Anh Dương Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Thành Lâm, thôn Lũng, xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã thu hàng trăm triệu mỗi năm từ mô hình nuôi giun quế, là một trong những gương nông dân điển hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Biến chất thải chăn nuôi thành hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi giun quế
Giun quế (hay trùn quế) là loại giun đã được thuần hóa thuộc nhóm trùn ăn phân, rất ưa thích sống trong môi trường ẩm lạnh.
Loài giun đất này có khả năng phân hủy chất hữu cơ như lá cây, rơm rạ, thức ăn dư thừa, phân động vật… thành phân bón giàu dinh dưỡng hơn.
Sau khi tiêu hóa các thành phần thức ăn, giun quế sẽ thải ra phân có chứa các thành phần axit amin, giàu đạm, là nguồn thức ăn “bổ dưỡng” cho gia súc, gia cầm
Phân giun quế có độ pH trung bình hoặc hơi axit, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Phân giun quế có khả năng cải tạo đất, giúp đất thoát nước tốt hơn và không bị cứng, khi dùng để chăm bón sẽ giúp cây trồng dễ hấp thu.
Với ưu điểm dễ nuôi, ít tốn kém, thức ăn dễ kiếm, giun quế đang được đưa vào chăn nuôi tại nhiều địa phương, góp phần xử lý rác thải hữu cơ, bảo vệ môi trường.

Anh Dương Văn Thành, nông dân xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) chia sẻ về mô hình nuôi giun quế. Ảnh: Lê Duy.
Sớm tìm hiểu về những lợi ích khi nuôi giun quế, anh Dương Văn Thành, nông dân xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã phát triển mô hình nuôi giun quế thành mô hình kinh tế cho lợi nhuận cao.
Chia sẻ về lý do bắt đầu nuôi giun quế, anh Thành tâm sự: Tôi đã “nghe ngóng” về loài giun quế này từ những năm 2010.
Hồi đó đi buôn, tôi vào Nam ra Bắc suốt, thấy ở Vĩnh Phúc rồi An Giang người ta nuôi giun quế kết hợp với gia trại, trang trại rất tốt. Nuôi con này vốn ban đầu thấp vậy mà có nơi thu lại hàng tỷ đồng nên tôi quyết định đem giống giun này về Tuyên Quang.
Trước khi đến với giun quế, anh Thành đã sở hữu một trang trại trâu, bò với quy mô hơn 100 con. Chăn nuôi nhiều trong thời gian dài, anh Thành hiểu hơn hết những khó khăn trong xử lý chất thải chăn nuôi.
Vì thế, sau khi học được kỹ thuật nuôi giun quế, anh đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng, mua 5 tấn giun giống về nuôi phía sau trang trại của gia đình.

Mô hình nuôi giun quế xử lý chất thải hữu cơ nhanh, hiệu quả, vốn thấp, lợi nhuận cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Năm đầu nuôi thử, do có ít kinh nghiệm, chưa vững kỹ thuật, đàn giun nhà anh bị hao hụt nhiều hoặc không phát triển, số lượng phân hữu cơ được giun tạo ra cũng không đáng là bao.
Không từ bỏ, anh Thành tự mày mò điều chỉnh lại quy trình nuôi giun quế. Trại nuôi giun được anh thiết kế lại, đầu tư đào hơn 500m2 ao làm bể chứa chất thải. Chất thải khi chảy xuống tự lắng, bên trên mặt nước phủ bèo tây xử lý mùi.
Sau đó, máy bơm sẽ hút bùn từ đáy ao lên để cho giun ăn. Nhờ sự chủ động, sáng tạo, đến cuối năm 2020, anh Thành đã thu được 500 tấn phân giun quế, lãi được hơn 300 triệu đồng.
Sau 6 năm phát triển, đến nay, mô hình nuôi giun quế của anh Thành đã có diện tích 600m2, có thể cho thu hoạch 3 vụ/năm với sản lượng hàng trăm tấn phân giun quế/vụ. Hiện, anh Thành đã chủ động được con giống. Từ mô hình nuôi giun quế cho phân hữu cơ, anh Thành thu lại 600 triệu đồng/năm.
Nhân rộng mô hình nuôi giun quế
Với anh Thành, nguồn lợi quan trọng nhất của mô hình nuôi giun quế không chỉ là kinh tế mà còn là khả năng xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
Anh Thành chia sẻ: “Tôi vẫn chăn nuôi trâu, bò nhưng phân chuồng từ chăn nuôi không đủ cho mô hình nuôi giun quế. Vì thế, tôi thường xuyên phải nhập thêm phân chuồng mua qua thương lái. Theo quan sát, tôi thấy giun quế xử lý mùi nhanh, rác thải hữu cơ thường chỉ 2-3 ngày là hết mùi”.
Hơn nữa, phân giun quế có nhiều dinh dưỡng tốt, dễ hấp thu nên khi dùng để chăm bón, cây sẽ lớn nhanh, lớn khỏe hơn.
“Phân giun quế chất lượng cao nên có người hỏi mua liên tục. Cao điểm nhất là vào đợt cuối năm, khi người dân bắt đầu gieo trồng vụ mới. Từ tháng 3, tháng 4 trở đi, nhu cầu chăm bón giảm nhưng từ khi làm được phân giun quế dạng nén, tôi không phải lo nhiều về nguồn tiêu thụ phân nữa”, anh Thành bảo.
Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ dân tại tỉnh Tuyên Quang đã tìm đến trại giun quế của anh Thành để học hỏi kỹ thuật, hỏi mua giun quế.
Mong muốn nhân rộng mô hình này hơn, anh Thành sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, bán con giống với mức giá 15.000 đồng/kg giun quế sinh khối.
Anh Thành cũng đang hợp tác đầu tư giống, kỹ thuật cho 2 trại giun quế tại Hà Nội, Nghệ An, tổng diện tích 2 trại lên tới hơn 3.000m2.
Ngoài ra, anh đã ký hợp đồng với Công ty phân bón Việt Nhật để liên kết tiêu thụ phân giun quế.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò kết hợp nuôi giun quế của anh Thành đã tạo việc làm cho nhiều lao động xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Năm 2021, anh Dương Văn Thành cùng 6 cá nhân có chung niềm đam mê đã thành lập HTX Chăn nuôi Thành Lâm với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau liên kết, phát triển các mô hình chăn nuôi, trong đó có mô hình chăn nuôi giun quế. HTX hiện vẫn hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động xã Mỹ Bằng.
Anh Thành và mô hình nuôi giun quế là một trong những mô hình nông dân xử lý rác thải thân thiện với môi trường của tỉnh Tuyên Quang, góp phần lan tỏa hiệu ứng tích cực cho dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.
Tại tỉnh Tuyên Quang, dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được triển khai tại 9 xã thuộc 3 huyện, thành phố tỉnh Tuyên Quang: Chiêm Hoá, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang.
Sau 2 năm thực hiện Dự án, các cấp Hội Nông dân Tuyên Quang đã tổ chức 44 lớp tập huấn cho hơn 2.560 hội viên nông dân, nhân dân tại các huyện, thành phố về các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường; tổ chức 5 cuộc tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình xử lý rác thải trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, 100% huyện, thành phố triển khai mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” với tổng 64 mô hình, hơn 2.000 thành viên tham gia; trên 3.830 hộ gia đình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường.
Toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 4 xã, trong đó có 2 xã ngoài dự án đăng ký đến năm 2028 xây dựng mô hình “Toàn diện về bảo vệ môi trường” trên cơ sở áp dụng 5 kỹ thuật xử lý phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của dự án và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn.
Nguồn: https://danviet.vn/