Chuyển đổi thành phần thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải khí nhà kính

Chăn nuôi phát thải lượng khí nhà kính rất lớn, trong đó phần lớn là từ quá trình hô hấp, tiêu hóa và chất thải của vật nuôi. Do đó, cần chuyển đổi thành phần thức ăn chăn nuôi, giảm sử dụng protein thực vật (chủ yếu là đậu tương), tăng sử dụng các nguyên liệu thức ăn ít phát thải khí nhà kính…

Chăn nuôi lợn phát thải lượng khí nhà kính rất lớn

Tại hội thảo “Giảm tỷ lệ protein thô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi lợn – một tác động, đa lợi ích”, do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức ngày 31/10/2024, TS Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: Chăn nuôi là một trong những lĩnh vực phát thải nhiều khí nhà kính – tác nhân gây biến đổi khí hậu. Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi đã được các nhà khoa học chỉ ra từ lâu và được nhiều nước đang trong quá trình khuyến khích, từng bước sẽ bắt buộc người chăn nuôi đưa vào nội dung kiểm soát.

CHĂN NUÔI PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH LỚN

Chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến khí phát thải trong chăn nuôi, TS Nguyễn Xuân Dương cho biết đó là sử dụng điện và năng lượng trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; sử dụng điện và năng lượng trong khâu chăn nuôi, ấp nở…và quá trình hô hấp, tiêu hóa và chất thải của vật nuôi.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp đang tự nguyện áp dụng công nghệ và thiết bị kiểm soát chỉ số carbon trong các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhiều trang trại lớn đã xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường và giảm khí phát thải nhà kính do chất thải chăn nuôi gây ra. Phần nhiều các cơ sở chăn nuôi này là thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn công nghiệp khép kín, như THmilk, Vinamilk, CP, Mavin…

Quang cảnh hội thảo.

Theo TS Nguyễn Xuân Dương, nhằm thực hiện cam kết đạt Net Zerro vào năm 2050, thì chăn nuôi cũng như mọi lĩnh vực khác sẽ phải thực hiện tiến trình giảm phát thải khí nhà kính. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó có quy định những cơ sở sản xuất, kinh doanh có lượng khí phát thải từ 3.000 tấn CO2/năm hoặc từ 65.000 tấn chất thải/năm thì thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính. Nếu theo quy định này thì hiện nay ở Việt Nam sẽ có khoảng trên 4.200 cơ sở chăn nuôi có quy mô 1.000 con trâu, bò hoặc 3.000 con lợn có mặt thường xuyên phải thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính từ năm 2024.

“Giải pháp sử dụng khẩu phần thức ăn dinh dưỡng hợp lý và bổ sung các chế phẩm nhằm hạn chế khí phát thải của vật nuôi cũng đã bắt đầu được tiếp cận trong vài năm trờ về đây nhưng chủ yếu ở giai đoạn nghiên cứu khoa học, còn việc sử dụng trong đại trà sản xuất thì vẫn đang còn ở mức độ chừng mực”.

TS. Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học kỹ thuật Chăn nuôi, cho biết tính tới thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng đàn lợn của cả nước là 25,549 triệu con, trong đó đàn lợn nái là 3 triệu con. Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt. Mỗi năm, có khoảng 11 triệu tấn thức ăn dành cho lợn được sản xuất, chiếm khoảng 56% cơ cấu ngành thức ăn chăn nuôi.

CẦN CHUYỂN ĐỔI THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Theo ông Ninh Ngọc Sơn, trong thức ăn chăn nuôi công nghiệp, protein thô là nguyên liệu có chi phí cao thứ 2 trong công thức thức ăn cho lợn. Protein cũng là một trong những yếu tố gây phát thải khí nhà kính trong chăn chăn nuôi. Do đó, việc giảm bớt hàm lượng protein thô trong thức ăn chăn nuôi lợn không chỉ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường mà còn cải thiện phúc lợi cũng như sức khỏe vật nuôi.

Làm rõ thêm về vấn đề này, TS Ninh Thị Len – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho hay trong chăn nuôi có 2 loại khí nhà kính chủ yếu được phát thải là khí mêtan (CH4) và khí ôxit nitơ (N2O). Theo tính toán của các nhà khoa học, 1 tấn khí CH4 gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 28 tấn CO2 và 1 tấn khí N2O gây hiệu ứng khí nhà kính tương đương với 265 tấn CO2. Thành phần protein luôn có khí nitơ, nên khi tiêu hoá thức ăn này, vật nuôi sẽ thải ra nhiều khí N2O.

Theo TS Ninh Thị Len, các chiến lược dinh dưỡng chủ yếu có thể được sử dụng để giảm tổn thất nitơ trong chăn nuôi là chế biến làm tăng tỷ lệ tiêu hoá thức ăn nói chung và nitơ nói riêng. Giải pháp giảm khí nhà kính thông qua dinh dưỡng thức ăn cho lợn chủ yếu là để giảm giảm lượng nitơ thải ra trong chất thải của vật nuôi, từ đó gián tiếp giảm khí N2O. Hiện tại, chăn nuôi ở châu Âu đang chú trọng giải pháp này.

Từ 31/12/2020, châu Âu đã cấm dùng khô dầu đậu tương có nguồn gốc từ khu vực phá rừng để trồng đậu tương. Đan Mạch – một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn phát triển đang có chiến lược giảm carbon từ thức ăn chăn nuôi.  Một số công ty thức ăn chăn nuôi nổi tiếng của Đan Mạch đã hợp tác để tìm ra các giải pháp thay thế một số nguyên liệu trong thức ăn hỗn hợp để có lượng khí thải CO2 thấp hơn.

Đề xuất một số giải pháp cho ngành thức ăn chăn nuôi, TS Ninh Thị Len cho rằng để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, Việt Nam cần triển khai tốt Nghị định hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững, Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021-2030.

Nhà nước cần ban hành chính sách giảm thuế khô dầu đậu tương từ 3% về 0%, vì đây là nguyên liệu nhập khẩu hoàn toàn, trong nước không sản xuất được. Cần tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích đất trồng trọt sang trồng ngô, sắn và trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

Cần phát triển sản xuất thức ăn giàu đạm từ côn trùng (ví dụ: ruồi lính đen, giun trùn quế), tảo biển để thay thế một phần nguyên liệu Protein từ đậu tương. Quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước có lợi thế như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…) và các loại thảo dược.

“Nhà nước cũng cần xây dựng phương pháp tiêu chuẩn để đo phát thải khí nhà kính phù hợp với từng loại hình sản xuất để làm công cụ xác định lượng phát thải thực tế”, bà Len kiến nghị.

Nguồn: https://vneconomy.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.