệt, để nhân rộng mô hình nuôi sâu canxi, anh Vương đã có chương trình “đổi sâu canxi lấy trứng”. Theo đó, anh Vương cung cấp trứng sâu canxi cho bà con về nuôi, sau đó bà con mang sâu canxi đến đổi lấy trứng sâu.
Từ mô hình của anh Vương, nhiều nông dân trên địa bàn TP Hải Phòng đã tích cực áp dụng nhân rộng mô hình nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa góp phần xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo tổng kết Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Chu Văn Chuông, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam) bày tỏ vui mừng trước những kết quả tuyệt vời mà dự án đã mang lại.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, chuyên gia vận động tuyên truyền, Tiến sĩ Chu Văn Chuông cho rằng, dự án nhằm cụ thể hoá cam kết của Chính phủ trong COP 16 và COP 26, đặc biệt phục vụ cả mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong đó tập trung vào đối tượng cốt lõi là nông dân – chủ thể của nông nghiệp, nông thôn.
Dự án không chỉ có tác động thay đổi nhận thức mà còn từng bước thay đổi hành vi, giúp nông dân bước đầu xử lý rác thải và lâu dài là tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng nông sản Việt trong con đường hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Tại Hội thảo đã khen thưởng 25 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Dự án.
Những con số đáng nhớ của Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế:
200.000 sản phẩm và tài liệu truyền thông được in và phát hành
120.000 lượt nông dân được tuyên truyền thông qua hơn 3.200 buổi sinh hoạt tổ, nhóm nông dân
15.800 lượt hội viên, nông dân được tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải thông qua 566 lớp tập huấn cơ sở
10.700 lượt hội viên, nông dân, đại diện cấp uỷ, chính quyền tham gia 154 sự kiện kết nối
9.150 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường đã được dự án hỗ trợ về con giống, chế phẩm, cơ sở vật chất.
6.000 lượt hội viên nông dân được khảo sát trên cơ sở ứng dụng khoa học hành vi nhằm thiết kế và đánh giá các can thiệp của Dự án
3.600 lượt cán bộ, hội viên nông dân được đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm về xử lý rác thải thân thiện với mỗi trường
540 tấn thức ăn thừa được thu gom tại hơn 600 căng-tin, nhà hàng mỗi năm thông qua 180 tổ nhóm thu gom rác của Dự án…
Nguồn: https://danviet.vn/