Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo và lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát cho dự án về xử lý rác thải

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo khởi động và lập kế hoạch Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế”.

11 hoạt động trọng tâm hỗ trợ nông dân

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ – Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc dự án cho biết: Nhằm góp phần phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo hướng sinh thái, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và tác động của biến đổi khí hậu, Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế”.

Toàn cảnh Hội khởi động và lập kế hoạch Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm lượng khí thải của cộng đồng quốc tế”. Ảnh: Đức Quảng

Dự án được triển khai thực hiện từ 2021 – 2024 tại 15 tỉnh, thành phố nhằm 5 mục tiêu: Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; biến rác hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý; cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; nâng cao sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường.

Dự án đặt ra mục tiêu đào tạo cho ít nhất 450 cán bộ hội, cán bộ khuyến nông và nông dân về các kỹ thuật thu gom, phân loại và xử lý rác thải trở thành giảng viên, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình.

“Về chất thải, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%). Những chất thải, phụ phẩm này có rất nhiều công dụng trong lĩnh vực nông nghiệp tuần hóa nhưng hiện nay phần lớn đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế việc xử lý các chất thải, phụ phẩm này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có thể giúp gia tăng thu nhập của người nông dân”- ông Mỹ thông tin.

“Dự án này đã góp phần nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cam kết sẽ thực hiện triển khai tích cực các hoạt động trong dự án nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về xử lý rác thải bảo vệ môi trường”.

Ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng

Giới thiệu về dự án, bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế cho biết: Đối tượng tham gia dự án là những người nông dân sản xuất nhỏ; các trang trại chăn nuôi; người thu gom rác thải; các căng-tin, nhà hàng. Trong khuôn khổ thực hiện dự án, Ban quản lý dự án sẽ tập trung thực hiện 11 hoạt động trọng tâm để hỗ trợ nông dân xử lý rác thải.

Dự án đặt ra mục tiêu đào tạo cho ít nhất 450 cán bộ hội, cán bộ khuyến nông và nông dân về các kỹ thuật thu gom, phân loại và xử lý rác thải trở thành giảng viên, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình. Những mô hình nông dân thành công sẽ là điểm sáng trong nhân rộng ứng dụng các biện pháp chuyển đổi chất thải, góp phần giảm thiểu phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Phát huy vai trò của Hội Nông dân

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo. Ảnh: Đức Quảng

Tại hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo vệ môi trường tại từng địa phương, từ đó gợi mở việc lập kế hoạch thực hiện dự án một cách thiết thực và hiệu quả.

Ông Võ Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết: Được Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã triển khai 2 mô hình thu gom xử lý rác thải tại hộ gia đình và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn. Các mô hình này được UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao và có tính lan tỏa. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã nhân rộng được 36 mô hình ở 6 huyện trên địa bàn tỉnh.

“Năm 2022, UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao Hội Nông dân tỉnh phối hợp các ngành liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phế phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2022 – 2025″ và giao cho Hội Nông dân tổ chức thực hiện. Điều đó, khẳng định vai trò, vị thế và uy tín tổ chức Hội Nông dân” – ông Phong cho biết.

Khẳng định ý nghĩa của dự án, ông Đa Cát Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Dự án này đã góp phần nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cam kết sẽ thực hiện triển khai tích cực các hoạt động trong dự án nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về xử lý rác thải bảo vệ môi trường”.

Theo ông Vinh, hiện nay, Lâm Đồng là 1 trong những tỉnh, thành đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ mạnh dạn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập nông dân Lâm Đồng ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, nông nghiệp càng phát triển thì kèm theo đó là những vấn đề về ô nhiễm môi trường khá phổ biến.

Nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nông dân, đến nay, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức xây dựng xấp xỉ 600 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, vượt chỉ tiêu do Trung ương Hội giao. Từ trồng cây ven đường giao thông, đoạn đường không rác thải, phân loại rác tại nguồn…, các mô hình đang phát huy tác dụng, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng sạch đẹp.

Tuy nhiên, Hội Nông dân tỉnh xác định, không chỉ xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, nội dung quan trọng là tác động để nông dân ý thức được việc canh tác đúng sẽ giúp bảo vệ môi trường. Do đó thời gian tới, trong khuôn khổ thực hiện dự án, song song với việc xây dựng các mô hình điểm, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân.

Nguồn: Danviet.vn

Tin liên quan:

.