Hiệu quả từ chăn nuôi hữu cơ tuần hoàn không chất thải

Nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải là quá trình sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại áp dụng theo chu trình khép kín. Các phế phụ phẩm nông nghiệp của quá trình sản xuất này lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác để tạo ra các sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã áp dụng quy trình này vào quá trình sản xuất, mang lại thu nhập kinh tế cao.

Trước đây, anh Nguyễn Danh Hoàng, giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ chăn nuôi Hoàng Thuỷ, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh chăn nuôi gà theo cách truyền thống, mặc dù có rải trấu, dọn vệ sinh hàng ngày nhưng chuồng trại vẫn có mùi hôi. Từ khi chuyển sang nuôi gà trên đệm lót sinh học, anh đã sử dụng các phụ phẩm như: rơm, trấu kết hợp với phun dung dịch men vi sinh giúp tiêu diệt sự phát triển của các loại vi sinh vật có hại trong chăn nuôi. Để xây dựng quy trình chăn nuôi tuần hoàn khép kín trong trồng trọt, chăn nuôi, anh đã nuôi thêm sâu canxi. Mô hình này rất đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Từ nguồn con giống ấu trùng ban đầu, sau 2 tuần nuôi ấu trung sẽ trở thành sâu canxi trưởng thành. Sản phẩm sâu trưởng thành, vỏ kén của sâu dùng làm thức ăn cho gia cầm. Nuôi sâu canxi không chỉ bổ sung nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho vật nuôi mà còn là giải pháp giúp xử lý chuồng nuôi hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường. Hiện nay, gia đình anh Hoàng đang nuôi trên 1 vạn con gà ri thương phẩm, mỗi ngày thu hoạch 4 nghìn quả trứng. Thức ăn cho gà được anh sử dụng nguồn thức ăn hữu cơ như: cám ngô, cám gạo, rau xanh và sâu canxi. Đây là nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, giảm dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi. Đối với phân gà, anh sử dụng làm phân bón cho các loại cây trồng như: bưởi, ổi, thanh long, hoa thiên lý. Mỗi năm, trang trại cho thu lãi trên 500 triệu, tạo việc làm cho 7 lao động địa phương.

Anh Nguyễn Danh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Thuỷ, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Thời gian tới, mình sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo trên mạng xã hội, kết nối với một số tổ chức, công ty doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường rộng hơn”.

Ông Đinh Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: “Chúng tôi đang tuyên truyền cho bà con nhân dân mô hình chăn nuôi, để nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Ông Đinh Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá

Với diện tích trang trại rộng 12ha, ông Lê Minh Tới, Thôn Đông Mỹ, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo quy trình hữu cơ tuần hoàn không chất thải. Theo đó, ông tận dụng các phế phụ phẩm từ cây trồng, rơm rạ sau thu hoạch được thu gom về đốt bằng lò xây tự thiết kế để lấy tro bón cho cây trồng thay phân hóa học. Các chất thải trong chăn nuôi gia súc, gia cầm được sử dụng làm thức ăn cho Ruồi lính đen. Ruồi lính đen là loài sinh vật không gây hại, không mang mầm bệnh truyền nhiễm. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại rau, củ, quả hư hỏng, thức ăn dư thừa, rác thải sinh hoạt. Chuồng nuôi ruồi lính đen được áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi trong nhà nhà màng, nhà lưới, thuận tiện cho việc chủ động điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng. Trong quá trình nuôi ruồi lính đen, ông thu gom phụ phẩm nông nghiệp, dùng ruồi lính đen tạo ra men vi sinh và enzym. Men vi sinh dùng để tưới cho cây trồng; enzym phối trộn với rau, của, quả làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Mô hình đã tạo được vòng tuần hoàn khép kín luân canh gối vụ, hầu như cây trồng, vật nuôi không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Hiện nay, trang trại của ông Tới có trên 3.000 con gia súc, gia cầm, gần 10ha sản xuất lúa, rau, củ, quả an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; trang trại là địa chỉ cung cấp trứng Ruồi lính đen cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh; mỗi năm trang trại cho thu nhập trên 6 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Tới, Thôn Đông Mỹ, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Qua quá trình làm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, và gần như không có rác thải phế thải trong quá trình sản xuất”.

Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người chăn nuôi, mà còn góp phần quan trọng vào việc giải bài toán về xử lý chất thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, việc ngành chăn nuôi tăng trưởng và phát triển mạnh thì lượng chất thải trong chăn nuôi cũng rất lớn. Nguồn chất thải này nếu được thu gom, xử lý để phục vụ làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình chăn nuôi, trồng trọt và cho các hoạt động sản xuất khác thì sẽ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, để nhân rộng và lan tỏa hiệu quả mô hình trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần tiếp tục vận động nông dân ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời tăng cường tập huấn, tham quan mô hình để nhân dân có cơ hội học tập, áp dụng vào quá trình sản xuất.

Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Mô hình sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh và các huyện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hoàn thiện các mô hình, quy trình kỹ thuật để chuyển giao đến người dân”.

Ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 trang trại được sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín. Các trang trại này hiện đang cho thu nhập bình quân từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Ngoài đem lại giá trị thu nhập cho chủ trang trại, mô hình trang trại tuần hoàn còn góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín; là hướng đi đúng trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giúp người sản xuất giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nguồn: https://truyenhinhthanhhoa.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.