Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Nho Quan đã tuyên truyền cho hội viên xây dựng thành công nhiều mô hình xử lý rác thải hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.
Nhận thấy nhiều phụ phẩm nông nghiệp chưa được tận dụng triệt để, anh Trần Khánh Huy, thôn Thạch La, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan đã tiến hành ủ lên men làm thức ăn chăn nuôi bò. Với mô hình này, mỗi lần anh ủ từ 20-25 tấn thức ăn và chỉ trong vòng 21 ngày đã cho thành phẩm. Khi bảo quản tốt, có thể sử dụng trong vòng 3 – 6 tháng, làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông. Hiện số lượng đàn bò của gia đình là 20 con, sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi năm cho thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Đối với anh Vũ Thế Lực, phố Hồng Lai, thị trấn Nho Quan lại lựa chọn nuôi sâu canxi. Mô hình chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện. Thức ăn của sâu canxi là chất thải từ hoạt động chăn nuôi và rác thải hữu cơ. Thành phẩm thu được sẽ là sâu canxi và phân sâu canxi. Chúng có thể dùng làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia cầm, thủy sản; lượng phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nho Quan đã có 270 hộ thuộc xã Thạch Bình, xã Quỳnh Lưu, thị trấn Nho Quan xây dựng mô hình nhằm thực hiện dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế”. Các mô hình nổi bật như: nuôi giun trùn quế, nuôi sâu canxin, nuôi gà bằng đệm lót sinh học dày, ủ thức ăn lên men để chăn nuôi,… đều cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Khi thực hiện các mô hình xử lý rác thải, cán bộ, hội viên nông dân luôn gắn với tình hình thực tiễn tại cơ sở để đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó, đem lại nhiều lợi ích không chỉ về kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống.
Đinh Huyền (THNB)
Nguồn: https://nbtv.vn/