Trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế, bên ngoài nuôi thêm sâu canxi, anh nông dân Hải Phòng biến rác thành tiền tỷ

Mô hình trang trại tuần hoàn nuôi thỏ, nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi, nuôi ốc bươu, nuôi gà… của anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng là mô hình điển hình của Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần giảm thải khí nhà kính.

Trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế, chuồng bớt mùi hôi, thu lãi bất ngờ

Được Hội Nông dân TP Hải Phòng giới thiệu, PV Báo Điện tử Dân Việt biết đến trang trại tuần hoàn của anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Hiện anh Vương đang nuôi thỏ, nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi, nuôi gà, nuôi ốc nhồi… và kết hợp trồng nhiều loại cây.

Mô hình trang trại tuần hoàn nuôi thỏ, nuôi trùn quế… của anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Điều đặc biệt tại trang trại của anh Vương là “trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế” cho hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Vương cho biết: Trang trại tuần hoàn của anh rộng 7.200 m2. Trong đó, anh Vương đang nuôi 1.500 con thỏ trên diện tích chuồng 500m2 được thiết kế chia làm nhiều ô chuồng nuôi thỏ. Trung bình mỗi tháng anh Vương bán ra thị trường 800 con thỏ thịt cho lợi nhuận kinh tế khá cao.

Điều đặc biệt tại trang trại của anh Vương là “trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế”. Theo đó, ngay dưới các chuồng nuôi thỏ, anh Vương đã thiết kế các bể nuôi trùn quế để trùn quế có thể sống được ngay trên nền chuồng thỏ mà mùi hôi trong chuồng nuôi được hạn chế.

Toàn bộ phân, nước tiểu và thức ăn thừa của thỏ rơi xuống dưới chính là thức ăn cho trùn quế. Nhờ cách làm này, mùi hôi từ nuôi thỏ hạn chế, môi trường chăn nuôi sạch, đàn thỏ cũng khỏe mạnh hơn.

Mô hình trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn quế của anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng được nhiều đoàn cán bộ, nông dân trong và ngoài TP Hải Phòng đến tham quan, học hỏi. Ảnh: NVCC

Cũng từ mô hình nuôi trùn quế dưới nền chuồng nuôi thỏ này mà anh Vương không phải dọn phân thỏ hàng ngày, không tốn nhân công và tiết kiệm tiền điện, nước rửa chuồng.

“Trùn quế khai thác được, tôi làm thức ăn cho nuôi gà, nuôi cá, ốc nhồi và xử lý làm phân bón cho các loại rau và cây trồng trong trang trại. Trang trại tuần hoàn của tôi luôn tuân thủ nguyên tắc khép kín chuỗi thức ăn nuôi trồng, giảm tối đa chi phí đầu vào, không sử dụng thuốc kháng sinh, phân bón công nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, được thị trường ưa chuộng”- anh Vương nói.

Bí quyết nuôi thỏ, nuôi trùn quế thành công

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi thỏ, nuôi trùn quế, anh Vương cho biết: “Trước khi tiến hành nuôi thỏ kết hợp nuôi trùn quế, tôi đã đi tham quan rất nhiều trại. Từ trại thỏ nuôi kín, nuôi hở, trại nuôi trùn riêng, nuôi thỏ riêng, tôi đều tìm hiểu rất kỹ và đúc rút ra kinh nghiệm để xây mô hình trang trại chăn nuôi như bây giờ, có thể nuôi được cả thỏ lẫn trùn trên cùng đơn vị diện tích”, anh Vương chia sẻ.

Để trên nuôi thỏ, dưới nền chuồng nuôi trùn quế, anh Vương không lát xi măng nền chuồng nuôi thỏ mà để nền đất. Độ cao từ mặt đất đến sàn chuồng nuôi thỏ khoảng 70cm.

Xung quanh chuồng nuôi được anh Vương xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đảm bảo để nước bên trong chuồng được thoát ra ngoài kịp thời và nước ở ngoài không xâm nhập được vào trong chuồng nuôi, tránh việc chết trùn quế.

Trùn quế khai thác được anh Vương làm thức ăn cho nuôi gà, nuôi cá, ốc nhồi và xử lý làm phân bón cho các loại rau và cây trồng trong trang trại. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, một “bí quyết nuôi trùn quế thành công” quan trọng được anh Vương chia sẻ đó là tham gia lớp tập huấn ToT của Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế do Hội Nông dân TP Hải Phòng tổ chức năm 2023.

“Cách đây 2 năm, tôi được tham gia lớp ToT của Dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế do Hội Nông dân TP Hải Phòng tổ chức năm 2023. Tại đây, tôi được tập huấn 5 kỹ thuật của dự án, trong đó có kỹ thuật nuôi trùn quế và nuôi sâu canxi một cách bài bản, khoa học”- anh Vương chia sẻ.

Theo anh Vương, sau khi tham gia các lớp tập huấn của Dự án xử lý rác thải của Hội Nông dân, anh đã biết cách quản lý độ ẩm, quy trình kỹ thuật nuôi trùn quế từ lúc thả trùn giống, tưới ẩm luống nuôi, cách cho ăn và chăm sóc trùn quế, cách kiểm tra trùn có khỏe mạnh hay không…

Nhân rộng mô hình nuôi sâu canxi, thu tiền tỷ từ trang trại tuần hoàn

Cùng với triển khai mô hình nuôi trùn quế bài bản, sau lớp tập huấn Dự án của Hội Nông dân, anh Vương cũng bắt tay ngay vào mô hình nuôi sâu canxi.  

