Thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, Hội Nông dân Việt Nam chú trọng nâng cao nhận thức, xây dựng các mô hình thực tế với những gương nông dân giỏi đã áp dụng thành công, hiệu quả. Đến nay đã có hơn 60.000 hộ nông dân xây dựng mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Đó là nhấn mạnh của ông Mai Bắc Mỹ – Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

Ông Mai Bắc Mỹ – Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội, Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” phát biểu tại Hội thảo khởi động và lập kế hoạch Dự án năm 2022.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình xử lý rác thải trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam và những thách thức lớn nhất mà nông dân đang phải đối mặt là gì?
– Việc xử lý rác thải trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và khủng hoảng môi trường.
Các phụ phẩm cây trồng như rơm, rạ, lá cây, chất thải chăn nuôi như phân, nước thải, xác động vật nếu không được xử lý đúng cách, việc sử dụng túi nilon, bao bì nhựa, hóa chất trong nông nghiệp… đều góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường, gây hại đến sức khỏe và đời sống con người.
Tình trạng ô nhiễm chất thải ra môi trường từ các trang trại, nông trại, gia trại, tình trạng lãng phí thức ăn ở Việt Nam đang ở mức báo động. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng còn tương đối phổ biến, làm ảnh hưởng đến chất lượng, sự an toàn và uy tín của sản phẩm nông nghiệp…
Thực tế cho thấy, nhận thức, sự đồng thuận của người nông dân trong công tác tham gia bảo vệ môi trường, xử lý rác thải tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế.
Việc hướng dẫn và đảm bảo nông dân tuân thủ các nguyên tắc trong sản xuất nông nghiệp, duy trì nề nếp thu gom, phân loại, xử lý rác thải còn là một trong những thách thức lớn.
Hơn nữa, với các sản phẩm từ chất thải trong nông nghiệp, người nông dân chưa có đủ kiến thức và công cụ để chế biến, bảo quản, đa dạng hóa sản phẩm, chưa có thị trường đầu ra ổn định. Tôi cho rằng đây cũng là một rào cản khiến nông dân chưa thể mở rộng sản xuất hoặc tiếp cận thị trường lớn hơn.
Công tác truyền thông, quảng bá lợi ích của một số sản phẩm từ việc xử lý rác thải chưa được thực hiện một cách mạnh mẽ và chưa có chiến lược rõ ràng để tiếp cận các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp trong ngành…

Các đại biểu cán bộ, hội viên nông dân các tỉnh, thành, các chuyên gia nông nghiệp chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo khởi động và lập kế hoạch Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”

Thưa ông, dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation (trước đây là Quỹ BRACE) thực hiện trong 4 năm 2021 – 2025, tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước có ý nghĩa như thế nào đối với người nông dân và môi trường Việt Nam?
– Thông qua Dự án“Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Hội Nông dân Việt Nam triển khai ở 15 tỉnh, thành phố, người nông dân được nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào tính khả thi và lợi ích thiết thực của các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, với cách tiếp cận dựa trên khoa học hành vi nhằm thay đổi nhận thức và hành động của nông dân, Dự án chú trọng xây dựng các mô hình thực tế với những gương nông dân đã áp dụng thành công, hiệu quả, từ đó làm cơ sở tuyên truyền, vận động những hộ nông dân khác tham gia. Việc tận mắt chứng kiến hiệu quả thực tế giúp nông dân có niềm tin hơn vào phương pháp mới, từ đó sẵn sàng thay đổi thói quen truyền thống.
Dự án cũng ưu tiên lựa chọn các hộ nông dân có mô hình sản xuất đa dạng sinh kế, bảo đảm nông dân được tiếp cận các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại hộ gia đình, từ nguồn nguyên liệu sẵn có đến khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Qua đó tạo nên hệ sinh thái khép kín trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo hài hòa các lợi ích về môi trường – kinh tế – xã hội, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả, mang lại giá trị lâu dài, bền vững.
Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai những hoạt động cụ thể nào để thực hiện dự án này, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nông dân về xử lý rác thải, giảm phát thải khí nhà kính, thưa ông?
– Ban Quản lý Dự án – Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 30 khóa tập huấn giảng viên nguồn (ToT) về xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho gần 1.000 lượt cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại 15 tỉnh, thành phố.

