Tái chế rác thải, bảo vệ môi trường nông thôn

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam đã góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng Quốc tế” do quỹ BRACE tài trợ, Trung ương Hội nông dân Việt Nam chủ trì thực hiện.

Tại Nghệ An, thị xã Thái Hòa là một trong 3 huyện, thị xã được lựa chọn tham gia dự án. Từ năm 2021, sau khi được triển khai đến nay trên địa bàn Thị xã Thái Hòa có 150 mô hình và đều phát huy hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.

Nông dân tại thị xã Thái Hòa tham gia Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải.

Gia đình anh Hồ Sỹ Hồng, xóm Đông Thành, xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hòa, Nghệ An gắn bó với việc chăn nuôi bò thịt hơn 10 năm nay. Bình quân, trong chuồng của gia đình luôn có từ 15 – 20 con bò thịt.

Năm 2023, anh Hồng là một trong những hộ chăn nuôi được tham gia dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính của cộng đồng Quốc tế” do Hội nông dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội nông dân thị xã Thái Hòa triển khai.

Anh Hồ Sỹ Hồng ở xã Đông Hiếu thực hiện xử lý lên men trong thức ăn cho đàn bò.

Theo đó, gia đình anh Hồ Sỹ Hồng đã được hướng dẫn, tập huấn xây dựng mô hình “lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi”, “Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trong chăn nuôi”.

Trước đây hằng ngày anh Hồng phải kiếm thức ăn theo ngày cho đàn bò thì nay nguồn thức ăn luôn đảm bảo và có dự trữ. Với nguyên liệu từ cỏ, lá ngô, ngọn mía…sau khi chặt về, anh xay nhỏ, trộn đều cùng muối, mật, ít cám gạo hay cám ngô …rồi bỏ vào thùng phi hoặc phủ bạt để ủ xử lý lên men. Sau đó tầm 20 ngày sẽ lấy ra làm thức ăn cho đàn bò.

Với cách làm này vừa tận dụng đối đa nguồn nguyên liệu, vừa giúp dự trữ nguồn thức ăn mà không lo bị hư hỏng, chất lượng thức ăn lại được đảm bảo nên đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt, cách làm này hoàn toàn không gây ra mùi hôi, thối ảnh hưởng đến môi trường sống.

Anh Hồ Sỹ Hồng chia sẻ: “Từ khi thực hiện lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, việc chăn nuôi thuận lợi hơn, nguồn thức ăn dồi dào, đảm bảo không lo bị thiếu, nhất là vào những thời điểm mưa, gió hay nguồn nhiên liệu thiếu. Đàn bò rất thích loại thức ăn lên men này, dễ tiêu hoá nên phát triển rất tốt.”

Mô hình nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà của gia đình chị Hoàng Thị Hoàn.

Còn với gia đình chị Hoàng Thị Hoàn, xóm Đông Mỹ, xã Đông Hiếu, từ khi được tham gia dự án, gia đình đã triển khai mô hình “Nuôi trùn quế” làm thức ăn cho gia trại gà siêu đẻ. Ưu điểm của mô hình là chi phí bỏ ra không nhiều, rất dễ nuôi, thức ăn của trùn quế là các phụ phẩm từ rác thải hữu cơ, chất thải của gia súc, gia cầm…

Với đặc điểm là giàu đạm, lượng protein thô chiếm tới 70% trọng lượng thô, trùn quế chính là nguồn thức ăn lý tưởng cho gà. Do đó, đàn gà 600 con của gia đình chị Hoàn bình quân mỗi ngày cho từ 400 – 500 quả trứng.

Chị Hoàng Hoàn cho biết thêm: “Việc nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà rất đơn giản, điều quan trọng là giảm thiểu được lượng rác thải ra môi trường. Trùn quế nhiều đạm, rất thích hợp làm thức ăn cho gà đẻ”.

Theo đánh giá của dự án, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,3 tỷ tấn thức ăn thừa thải ra môi trường. Về chỉ số lãng phí thực phẩm, Việt Nam đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Vì vậy, ngay sau khi dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam” được triển khai, Thái Hòa đã lựa chọn 3 xã gồm: xã Đông Hiếu; Nghĩa Tiến và xã Tây Hiếu để vận động nông dân tham gia.

Để các mô hình đạt hiệu quả cao, thời gian vừa qua Hội nông dân Thái Hòa phối hợp cùng Ban quản lý dự án xử lý rác thải Hội nông dân Tỉnh Nghệ An tổ chức 15 buổi tuyên truyền; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, tham quan mô hình và vận động nông dân thực hiện.

Theo đó đến nay đã có 150 mô hình như: Nuôi trùn quế; nuôi chim sâu xanh; chăn nuôi gà đệm lót sinh học dày; lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi”…

Ông Lê Hợp Huyên – Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An cho hay: “Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân áp dụng mô hình.

Không dừng lại ở 3 xã mà các xã còn lại, thậm chí các phường cũng sẽ được Hội triển khai dự án để góp phần thực hiện tối đa hiệu quả của dự án nhằm giúp nâng cao thu nhập trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường tốt nhất”.

Cùng với huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, hiện nay Thị xã Thái Hòa đang tập trung đẩy mạnh việc thực hiện dự án thông qua xây dựng các mô hình có tính sát thực và hiệu quả.

Đây là những việc làm cụ thể của hội viên nông dân góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Hiện có 150 mô hình đang phát huy hiệu quả trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Qua các hoạt động trên đã giúp nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, từng bước hạn chế lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi, phế phẩm, phụ phẩm từ trồng trọt, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất.

Nguồn: https://congly.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.