Nở rộ sản xuất tuần hoàn

Các mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trùn quế xử lý chất thải chăn nuôi… đang nở rộ trên địa bàn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Ba Vì. Đây là những mô hình được Hội Nông dân Hà Nội triển khai gần 2 năm qua, bước đầu tạo hiệu quả đa chiều.

Hiệu quả đa chiều

Thực hiện dự án “Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, Hội Nông dân Hà Nội đã triển khai các mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, mô hình nuôi trùn quế (giun quế) xử lý chất thải chăn nuôi… trên địa bàn các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Ba Vì. Qua gần 2 năm triển khai, các mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả cao cả về kinh tế – xã hội và môi trường.

Ông Nguyễn Kim Hận – thôn Gia Lộc (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) cho biết: Tôi nuôi bò thương phẩm, được Hội Nông dân thành phố và huyện tập huấn kỹ thuật, đã tận dụng các loại cỏ voi, rơm… ủ lên men làm thức ăn cho đàn bò. Kết quả, đàn bò béo tốt, có con nặng tới 700kg. Chăn nuôi phát triển, thu nhập tốt mà môi trường vẫn bảo đảm…

Tham quan mô hình nuôi trùn quế từ phân bò trên địa bàn huyện Đông Anh.

Tương tự, mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi và trồng trọt của gia đình ông Nguyễn Xuân Hùng ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hằng tháng, ông Hùng thu mua của bà con 360 tấn phân bò để nuôi giun. Với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm, 2.500 đồng/kg phân sạch, trang trại của ông trở thành địa chỉ cung cấp giống và phân bón uy tín cho các trang trại lớn trên địa bàn thành phố và các tỉnh miền Bắc…

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn, là địa phương đang trong quá trình phát triển thành quận, các mô hình nông nghiệp đều phải hướng tới tuần hoàn khép kín, theo hướng hữu cơ gắn với sinh thái, bảo vệ môi trường.

“Thực tế, các mô hình nuôi trùn quế bằng chất thải chăn nuôi (phân trâu, bò…) vừa sạch cho môi trường, vừa phục vụ hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Kim Hận, ở thôn Gia Lộc (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) áp dụng mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, đạt hiệu quả cao.

Còn tại Ba Vì, địa phương có tổng đàn hàng chục ngàn con bò thịt, bò sữa, mỗi tháng, đàn bò thải ra khối lượng lớn phân. Trước đây, số chất thải này một phần được giải quyết qua hầm biogas, còn lại đổ ra môi trường. Những năm gần đây, nhờ mô hình xử lý phân bò của một số hộ dân, hợp tác xã nuôi giun quế hoặc thu gom chất thải biến thành phân bón hữu cơ… đã từng bước giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Nông dân tâm đắc

Đến nay, Hội Nông dân 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì tham gia dự án xây dựng được 135 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, 90 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, 135 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng, 90 mô hình nuôi sâu can-xi, 90 mô hình nuôi trùn quế.

Đến nay, hoạt động của các mô hình đang tạo chuyển biển tích cực trong bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân…

Hội Nông dân thành phố bàn giao chế phẩm thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ và tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất mô hình nuôi sâu can-xi, trùn quế cho 9 xã thuộc các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thanh Xuân thông tin thêm: Qua thực tế tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình lên men phụ phẩm cây trồng thành thức ăn chăn nuôi bò và nuôi trùn quế… nông dân rất tâm đắc. Các hộ, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi… giải được bài toán môi trường và giá thành nông sản.

“Để mô hình trở thành phong trào sản xuất tuần hoàn hữu cơ giá trị cao, Hội Nông dân thành phố cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm, tạo sự lan tỏa mạnh hơn nữa tới đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn thành phố”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thanh Xuân nhấn mạnh.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.