Ban Quản lý Dự án – Hội Nông dân Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hội viên nông dân về phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp.
Đồng thời, chúng tôi tổ chức 560 lớp tập huấn cho hơn 15.800 lượt hội viên nông dân về phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, tập trung vào 5 kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, bao gồm: (1) lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; (2) ủ phân hữu cơ tại ruộng từ phụ phẩm cây trồng và xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học; (3) nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; (4) nuôi sâu canxi; (5) nuôi trùn quế.
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mỗi lớp học chúng tôi đều lồng ghép hoạt động thực hành nhằm giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với kỹ thuật và hiểu cách áp dụng hiệu quả ngay trong quá trình tập huấn.
Việc lựa chọn đối tượng tham gia từng nội dung tập huấn được dựa trên loại hình sản xuất nông nghiệp của từng nông dân, bảo đảm mỗi học viên được tiếp cận với giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại hộ gia đình – từ nguồn nguyên liệu sẵn có đến khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra, qua đó nâng cao tính khả thi và bền vững của việc áp dụng.
Kết thúc các lớp tập huấn, 100% nông dân đã tự nguyện ký cam kết áp dụng các kỹ thuật được học vào thực tế sản xuất, thể hiện sự sẵn sàng đồng hành cùng Dự án trong quá trình thay đổi tập quán xử lý rác thải theo hướng thân thiện với môi trường.

Thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã vận động được hơn 60.000 hộ nông dân tham gia Dự án xây dựng các mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Một kết quả quan trọng nữa đó là: Dự án đã trực tiếp hỗ trợ con giống, chế phẩm sinh học, cơ sở vật chất cần thiết để xây dựng hơn 9.000 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Trong đó, có gần 2.000 mô hình lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, gần 2.500 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng chế phẩm sinh học, gần 1.600 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày, hơn 1.600 mô hình nuôi sâu canxi, hơn 1.500 mô hình nuôi trùn quế.
Từ hơn 9.000 mô hình được Dự án hỗ trợ ban đầu, đến nay đã có khoảng hơn 60.000 hộ nông dân tại 135 các xã, phường, thị trấn tham gia Dự án đang áp dụng ít nhất 1 kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Điều đặc biệt là, các can thiệp của Dự án được thiết kế trên cơ sở kết quả nghiên cứu hành vi của nông dân sản xuất nhỏ, trang trại chăn nuôi, người thu gom rác, căng tin, nhà hàng.
Dự án tập trung nghiên cứu và giới thiệu các quy trình kỹ thuật theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo hiệu quả, giúp nông dân dễ dàng áp dụng trong thực tế sản xuất.
Bên cạnh các tài liệu được thiết kế đồ họa hiện đại, khoa học, dễ hiểu, Dự án xây dựng hệ thống video hướng dẫn chi tiết từng bước thực hiện các kỹ thuật. Nhờ đó, hiệu quả tiếp thu và khả năng ứng dụng các phương pháp xử lý rác thải vào thực tiễn của người nông dân được cải thiện đáng kể.
Như ông đã chia sẻ, một trong những kết quả tích cực của Dự án là vận động được hơn 60.000 hộ nông dân tại 135 xã, phường, thị trấn tham gia Dự án xây dựng các mô hình về xử lý rác thải hiệu quả. Để phát huy kết quả đạt được, Hội Nông dân Việt Nam có những kế hoạch gì để nhân rộng mô hình thành công trên phạm vi toàn quốc?
– Để nhân rộng các mô hình thành công trên phạm vi toàn quốc, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên nông dân về xử lý rác thải thân thiện với môi trường, đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, gắn tuyên truyền với kết quả thực tế của các mô hình điểm của các cấp Hội.
Hội Nông dân Việt Nam cũng đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã về xử lý rác thải, sản xuất các sản phẩm liên quan; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, tạo niềm tin hơn nữa cho người nông dân về lợi ích của sâu canxi trong chăn nuôi; tham gia xây dựng chuỗi giá trị bền vững, vì mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo sơ kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tổ chức tháng 4/2024. Ảnh: Đức Quảng.
Theo ông, cần có những chính sách, cơ chế nào từ phía Chính phủ để khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia vào các hoạt động xử lý rác thải, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường?
– Việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo đảm tương lai cho các thế hệ mai sau không chỉ là mục tiêu mà còn là một nhiệm vụ cấp bách trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự vào cuộc, sự chung tay phối hợp của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Nhà nước cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách và quy định cụ thể liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng. Để làm được điều này, rất cần sự phối hợp của các bên liên quan trong việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích, hỗ trợ nông dân tham gia các hoạt động xử lý rác thải.
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, hướng tới thực hiện hiệu quả Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền tới người nông dân, người dân ở nông thôn về phân loại, thu gom và xử lý chất thải trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, sử dụng các loại chất thải có thể tái chế làm phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, thực hiện hiệu quả phân loại rác thải tại nguồn.
Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.
Thúc đẩy các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ chất thải trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tiếp cận với công nghệ chế biến, bảo quản để gia tăng giá trị sản phẩm, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, đóng góp quan trọng vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://danviet.vn/