Anh Vương cho biết: Đối với sâu canxi thức ăn chủ yếu là rác thải hữu cơ như: rau, củ, quả, bã đậu, thức ăn dư thừa… Do đó mô hình nuôi sâu canxi góp phần cải thiện về môi trường giảm thiểu rác thải sinh hoạt.

Đặc biệt, sâu canxi lại chuyển hóa những thức ăn đó thành chất đạm, canxi trong cơ thể của nó. Nuôi sâu canxi làm thức ăn cho chăn nuôi như: nuôi cá, nuôi gà, nuôi ốc nhồi… vật nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao vì tiết kiện được chi phí trong chăn nuôi.

Hiện anh Vương đang có chuồng con bố mẹ (ruồi lính) làm giống sâu canxi có diện tích 12m2; đồng thời nhân rộng mô hình nuôi sâu canxi thương phẩm. Ảnh: NVCC

“Mô hình nuôi sâu canxi có quy trình gồm: nuôi con bố mẹ (ruồi lính); sau đó đẻ ra trứng ấp nở thành ấu trùng. Khi ấu trùng trưởng thành thì sẽ làm thức ăn cho vật nuôi, còn phân của sâu canxi lại làm phân bón cho cây trồng giúp cho cây trồng phát triển tốt”- anh Vương nói.

Hiện anh Vương đang có chuồng con bố mẹ (ruồi lính) làm giống sâu canxi có diện tích 12m2; đồng thời nhân rộng mô hình nuôi sâu canxi thương phẩm.

Với mô hình trang trại tuần hoàn, bình quân mỗi tháng anh Vương xuất bán ra thị trường khoảng 800 con thỏ, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi năm anh Vương nuôi 2-3 lứa gà, mỗi lứa 500 con; nuôi cá, ốc nhồi cùng nhiều mặt hàng nông sản khác… Tính tổng thu nhập từ trang trại mang lại tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Với những hiệu quả tích cực mang lại, trang trại tuần hoàn nuôi thỏ, nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi, nuôi cá, nuôi gà, nuôi ốc nhồi của anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng là địa chỉ tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều đoàn nông dân trong và ngoài tỉnh.

Bản thân anh Nguyễn Văn Vương với kiến thức, kinh nghiệm thực tế của mình cũng là giảng viên ToT tích cực của Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

Bản thân anh Nguyễn Văn Vương với kiến thức, kinh nghiệm thực tế của mình cũng là giảng viên TOT tích cực của Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”. Ảnh: NVCC

Từ mô hình của anh Vương, nhiều nông dân trên địa bàn TP Hải Phòng đã tích cực áp dụng nhân rộng mô hình nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa góp phần xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, để nhân rộng mô hình nuôi sâu canxi, anh Vương đã có chương trình “đổi sâu canxi lấy trứng”. Theo đó, anh Vương sẽ cung cấp trứng sâu canxi cho bà con về nuôi, sau đó bà con mang sâu canxi đến đổi. Bình quân cứ 10 gram trứng sâu canxi anh Vương đưa cho bà con về nuôi sẽ thu được 60 – 90 kg sâu canxi thành phẩm; và bà con sẽ đưa lại cho anh Vương 5kg sâu canxi.

Ông Nguyễn Hồng Hưng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng cho biết: “Mô hình nuôi trùn quế của anh Nguyễn Văn Vương ở xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo là mô hình điểm, mang lại hiệu quả cao, bảo vệ môi trường nằm trong Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

Dự án này được Hội Nông dân TP Hải Phòng thực hiện tại 9 xã của 3 huyện trên địa bàn TP Hải Phòng từ năm 2022 đến năm 2024. Đến nay, dự án đã đạt được kết quả cao, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương”.

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai ở 15 tỉnh, thành nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Tại TP Hải Phòng, sau hơn 2 năm thực hiện Dự án, Hội Nông dân các cấp của thành phố Hải Phòng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của cán bộ, hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và đạt được những yêu cầu kết quả của Dự án nói riêng.

Trong quá trình triển khai, Hội Nông dân Hải Phòng đã ban hành 15 văn bản hướng dẫn, tổ chức các hội nghị tuyên truyền, treo 9 thông điệp tại nhà văn hóa các xã tham gia dự án; tổ chức 47 lớp tập huấn kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ với hơn 1.000 hội viên tham gia.

Ngoài ra, Hội còn triển khai hình thức đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời phát triển nội dung “tập huấn online” giúp cán bộ, hội viên được tiếp cận rộng rãi hơn; xây dựng 738 mô hình xử lý rác tại 9 xã, bao gồm ủ phân tại ruộng, lên men phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế…

Từ hiệu quả của dự án, Hội Nông dân TP Hải Phòng đã nhân rộng mô hình tại các huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Thủy Nguyên với hơn 8.900 mô hình mới; tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả như mô hình nuôi sâu canxi tại xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy) hay mô hình chăn nuôi kết hợp xử lý rác thải hữu cơ tại xã Tiền Phong (huyện Vĩnh Bảo)…

Nguồn: https://danviet.vn/

Tin liên quan:

Bài viết cùng chủ đề:

.