Sâu canxi là một loại côn trùng có hàm lượng dinh dưỡng cao, được sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản. Và, nhiều nông hộ tại xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên đang triển khai nuôi loại côn trùng đặc biệt này để cải thiện điều kiện chăn nuôi cũng như xử lý rác thải hữu cơ, bảo vệ môi trường sống nông thôn.
Nông dân trao đổi kỹ thuật nuôi sâu canxi
Anh Phạm Xuân Hùng, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên là một trong những hộ tiên phong trong mô hình nuôi sâu canxi. Cách nuôi sâu canxi cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng hộp xốp, hoặc xô, chậu, thùng nhựa để làm chỗ trú ẩn cho sâu. Từ nguồn con giống ấu trùng ban đầu, sau gần 2 tuần nuôi, ấu trùng đã sinh trưởng nhân đàn lên gấp nhiều lần. Thức ăn của sâu chủ yếu là chất thải của động vật, các phế phẩm rau xanh, nhất là phân gia súc, gia cầm. Vì vậy, nuôi sâu canxi không chỉ bổ sung nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho vật nuôi mà còn là giải pháp giúp xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường. Anh Hùng cho biết, gia đình anh nuôi gà, giống gà lai thả vườn có thịt ngọt, dai, được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, lượng sâu, giun trong tự nhiên không thể đủ cho một số lượng lớn gà, anh phải tìm kiếm, mua bổ sung cho thức ăn của gà những dinh dưỡng phụ trợ. Thấy con sâu canxi dễ nuôi, cho hàm lượng dinh dưỡng cao, anh Hùng đã nuôi thử nghiệm và chỉ sau vài tuần, anh đã có lượng sâu để cung cấp cho bầy gà. Anh Hùng chia sẻ: “Sâu canxi rất dễ nuôi, được ấp từ vỉ trứng, chỉ khoảng 3 – 4 tuần là nhân lên rất nhiều lần. Lấy sâu cho gà ăn, gà được bổ sung dinh dưỡng tốt, thịt ngọt, da giòn, mau lớn khoẻ mạnh. Gia đình tôi nuôi sâu nhận thấy giảm chi phí nhiều, đàn gà lại nhanh lớn”.
Cũng tại xã Tiên Hoàng, anh Nguyễn Đình Thi đang nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho ao cá, ốc và gà. Anh cho biết, sâu canxi ăn tạp, có thể ăn phân gà, phân heo, trái cây hư, rau… các loại. Sâu canxi chính là ấu trùng của ruồi lính đen. Gọi là sâu canxi bởi đến giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác để trở thành ruồi lính đen thì vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều canxi. Sản phẩm sâu trưởng thành có thể cho gia cầm ăn trực tiếp, hoặc vỏ kén sâu có thể dùng cho gia súc, gia cầm ăn bổ sung nguồn dinh dưỡng, giàu canxi, rất tốt cho sự phát triển của vật nuôi. Anh dùng sâu cho gà cũng như thả xuống ao, các vật nuôi đều nhanh lớn, ít bệnh tật. Là một trong những nông hộ đầu tiên nuôi sâu trong xã, anh Thi đã học kỹ thuật nuôi sâu rất kỹ. Anh Thi thông tin: “Khi mua trứng sâu về, dùng hỗn hợp cám nuôi gà con trộn đều nước, đánh tơi để ủ trứng. Sau 3 ngày, trứng nở ra sâu li ti thì tiếp tục cho sâu ăn hèm rượu trộn cám. Sâu lớn rất nhanh, chỉ khoảng 1 tuần là trưởng thành. Sâu lớn ăn phân bò, phân gà, phân heo…, có phân nào đổ vào cho sâu ăn phân đó, tiêu hoá nhanh và xử lý sạch sẽ, hết mùi”.
Ông Trần Văn Giang – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên đánh giá, sâu canxi có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong các chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm,… tạo thành chất mùn giàu chất dinh dưỡng cho cây trồng. Không chỉ thế, sâu canxi còn là nguồn thức ăn giàu dưỡng chất rất hữu ích cho gà, vịt, cá,… Sâu canxi lúc còn sống chứa hàm lượng protein lên đến 15% và chất béo 5,8%. Bởi thế, người chăn nuôi có thể nuôi sâu để cung cấp cho vật nuôi, chi phí chăn nuôi giảm nhưng sức khoẻ vật nuôi rất tốt, mang lại thu nhập tốt hơn. Nông dân Tiên Hoàng vốn có nghề chăn nuôi gà, vịt cũng như chăn bò, thả ao cá. Nuôi sâu canxi vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận cho nông dân, đặc biệt giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn phân chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa qua xử lý, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe con người.
Bà Hồ Thị Bích Linh – Trưởng Ban Kinh tế – Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, nuôi sâu canxi là một hoạt động nằm trong Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (Quỹ BRACE) xây dựng và triển khai thực hiện. Sâu canxi là vật nuôi rất hiệu quả trong xử lý chất thải động vật, cung cấp nguồn canxi tự nhiên dồi dào, tốt cho vật nuôi. Các nông hộ nuôi sâu canxi từ nguồn của dự án đã thành công, mở hướng cho nhiều nông hộ tiếp cận với vật nuôi này. Với sự tiếp nhận con sâu canxi của các nông hộ Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng…, đây sẽ là một hướng mở cho người chăn nuôi, vừa tăng cường năng suất, tiết giảm chi phí, vừa bảo đảm môi trường sống cho sự phát triển nông thôn bền vững.
Nguồn: https://baolamdong.vn/