Thầy giáo làm giàu từ mô hình nuôi giun quế

TPO – Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi giun quế, nam giáo viên ở Hà Tĩnh đã thuê đất để xây dựng mô hình. Đến nay mô hình đã cho doanh thu trên trăm triệu đồng/năm.

Sau những giờ giảng dạy trên lớp, thầy giáo Thái Quang Nhật (SN 1978, công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) lại tận dụng thời gian để chăm sóc mô hình nuôi giun quế kết hợp sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Anh Nhật vốn đam mê làm nông nghiệp, trước khi triển khai mô hình nuôi giun quế, anh cũng đã thử mở trại gà.

Đầu năm 2021, trong một lần ra Hà Nội thăm người thân, nhận thấy mô hình nuôi giun quế của một số hộ dân phát triển tốt, thu lợi nhuận cao, vốn bỏ ra ít, anh đã nuôi ý tưởng để triển khai.

Mô hình nuôi giun quế của anh Nhật vừa có hiệu quả kinh tế cao, lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Ở quê có nhiều trang trại nuôi lợn quy mô lớn, nguồn phân thải ra rất nhiều nhưng chưa có trại nào xử lý triệt để nguồn phân theo hướng mang lại lợi ích kinh tế. Mặt khác địa bàn là vùng trồng các loài cây ăn quả nhiều nên muốn thực hiện việc nuôi giun tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch cho cây trồng”, anh Nhật chia sẻ.

Để có thêm kinh nghiệm nuôi giun, anh Nhật học hỏi kỹ thuật nuôi trên mạng internet đồng thời tham quan thực tế mô hình ở huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Sau khi lên kế hoạch, anh Nhật đã thuê hơn 3ha diện tích đất trồng keo tại thị trấn Vũ Quang để thực hiện mô hình. Theo anh Nhật, chi phí bỏ ra ban đầu trên 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại 600m2 và mua giống về thả nuôi.

Sau hai năm xây dựng mô hình, anh Nhật đã mang lại hiệu quả tốt.

Chuồng trại xây dựng phải đảm bảo việc đủ ánh sáng, nhiệt độ mát mẻ, đủ kín để các loại côn trùng không thể xâm nhập. Sau đó, anh thu gom chất thải từ các trại chăn nuôi lợn trên địa bàn mang về ủ qua chế phẩm sinh học và sử dụng làm thức ăn hằng ngày cho giun. Với đặc tính ưa thích thức ăn là phân động vật, nuôi giun quế không chỉ cho lợi nhuận kinh tế cao mà còn giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Anh Nhật cho hay, các sản phẩm từ giun quế được các cơ sở, trang trại thu mua, sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản. Ngoài ra phân hữu cơ vi sinh giun quế cũng được xuất bán cho các mô hình trồng rau, quả theo hướng VietGAP và hữu cơ.

“Nuôi giun quế không mất quá nhiều thời gian chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế cao. Dù mới triển khai nhưng tôi cũng khá bất ngờ khi sản phẩm được các cơ sở, trang trại trong và ngoài huyện đến mua ngày càng nhiều”, anh Nhật cho hay.

Hiện tại, giá bán giun giống từ 40 – 50 ngàn đồng/kg; giun câu giá 120 ngàn đồng/kg; còn phân giun quế được bán với giá 2.000 đồng/kg. Với mô hình nuôi giun, mỗi năm lợi nhuận anh Nhật thu về trên 100 triệu đồng.

Giun quế hiện tại anh Nhật nuôi trong chuồng trại rộng khoảng 600m2.

Nói về dự định sắp tới, anh Nhật chia sẻ, sẽ mở rộng chuồng nuôi giun để tăng lượng cung ứng sản phẩm ra thị trường. Cùng với đó sẽ chuyển giao kỹ thuật nuôi nếu người dân có nhu cầu triển khai mô hình.

Ông Lê Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Quang cho biết, ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi giun quế của anh Nhật còn góp phần xử lý ô nhiễm môi trường chất thải trong chăn nuôi cũng như hóa chất trong nông nghiệp. “Đây là bước phát triển mới trong phát triển nông nghiệp tại địa phương. Thời tới địa phương sẽ tuyên truyền vận động để nhân rộng mô hình này trong toàn huyện”, ông Trung nói.

Nguồn: https://tienphong.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.